Cần thiết lập một đầu mối quốc gia cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Nỗ lực cải thiện các cổng dịch vụ công trong cả nước
Báo cáo “Đánh giá dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh từ góc độ người dùng năm 2024” cho thấy các địa phương đã có một số cải thiện trong việc cung cấp Dịch vụ công trực tuyến so với kết quả rà soát năm 2023. Nhiều cổng dịch vụ công (DVC) đạt mức "tốt" ở hai tiêu chí “Cung cấp thông tin hỗ trợ” và “Mức độ dễ sử dụng của các công cụ tra cứu”.
Tuy nhiên, tất cả 63 Cổng DVC đều có những điểm chưa thuận tiện cho người sử dụng, nhất là với những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, người khuyết tật. Tất cả các tỉnh, thành phố cần đầu tư cải thiện các Cổng DVC về nhiều mặt để tăng mức độ thuận tiện, thân thiện, tính tiếp cận, đáp ứng nhu cầu của mọi người dùng.
Theo ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, trong bối cảnh chính phủ số đang phát triển mạnh mẽ, các cổng DVC trực tuyến giữ vai trò then chốt, kết nối Nhà nước với người dân và doanh nghiệp. Đây không chỉ là nơi cung cấp dịch vụ hành chính công một cách minh bạch, hiệu quả mà còn là cầu nối trực tiếp giữa Nhà nước và người dân, doanh nghiệp.
Vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc cần khắc phục
Cũng theo Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, thực trạng cung cấp DVC trực tuyến còn có khoảng cách khá xa so với các mục tiêu đã đề ra.
Ông Nguyễn Minh Hồng dẫn thông tin từ Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, tại thời điểm tháng 7/2024, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đối với các DVC trực tuyến toàn trình của cấp tỉnh, thành phố mới chỉ đạt 17%.
Cùng với đó, kết quả đánh giá Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ ra rằng không hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính nào của địa phương đạt mức A và B. Có 39 địa phương đạt mức C; 15 địa phương đạt mức D và 9 địa phương có kết quả đánh giá mức E.
Từ xếp hạng trên, ông Hồng cho rằng dịch vụ công trực tuyến vẫn chưa được thuận tiện, nhanh chóng. Điều này hàm ý rằng, không gian để mở rộng, bao phủ dịch vụ công trực tuyến và gia tăng lợi ích cho người dân trong thời gian tới là rất lớn.
"Việc đánh giá các cổng dịch vụ công từ góc độ người dùng là cực kỳ quan trọng để đảm bảo rằng chuyển đổi số đáp ứng đúng nhu cầu và kỳ vọng của người dân”, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nói.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc đánh giá so với kết quả rà soát năm 2023, nhiều địa phương đã nâng cấp cổng DVC để bảo đảm quyền tiếp cận DVC trực tuyến cho người khuyết tật.
Tuy nhiên, bà Ramla Khalidi cho rằng cần cải thiện hơn nữa các DVC trực tuyến bảo đảm tính thuận tiện, tính dễ sử dụng và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người. Kết quả đánh giá cũng chứa đựng những hàm ý có giá trị về cách thức cải thiện điều kiện tiếp cận và tính hữu dụng của các cổng DVC cho tất cả mọi người dân, đặc biệt là những nhóm dân cư dễ bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số.
Ứng dụng công nghệ số cần linh hoạt, phù hợp
Để nâng cao hiệu quả của các Cổng DVC, từ đó cải thiện việc cung ứng DVCTT, báo cáo nghiên cứu đã đưa ra các khuyến nghị đi từ những cải tiến cụ thể đến việc thay đổi tư duy trên môi trường số, lấy người dùng làm trung tâm.
Trước hết, các tỉnh, thành phố cần thực hiện rà soát và khắc phục các lỗi kỹ thuật trên Cổng DVC, đảm bảo tính hiệu quả, thực chất và công khai thông tin để nâng cao tính thuận tiện, dễ tiếp cận và thân thiện với người dùng, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người lớn tuổi và người khuyết tật.
Theo báo cáo nghiên cứu, điều quan trọng nhất sự cần thiết phải chuyển đổi tư duy về môi trường số, tập trung vào việc xây dựng các chính sách và triển khai DVC trực tuyến từ góc độ "quản trị số", trong đó chú trọng thúc đẩy tương tác tự nhiên trên môi trường số giữa bên cung ứng và bên sử dụng DVC trực tuyến.
Ứng dụng công nghệ số và kết nối dữ liệu cần được thực hiện một cách linh hoạt để gỡ bỏ các rào cản hành chính, đồng thời bảo đảm dữ liệu được chia sẻ và kết nối hiệu quả.
Trong thời gian tới, có thể hướng đến 2030, cần thiết lập một đầu mối quốc gia cung cấp DVC trực tuyến tại một Cổng DVC chung duy nhất./.
- Hải Phòng xem xét miễn giảm một số loại phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến
- Ngành Hải quan nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến