ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ tư, 15h57 26/07/2023

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước đối diện với nhiều thách thức

(KDPT) - Sáng ngày 26/7, tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội và thách thức". Đây là sự kiện nhằm góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả cũng như nhấn mạnh vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước.
Quang cảnh hội thảo

Trong những năm gần đây, tại Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, nhiệm vụ chuyển đổi số là tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã nêu rõ, khẳng định điều này và nhấn mạnh vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho rằng: "Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội chưa từng có cho các địa phương, doanh nghiệp trên thế giới vượt lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giúp cho Chính phủ các quốc gia hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn..."

Ông Vũ Hải Quang - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Phó Tổng giám đốc VOV nhấn mạnh, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu vào các hoạt động của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, kinh tế số đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu, được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Với Việt Nam, phát triển kinh tế số là cơ hội lớn để thu hẹp khoảng cách phát triển.

Trong khuôn khổ Hội thảo "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước, cơ hội và thách thức" diễn ra sáng ngày 26/7, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) - Hội truyền thông số Việt Nam cho biết theo nghiên cứu của DTSI, để chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần chuyển đổi cách thức tổ chức, thông qua việc áp dụng hiệu quả các công nghệ, phương thức quản trị mới và những nguồn lực mới để hoạt động hiệu quả hơn; Chuyển đổi bản chất của hoạt động kinh doanh; Chuyển đổi lợi thế cạnh tranh thành hành động bằng việc nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo, không ngừng, nhanh chóng và hiệu quả; Chuyển đổi cách nghĩ, cách làm, cách hành động từ truyền thống công nghiệp sang kỷ nguyên số.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện chiến lược chuyển đổi số - Hội truyền thông số Việt Nam

Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi số với các nội dung trên, doanh nghiệp nhà nước (có vốn nhà nước) vẫn đang gặp không ít thách thức: "Trước hết phải thấy rằng doanh nghiệp nhà nước có những quy định tổ chức rất khác với các doanh nghiệp có hình thức sở hữu khác. Doanh nghiệp nhà nước, có những hành lang pháp lý, những quy định, quy chế và cách thức kiểm soát rất chặt chẽ. Đây là yếu tố tạo nên những rào cản trong việc chuyển đổi cách thức tổ chức để chuyển đổi số, bởi không thể muốn chuyển đổi như thế nào cũng được và muốn chuyển đổi là chuyển đổi được ngay, sự chuyển đổi cũng chịu rất nhiều ràng buộc, không dễ để chuyển đổi thành công".

Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định, chuyển đổi số mang lại những giá trị lớn cho doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp công nghệ số thường có tiềm năng tăng trưởng vượt trội do tính chất đột phá và sự đổi mới liên tục trong lĩnh vực công nghệ. Khả năng mở rộng và sức mạnh của công nghệ số làm cho các doanh nghiệp này trở thành những tác nhân chính thúc đẩy sự thay đổi và phát triển trong nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, có 92% doanh nghiệp đã có sự quan tâm hay thậm chí đã ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của mình. 98% doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhờ chuyển đổi số như: giúp giảm chi phí (67%), giảm tiếp xúc trực tiếp (52%), nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (42%)…

Theo ông Lê Trường Giang, "Chuyển đổi số là một tiến trình, không phải là một mô hình, hay phương thức; mang tính phương tiện để giúp doanh nghiệp/tổ chức chuyển đổi hình thái tổ chức của mình, thích ứng với một bối cảnh mới – kỷ nguyên số".

Hội thảo có sự tham gia của hơn 300 đại biểu, lãnh đạo các bộ ban ngành, tập đoàn, doanh nghiệp và đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/05/2024