ISSN-2815-5823
Nguyễn Huyền
Thứ sáu, 16h22 28/04/2023

Chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu

Là nước xuất khẩu nông sản lớn, chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, ... sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng lương thực, thực phẩm có trách nhiệm với người tiêu dùng.
Xem trước bài viết |  BizLIVE.vn - Nhịp sống doanh nghiệp
Tọa đàm “Cụm công nghiệp hướng tới hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững tại Việt Nam”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) vừa tổ chức sự kiện “Cụm công nghiệp hướng tới hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững tại Việt Nam”.

Sự kiện là một trong những phiên họp kỹ thuật trong khuôn khổ Hội nghị Toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững, với chủ đề: “Chuyển đổi hệ thống lương thực – thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bao trùm trong bối cảnh khủng hoảng mới”, diễn ra từ ngày 24 - 27/04/2023 tại Hà Nội.

Đây là Hội nghị cấp Bộ trưởng với sự tham dự của trên 350 đại biểu, trong đó có khoảng 200 đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia, các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế.

Thí điểm xây dựng trung tâm nông nghiệp

Theo UNIDO, cụm ngành kinh tế là sự tập trung về địa lý của những doanh nghiệp, các tổ chức có kết nối với nhau và có cùng chung cơ hội và thách thức. Hiện các cụm ở địa phương và toàn cầu đều có cùng thách thức, gồm biến đổi khí hậu, các thay đổi quy định về môi trường, khủng hoảng kinh tế - xã hội, …

Để phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp hiệu quả, cần có sự tham gia của nhiều bên, từ các nhà cung ứng nguyên liệu thô, thiết bị nông nghiệp, cho đến các nông trại, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để kết nối với người mua trong nước cũng như trên thế giới.

Ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm thông tin nông nghiệp nông thôn, Bộ NN-PTNT cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn nên Chính phủ đang có nhiều chính sách thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp và một trong những trọng tâm là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi tập trung sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như thủy sản, lúa gạo và trái cây.

Mặt khác, vào năm 2022, Quốc hội đã đồng ý thí điểm xây dựng trung tâm nông nghiệp tại Cần Thơ với nhiều ưu đãi thuế và các chính sách bổ trợ. Cùng với đó là hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm.

Chia sẻ quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao (DAA) Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, Việt Nam có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp lớn như Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Do vậy, chuỗi giá trị nông nghiệp cần có sự hiện diện của nhiều bên liên quan, từ trồng trọt, chăn nuôi, logistics, kiểm định, chế biến.

“Nếu tại các vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn đó có thể xây dựng các cụm công nghiệp nông nghiệp sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của ngành”, Chủ tịch Câu lạc bộ DAA nói.

Ông David Butler, Giám đốc Tổ chức Lương thực bền vững của Ireland (SFSI) cho rằng, để giải quyết vấn đề trong từng khâu trong lộ trình xây dựng, phát triển các cụm công nghiệp, nông nghiệp của Việt Nam cũng như thu hẹp chi phí sản xuất, chi phí vốn, chi phí kinh doanh cần tạo ra các trung tâm như “chợ đầu mối” cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Trong tiến trình này, Việt Nam cần xác định nguồn lực tài chính đến từ đâu. Tiếp đến là quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ và chia sẻ dữ liệu. Xác định nguyên tắc theo hình thức cộng sinh hỗ trợ lẫn nhau đưa ngành nông nghiệp tiến về phía trước”, ông David Butler khuyến nghị.

Hợp tác đa phương giúp nhân rộng mô hình nông nghiệp tái sinh

Là doanh nghiệp tham gia triển khai thực hiện các chương trình lương thực – thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Chris Hogg, Phó Chủ tịch phụ trách Phát triển bền vững và Truyền thông khu vực châu Á, châu Đại dương và châu Phi, Tập đoàn Nestlé cho biết, Nestlé đang hỗ trợ người nông dân ở các nước, trong đó có Việt Nam chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm tái sinh, nhằm bảo vệ và góp phần phục hồi môi trường, cải thiện sinh kế của người nông dân và nâng cao chất lượng sống của cộng đồng và người tiêu dùng.

Để thúc đẩy chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm tái sinh, Nestlé thực hiện nhiều chương trình thúc đẩy nông nghiệp tái sinh trong chăn nuôi và trồng trọt, và cam kết đến năm 2030 sẽ có 50% thành phần chính trong sản phẩm của Tập đoàn đến từ nguồn nông nghiệp tái sinh.

Từ kinh nghiệm triển khai nông nghiệp tái sinh ở các nước, đại diện Tập đoàn Nestlé cho rằng, thách thức lớn nhất khi áp dụng các phương thức canh tác mới tại các nông trại chính là sự tin tưởng của người nông dân – đây là yếu tố quyết định cho sự thành công của việc chuyển đổi và việc chuyển đổi phải đem lại lợi ích thực tế cho người nông dân, cho xã hội và môi trường.

Ngoài ra, việc thúc đẩy chương trình hợp tác đa phương sẽ giúp chính phủ, các tổ chức, người dân và khối tư nhân hiểu về nông nghiệp tái sinh, từ đó người nông dân sẽ được tư vấn, hướng dẫn đúng cách và có thể nhân rộng mô hình nông nghiệp tái sinh.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều thách thức khác trong chuyển đổi mô hình nông nghiệp sang hướng bền vững, như rất khó thuyết phục người nông dân thay đổi thói quen canh tác truyền thống và bà con không tin rằng giảm sử dụng phân vô cơ giúp cải thiện chất lượng đất, từ đó tăng sản lượng cây trồng.

“Tại Việt Nam, chương trình Nescafé Plan đã chứng minh được điều này khi giúp người nông dân giảm được 40% lượng nước tưới và 20% phân hóa học / thuốc trừ sâu, nhưng vẫn đảm bảo được năng suất cây trồng”, ông Chris Hogg khẳng định.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024