ISSN-2815-5823

Cần thúc đẩy mọi giải pháp để tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL

(KDPT) – Mới đây, văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 304/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhằm đưa ra các giải pháp để để giúp tăng trưởng kinh tế cho vùng.

Đánh giá chung

Văn bản nêu rõ, vùng ĐBSCL có vị thế vai trò quan trọng, không những là cứ điểm chiến lược về nông nghiệp, vùng sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản, ngày nay ĐBSCL còn là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. Cụ thể, năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 933 nghìn tỷ đồng, đóng góp 12,08% cho GDP cả nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL tuy phải đối mặt với khó khăn, thách thức chưa từng có, nhưng các địa phương trong vùng đã quyết liệt chủ động phòng, chống đại dịch Covid-19. Đồng thời tích cực chỉ đạo các giải pháp chống hạn hán, xâm nhập mặn bước đầu có hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế của một số địa phương trong vùng đạt cao hơn bình quân chung của cả nước như, Đồng Tháp đạt 3,41%, Bạc Liêu đạt trên 2%… Bên cạnh đó, các lĩnh văn hóa, xã hội được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo của nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL giảm nhanh chóng; quốc phòng an ninh được bảo đảm.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế bình quân chung của vùng ĐBSCL đạt 1,2%, một số địa phương vẫn còn tăng trưởng âm. Giải ngân vốn đầu tư công tuy cao hơn bình quân chung của cả nước nhưng vẫn còn chậm; số xã đạt chuẩn nông thôn mới thấp hơn mức bình quân cả nước; du lịch chưa phát huy được tiềm năng; kết nối và cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa đồng đều giữa các địa phương trong vùng.

Định hướng nhiệm vụ trong thời tới cho ĐBSCL

Trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố trong vùng phải khắc phục khó khăn, đoàn kết, sáng tạo, có ý chí, quyết tâm, phát huy tiềm năng, lợi thế, bứt phá vươn lên mạnh mẽ. Phấn đấu hoàn thành mức cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 và những năm tiếp theo của địa phương mình.

ĐBSCL phải nỗ lực, quyết liệt triển khai mọi giải pháp để tăng trưởng kinh tế cho toàn vùng không thấp hơn mức trung bình cả nước; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tích cực chủ động tháo gỡ lực cản đối với phát triển ở địa phương mình, chỉ đạo giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư, bằng mọi biện pháp giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020, coi đây là quyết tâm chính trị của các địa phương đóng góp vào kết quả chung của cả nước.

Đồng thời, khẩn trương triển khai lập quy hoạch vùng ĐBSCL và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quá trình lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cần lưu ý phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù của vùng, của từng địa phương; quan tâm các vấn đề liên quan đến liên kết nội vùng và liên kết vớ TP.HCM.

Trong đó, về nông nghiệp: hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng, giá trị và giá trị gia tăng cao thích ứng biến đổi khí hậu với 3 trọng tâm là thủy sản, cây ăn quả, lúa gạo theo tỷ lệ, cơ cấu phù hợp diễn biến của khí hậu, môi trường và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Về công nghiệp: phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghiệp phụ trợ phục vụ nông nghiệp, cơ khí nông nghiệp; chế biến nông lâm thủy hải sản gắn liền với vùng nguyên liệu.

Về dịch vụ: hình thành các trung tâm dịch vụ, thương mại cấp tiểu vùng nằm ở các đô thị trọng điểm, các khu kinh tế biển, trung tâm logistic, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Hình thành các cụm dịch vụ hiệu quả cao, nhất là các khu vực ven biển, tăng cường kết nối vùng du lịch ĐBSCL.

Ngoài ra, phải thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, quan tâm phát triển doanh nghiệp. Phát triển kinh tế số, thương mại điện tử dựa vào tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong vùng; tăng cường áp dụng công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng những cánh đồng “thông minh”.

Đặc biệt, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương phối hợp, tháo gỡ khóa khăn tại từng địa phương, tạo điều kiện thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ, đề xuất phương án xử lý kiến nghị của địa phương để tháo gỡ “nút thắt”, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho vùng ĐBSCL.

PHÚC HẬU

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024