Bảo lãnh thông quan: Lợi ích kép cho doanh nghiệp
Là một mô hình quản lý hoàn toàn mới tại Việt Nam, nhưng ở nhiều nước trên thế giới, BLTQ đã được mở rộng và phát triển vượt bậc để trở thành một công cụ hữu hiệu trong việc tạo thuận lợi thương mại xuất nhập khẩu, thúc đẩy các dịch vụ liên quan, cũng như các hoạt động thương mại chuyên biệt.
Thực tế, theo quy định hiện hành, một số giấy chứng nhận xuất xứ, giấy phép kiểm tra chuyên ngành buộc phải nộp vào thời điểm thông quan. Nếu DN không có sẽ phải lưu giữ hàng tại kho, bãi cảng. Điều này khiến chi phí tăng, đặc biệt là cơ hội kinh doanh của DN bị bỏ qua, hoạt động sản xuất không thể thực hiện được. Nếu cơ chế BLTQ được triển khai, DN sẽ lựa chọn phương án BLTQ qua các tổ chức kinh doanh bảo hiểm để nhanh chóng đưa hàng vào sản xuất, kinh doanh theo đúng tiến độ. Việc hoàn thiện nghĩa vụ với các cơ quan quản lý chuyên ngành và hoàn trả lại hồ sơ cho cơ quan hải quan để hoàn tất thủ tục có thể được thực hiện sau.Tại Hội thảo “Bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu” do Tổng cục Hải quan tổ chức mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, cơ chế BLTQ giúp doanh nghiệp (DN) thay vì phải chờ nộp đầy đủ thuế, thực hiện các nghĩa vụ về kiểm tra chuyên ngành mới có thể đưa hàng về để sản xuất, kinh doanh thì có thể thực hiện việc này thông qua một tổ chức bảo hiểm. Tổ chức bảo hiểm sẽ đứng ra bảo đảm với cơ quan hải quan rằng DN sẽ thực hiện tất cả nghĩa vụ.
“Việc rút ngắn thời gian thông quan sẽ giúp DN giải phóng hàng nhanh, sớm đưa hàng hóa vào sản xuất, giảm chi phí lưu kho tại cửa khẩu và giúp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Điều này cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thu hút số DN tham gia xuất nhập khẩu ngày càng tăng, nhờ đó thu ngân sách tăng” – ông Mai Xuân Thành chia sẻ.
Không chỉ mang lại lợi ích cho DN, về phía cơ quan quản lý nhà nước, cơ chế BLTQ vẫn đảm bảo thực hiện thu được các khoản thuế, thực hiện được việc kiểm tra chuyên ngành và giảm chi phí, áp lực khi phải giải quyết tất cả các thủ tục tại thời điểm thông quan.
Theo đánh giá của các chuyên gia và kinh nghiệm các nước, khi áp dụng BLTQ, kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng 1%, tạo ra sự cạnh tranh tốt hơn cho các DN tham gia hoạt động xuất nhập khẩu trong phạm vi khu vực và thế giới.
Dự kiến, việc triển khai cơ chế BLTQ tại Việt Nam sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn: Thí điểm (dự kiến 2 năm 2021-2022); mở rộng (2022-2023); chính thức (dự kiến từ 2024). Theo ông Mai Xuân Thành, trong giai đoạn đề xuất thí điểm, cơ quan quản lý sẽ tổng kết đánh giá những lợi ích hình thức này mang lại cho DN. Nếu thấy điểm gì sơ hở, còn thiếu mà DN cần hỗ trợ, sẽ có đánh giá cụ thể, khách quan. Từ đó tiến tới áp dụng đại trà nhằm mục đích tạo thuận lợi thương mại, bảo đảm lợi ích lâu dài cho DN.
Theo Báo Công Thương Điện Tử