ISSN-2815-5823
Chủ nhật, 06h03 17/09/2023

Chưa thể tiến xa hơn mốc 1.250, VN-Index giảm hơn 1% trong tuần

(KDPT) - VN-Index ghi nhận tuần giao dịch rung lắc mạnh quanh khu vực đỉnh cũ với áp lực bán liên tục gia tăng mỗi khi chỉ số chung tiếp cận vùng điểm này.
Chỉ số nhóm cổ phiếu bất động sản có thể sớm xuất hiện nhịp hồi

Sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm Việt Nam trong 2 ngày 10 và 11/9 đã giúp thị trường khởi đầu phiên 11/9 với sắc xanh lan tỏa. VN-Index nhanh chóng chạm ngưỡng 1.250 tuy nhiên không thể duy trì mốc này đến cuối phiên.

Về diễn biến cụ thể, VN-Index chịu áp lực bán mạnh với sự thận trọng của nhà đầu tư tại vùng đỉnh cũ khiến cho thị trường có phần hụt hơi và liên tục mất điểm, lùi sát về khu vực 1.220.

Sự rung lắc, tăng giảm đan xen được ghi nhận trong các phiên giao dịch sau đó cho thấy lực cầu đã có phần suy yếu và chưa thể giúp thị trường cải thiện về mặt điểm số.

Mốc 1.250 được kiểm định lần thứ 2 trong tuần tại phiên ngày 13/9 và một lần nữa VN-Index vẫn quay đầu vào cuối phiên. Mốc hỗ trợ trong tuần của VN-Index được xác lập tại 1.220 với 2 lần chỉ số hồi phục tại mốc này. Chốt tuần tại 1.227,36, VN-Index giảm 14,12 điểm (-1,14%) so với tuần trước.

Theo thống kê, trong tuần vừa qua, nhóm cổ phiếu Dầu khí ghi nhận mức tăng nổi bật nhất với sắc xanh xấp xỉ 3,3% với nhiều cổ phiếu tăng điểm tốt như GAS, PVD, PVS. Ở chiều ngược lại, áp lực bán mạnh đè nặng lên nhóm cổ phiếu Bất động sản khiến cho nhóm ngành này giảm hơn 6%.

Đồ thị kỹ thuật VN-Index (chart ngày). (Nguồn: FireAnt)

Nhóm Ngân hàng đã trở lại vai trò dẫn dắt chỉ số khi chiếm 6/10 vị trí ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index, bao gồm các mã: VPB, VIB, CTG, HDB, VCB và MBB. 2 cổ phiếu họ Vin là VIC và VHM tiếp tục bị bán mạnh gây ảnh hưởng lớn đến VN-Index, cụ thể 2 mã này lần lượt kéo chỉ số giảm 5,3 điểm và 3,8 điểm.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, việc mua ròng với thanh khoản 125 tỷ đồng của khối ngoại có thể được coi là điểm sáng, tập trung mua PDR, KBC, VNM.

Trong tuần thực hiện cơ cấu danh mục Quý 3 của 2 ETF VNM và FTSE, khối ngoại đã tiếp tục bán ròng hơn 2.100 tỷ đồng. HPG trở thành tâm điểm khi khối này bán ra hơn 720 tỷ đồng, gần gấp đôi mã bị bán ròng thứ 2 là STB với giá trị 379 tỷ đồng. Chiều mua ròng, VIX sau khi lọt vào danh mục FTSE đã được mua ròng 223 tỷ đồng trong tuần và là cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất.

Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết tuần tạo nến Spinning top thể hiện sự lưỡng lự và thận trọng của nhà đầu tư trước diễn biến rung lắc của thị trường tại vùng đỉnh.

Xét về khung đồ thị ngày, 2 chỉ báo quan trọng là MACD và RSI vẫn đang suy yếu và hướng xuống nên chưa thể khẳng định thị trường đã tìm lại được điểm cân bằng ngay trong các phiên tới. Bên cạnh đó, dải Bollinger band đang dần bó hẹp cùng với việc chỉ báo ADX đã giảm xuống 21 cho thấy xác suất cao VN-Index sẽ tiếp tục dao động ở biên độ hẹp trong ngắn hạn.

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích của Mirae Asset, nhịp điều chỉnh hiện tại của VN-Index chịu ảnh hưởng nhiều bởi nhóm cổ phiếu ngành Bất động sản và đặc biệt là họ Vingroup. Các chuyên gia kỳ vọng nhóm này sẽ cân bằng trong tuần tới tạo điều kiện hồi phục cho VN-Index. Nếu mốc 1.220 ko thể duy trì, VN-Index vẫn còn vùng hỗ trợ 1.207 - 1.212.

Các chuyên gia của VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư vẫn nên duy trì sự thận trọng, tận dụng những nhịp phục hồi để bán giảm những mã cổ phiếu có diễn biến yếu hơn thị trường, hạn chế mua mới tại thời điểm hiện tại và chỉ nên duy trì tỉ trọng cổ phiếu từ 30 - 40% tài khoản để quản trị tối đa rủi ro trong ngắn hạn./.

BÌNH NGUYÊN

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/07/2024