ISSN-2815-5823
Thứ hai, 12h04 02/08/2021

Chợ online: “Phao cứu sinh” trong mùa dịch

(KDPT) – Việc đóng cửa nhà hàng, quán ăn và hạn chế đi lại trong thời gian giãn cách xã hội đã tạo điều kiện cho các chợ online nhộn nhịp khách, cải tiến hơn với đủ các loại mặt hàng và đa dạng các hình thức vận chuyển.

Trong đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần tứ 4 này, đã có 19 tỉnh, thành phố phía Nam và thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Các quán ăn phải đóng cửa, số lượt đi chợ cũng bị hạn chế để đảm bảo phòng dịch. Tuy nhiên, cũng trong thời điểm này, các chợ online “tiến hoá” với sự đa dạng trong hình thức, để vừa có thể đảm bảo được hàng hoá, vừa giải quyết được nỗi sợ xếp hàng mua đồ nơi đông người.

Mặt hàng đa dạng, giao hàng an toàn

Vốn đã không còn xa lạ trong thời đại công nghệ số, nhưng đến khi các thành phố giãn cách xã hội thì nhiều người mới trầm trồ bởi sự tiện lợi mà mua sắm online đem lại. Những ngày bình thường, các chợ online nhỏ lẻ hoạt động trong một khu dân cư, khu chung cư đã có hoạt động khá nhộn nhịp, nhưng từ khi các địa phương áp dụng Chỉ thị 16, hạn chế người dân đi lại, hay phải có thẻ mới được đi chợ thì các chợ online này trở nên tấp nập hơn.

Không chỉ là những thực phẩm đóng gói, đông lạnh mà trong đợt dịch các tiểu thương còn bán cả những thực phẩm tươi sống như rau củ, hải sản, thịt tươi và sản phẩm “cây nhà lá vườn” gửi từ quê lên như trứng, rau, hoa quả…

Đa dạng các loại mặt hàng tươi sống trên chợ online.

Các mặt hàng được đăng bán trên các group chợ online khu chung cư, dân cư Hà Nội đều thu hút được rất nhiều lượng tương tác từ các cư dân, đặc biệt là các món thực phẩm tươi hay những đồ từ từ quê mang ra đều hết hàng rất nhanh.

Bên cạnh sự đa dạng và dồi dào của các mặt hàng, người bán mà người mua cũng sáng tạo ra cách “giao hàng không gặp mặt” để đảm bảo an toàn mùa dịch. Hầu hết những người bán và người mua đều cùng trong một toà nhà hay một khu dân cư nhỏ nên có sự quen biết, có thể giao đến tận cửa, giải quyết được khó khăn “khan” shipper mùa dịch.

Từ khâu đặt hàng đến thanh toán và nhận hàng, hầu hết đều thực hiện online nên sau khi người mua đặt hàng và chuyển khoản, người bán sẽ chuẩn bị hàng và chủ động giao đến đúng căn hộ, sau đó treo đồ ăn lên tay nắm cửa rồi rời đi. Một lúc sau, người mua mới mở cửa nhận đồ để tránh sự tiếp xúc.

Chị Hồng Nhung (sống tại chung cư thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Tôi mua hàng của chị này cũng 2,3 năm nay rồi. Cả 2 đều biết nhau, trước ra nhận hàng vẫn chào hỏi nhau vài câu nhưng dịch thế này thì không được. Giờ dịch bệnh bệnh ở khắp nơi nên cứ phải chủ động phòng tránh, bảo vệ cho gia đình”.

“Phao cứu sinh” của các tiểu thương

Nguồn thu nhập chính của gia đình chị Lê Liên (sống tại khu chung cư Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đều từ việc buôn bán hàng rau ở chợ. Nhưng từ khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16 và đặc biệt là lúc phát thẻ đi chợ thì tình hình kinh doanh tại chỗ của chị gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, nhờ vào lượng khách quen của chị từ trước, việc bán hàng online của chị được đẩy mạnh, thậm chí có ngày còn bán được nhiều hơn thời điểm trước dịch tại chợ. “Ban đầu có vài khách quen gọi điện thoại cho tôi để đặt hàng, giao lên tận nơi. Thế rồi người này giới thiệu người kia, số lượng khách càng ngày càng đông, tôi mang rau ra chợ chủ yếu để làm chỗ chứa hàng, chứ 2 vợ chồng thay nhau đi ship suốt ngày”, chị Liên chia sẻ.

Không riêng gì các tiêu thương ở chợ truyền thống, mà các quán ăn phải đóng cửa vì dịch bệnh cũng tìm kế sinh nhai từ việc bán hàng online. Trên các nhóm bán hàng online khu dân cư, không khó để tìm những món ăn chế biến sẵn, chủ yếu đều ở bán kính rất gần, có thể di chuyển giao hàng.

Đồ ăn vặt trên các chợ online cũng rất nhộn nhịp.

Chị Thoa (sinh sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) chuyên bán đồ ăn vặt tại cổng trường tiểu học nhưng đã “thất nghiệp” vài tháng nay vì trường học đóng cửa. Tưởng chừng khó khăn còn kéo dài đến khi dịch bệnh được đẩy lùi, nhưng thời gian gần đây chị lại có nguồn thu từ việc bán đồ ăn vặt online cho người dân tại khu chung cư mình sống.

“Cách đây 2 tuần tôi nấu trà sữa và một ít đồ ăn vặt bán cho người quen xung quanh, dần dần cũng có thêm vài khách trong toà nhà, một ngày túc tắc ship loanh quanh cũng được hơn một nửa lúc bán ở cổng trường học”, chị Thoa vui mừng nói.

Xoá tan nỗi sợ xếp hàng mùa dịch

Trước mỗi đợt giãn cách xã hội, người dân ở các thành phố lớn không chỉ sợ việc mua sắm bị hạn chế mà nỗi sợ việc phải chen chúc mua đồ cũng luôn thường trực. Hơn nữa, khi các chợ và siêu thị quá tải thì người mua có ít sự lựa chọn, đôi khi là phải mua cố những sản phẩm không còn tươi ngon hoặc không ưng ý. Vì vậy, nhiều người chọn mua sắm trên các nhóm chợ online để có thể giải quyết được tất cả những lo ngại trên.

Mua hàng online có thể hạn chế được tình trạng quá tải ở các chợ, siêu thị.

Chị Hoài Thu (sống tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ về trải nghiệm mua sắm online của mình: “Trước thì mình không tin tưởng hàng trên mạng lắm, nhất là đồ thực phẩm thì cứ phải tự tay mình lựa chọn mới yên tâm. Nhưng từ khi dịch dã căng thẳng, nhiều khi ra chợ không còn gì ngon nên đành về đặt online. Sau nhiều lần đặt một chỗ tin tưởng thì mình rất hài lòng, vừa đỡ phải đi lại, vừa chủ động chọn được loại mình ưng ý”.

Bên cạnh đó, từ khi dịch bệnh có chiều hướng lây lan nhanh, nhiều người tỏ ra lo ngại với mỗi lần đi mua lương thực, thực phẩm vì có thể virus luôn hiện hữu ở xung quanh và vô tình mắc lúc nào không biết. Cho nên, dù muốn hay không thì việc mua sắm online vẫn là lựa chọn hàng đầu vì sự an toàn cho cả gia đình và xã hội.

Có thể thấy, trong mùa dịch này, mua bán online đang bộc lộ nhiều ưu thế của mình cùng với thay đổi sáng tạo trong cách thức mua bán để phù hợp với tình hình hiện tại. Từ việc tăng cường mua sắm online, tránh tiếp xúc như cách mà nhiều người áp dụng có thể hạn chế được tình trạng tập trung đông người, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, tận dụng “thời điểm vàng” trong thời gian giãn cách xã hội để tách virus ra khỏi cộng đồng.

HUY VŨ



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024