Các sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử đạt trình độ tiên tiến
Báo cáo trong Hội nghị tổng kết Chương trình “Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Chương trình đã báo cáo về một số sản phẩm phần cứng, phần mềm đáp ứng yêu cầu phát triển và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử, trong đó một số sản phẩm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế.
Sau 4 năm triển khai, Chương trình đã triển khai 26 nhiệm vụ, nghiên cứu và làm chủ hơn 280 thiết bị, hơn 40 sản phẩm phần mềm, cơ sở dữ liệu, trong đó có 19 sản phẩm được đăng ký bảo hộ độc quyền sở hữu trí tuệ, nhiều sản phẩm đạt trình độ tiên tiến của khu vực và quốc tế. Hơn 30 bài báo được đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín, và 70 bài báo trong nước và tại các hội thảo quốc tế… Cũng thông qua Chương trình đã đào tạo hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ…
Cụ thể, về trình độ khoa học, mỗi nhiệm vụ đều có ít nhất hai bài báo được đăng tải và trình bày tại các hội nghị, hội thảo hoặc trên các tạp chí Khoa học và Công nghệ có uy tín trong nước và quốc tế.
Về trình độ công nghệ, các nhóm nghiên cứu đã chế tạo một số sản phẩm phần cứng, phần mềm đáp ứng yêu cầu phát triển và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin nhằm triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử. Trong đó một số sản phẩm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Điển hình như máy tính an toàn, camera an toàn, một số thiết bị mạng, giải pháp theo dõi, phát hiện, cảnh báo tấn công mạng.
Về đào tạo, Chương trình góp phần hình thành trên 10 nhóm nghiên cứu tại các tổ chức Khoa học và Công nghệ có trình độ và năng lực nghiên cứu trong các lĩnh vực chuyên môn, vượt mức chỉ tiêu. Kết quả có 25/26 nhiệm vụ đào tạo được tối thiểu hai Thạc sĩ và tham gia đào tạo một Tiến sĩ, vượt mức kế hoạch.
Có trên 50% nhiệm vụ có kết quả có thể tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ ở giai đoạn tiếp theo; 100% nhiệm vụ đều thử nghiệm sản phẩm thực tế tại các bộ, ngành, địa phương.
Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình, Chương trình đã giúp tăng cường khả năng làm chủ, ứng dụng, phát triển công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, công nghệ xử lý dữ liệu lớn, công nghệ điện toán đám mây phục vụ hoạt động Chính phủ điện tử; Bổ sung nguồn nhân lực trình độ cao, năng lực nghiên cứu ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội; Sự tham gia thực hiện nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ các doanh nghiệp đã nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ mới phục vụ sản xuất kinh doanh; Sản phẩm của các đề tài đã được đưa vào ứng dụng thực tế phục vụ cho phát triển Chính phủ điện tử tại các bộ, ngành, địa phương.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng khẳng định, các sản phẩm nghiên cứu của Chương trình về cơ bản đã phủ đều 3 mục tiêu đặt ra, bao gồm: Các sản phẩm phần cứng, phần mềm, giải pháp tích hợp, nền tảng cho phát triển các ứng dụng phục vụ hoạt động của Chính phủ điện tử; Các sản phẩm cho phát triển và hoàn thiện hạ tầng CNTT của Chính phủ điện tử; và Một số dự thảo để từ đó hình thành nên Tiêu chuẩn quốc gia, các hướng dẫn kỹ thuật trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển đô thị thông minh.
“Xếp hạng về an ninh an toàn mạng chúng ta đạt được kết quả rất tốt 25/198, qua từng năm đều thăng hạng, có sự đóng góp của chương trình KC 01 cùng với sự nỗ lực của các nhà khoa học. Chúng tôi hy vọng với chương trình thời gian tới sẽ đáp ứng tốt phục vụ Chính phủ điện tử, làm sao vừa thực hiện giúp chúng ta trở lại bình thường mới, nhưng cũng phải bảo mật thông tin cá nhân”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng thẳng thắn chỉ ra, đến thời điểm tổng kết, Chương trình KC.01/16-20 đã thiếu vắng loại hình nhiệm vụ là dự án sản xuất thử nghiệm, sự tham gia của doanh nghiệp còn có phần hạn chế, chưa huy động được nhiều nguồn vốn từ ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt là chưa có sự tham gia đông đảo trong việc thực hiện nhiệm vụ từ các bộ, ngành có nhiều dịch vụ công như Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư, Giao thông Vận tải, Y tế…
Thực hiện Nghị quyết số 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, và Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030, trong giai đoạn tới Bộ KH&CN sẽ tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện “Chương trình nghiên cứu phát triển và ứng dụng CNTT phục vụ phát triển Chính phủ số và Đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
TÚ MINH
Bạn đang đọc bài Các sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử đạt trình độ tiên tiến tại chuyên mục Khoa học & Công nghệ.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
0369452904 – 0977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]