ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ sáu, 14h30 04/08/2023

Cơ hội và thách thức trong thúc đẩy liên kết vùng tại Việt Nam

(KDPT) - Vừa qua, đã diễn ra diễn đàn "Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh của địa phương" do tạp chí Kinh doanh thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức. Tại đây, một số chuyên gia đã nêu bật những nhóm cơ hội và thách thức trong việc phát triển lên kết vùng tại Việt Nam.

Những chủ trương và chính sách của Đảng trong việc thúc đẩy liên kết vùng

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã không ngừng hoàn thiện, cụ thể hóa các định hướng, ưu tiên, chính sách thúc đẩy liên kết vùng và hoàn thiện thể chế liên kết vùng cho cả nước nói chung và cho từng vùng kinh tế-xã hội.

Trong năm 2022, trên cơ sở tổng kết các Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội cho các vùng, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết riêng về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh cho 6 vùng kinh tế-xã hội trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trên cơ sở tham mưu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2022 về nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ra các quyết định thành lập 6 Hội đồng điều phối vùng cho cả 6 vùng kinh tế-xã hội. Có thể thấy những chủ trương, chính sách và kể cả thể chế điều phối phát triển ở từng vùng kinh tế-xã hội đã được khẩn trương hoàn thiện, hướng tới hiệu quả thực chất và đáp ứng yêu cầu tận dụng lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong vùng.

Đảng và Nhà nước đã có những định hướng, chính sách quan trọng đến việc thúc đẩy liên kết vùng cho cả nước.

Việc thống nhất nhận thức chung về phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng và cụ thể hóa thành các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước mới chỉ là bước đầu. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để đưa các chính sách này vào cuộc sống. Một nội dung quan trọng cần làm là tạo cơ chế và động lực cho các chính quyền địa phương trong vùng liên kết với nhau cùng thực hiện các chính sách, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội ở cấp vùng.

Một định hướng quan trọng theo tư duy của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương là: quá trình hợp tác, hành động ấy cũng phải được theo dõi, đánh giá với những chỉ tiêu định lượng cụ thể. Do vậy, khi tham mưu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 57/NQ-CP, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tham mưu giao nhiệm vụ về “nghiên cứu tính khả thi của việc giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo từng vùng trong giai đoạn 2026 – 2030”. Việc giao chỉ tiêu này cần tránh thực hiện theo mệnh lệnh hành chính, kế hoạch hóa kiểu cũ, mà phải tạo động lực thực sự để các địa phương cùng nỗ lực thực hiện, gắn với phát huy lợi thế so sánh của cả vùng và lợi thế của từng địa phương trong vùng.

Ba nhóm cơ hội và thách thức chính đối với thúc đẩy liên kết vùng

Tại diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã nêu ba nhóm cơ hội và thách thức chính trong việc phát triển liên kết vùng. Cụ thể:

Thứ nhất, bối cảnh hội nhập quốc tế đang đặt ra những cơ hội, thách thức mới đối với thúc đẩy liên kết vùng. Kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng còn không ít bất định, thậm chí cả các diễn biến khó lường. Các nhân tố gây ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế thế giới bao gồm hệ lụy của dịch COVID-19, xung đột Nga – Ucraina kéo dài, cạnh tranh địa chính trị giữa các nền kinh tế lớn, áp lực lạm phát và ưu tiên thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát cao ở nhiều quốc gia, cùng với tác động nghiêm trọng và khó lường của biến đổi khí hậu,… Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, nhưng gặp nhiều trở ngại, thách thức. Dù mang lại nhiều lợi ích, hội nhập quốc tế cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, đặc biệt là đối với các ngành thay thế nhập khẩu có năng lực cạnh tranh yếu kém. Theo đó, yêu cầu phát huy lợi thế cạnh tranh ở cấp độ quốc gia, cấp vùng, cấp địa phương và cấp ngành hàng phải đi kèm với cải thiện mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Việt Nam tham gia rất tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế, và việc tham gia liên kết khu vực và quốc tế chắc chắn sẽ kéo theo nhiều hình thức liên kết kinh tế mới, kể cả với các đối tác nước ngoài, qua đó giúp có thêm tăng cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Trong thời gian gần đây, do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc và đại dịch COVID-19, dòng vốn đầu tư nước ngoài đã và đang có xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ.Theo đó, Việt Nam có thể có thêm những thuận lợi để các địa phương trong từng vùng liên kết thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài như: đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của các tập đoàn, công ty đa quốc gia lớn; là điểm đến tiềm năng trong chính sách đa dạng hóa nguồn cung ứng; doanh nghiệp trong nước nói chung và ở từng vùng nói riêng có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tận dụng xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu để thu hút FDI phát triển một số lĩnh vực mới tại Việt Nam như: sinh học, hóa dược, hóa sinh, dược phẩm, các sản phẩm công nghệ thông tin, ...

Thứ hai, thể chế hình thành và thúc đẩy liên kết vùng ở Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện. Cho đến năm 2021, các đánh giá vẫn cho thấy, một thách thức cản trở sự phát triển của các vùng nói chung và liên kết vùng nói riêng chính là thiếu các thể chế đủ mạnh. Từ khi thành lập 06 vùng kinh tế - xã hội đến nay, văn bản pháp lý cao nhất liên quan đến phát triển vùng mới dừng ở mức Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, hoạt động của chính quyền địa phương trong vùng lại được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật mang tính pháp lý cao hơn (như: Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội,…) nên hoạt động liên kết vùng thời gian qua gặp rất nhiều hạn chế. Do vậy, để cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy liên kết kinh tế vùng một cách thực chất và hiệu quả, các cơ quan cũng đang nghiên cứu các nội dung tham mưu ban hành văn bản pháp luật ở cấp Luật hoặc sửa đổi một số văn bản pháp luật có tính pháp lý cao.

Bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng đặt ra thêm khó khăn, thách thức cho việc triển khai chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy liên kết vùng. Về nguồn lực, ngân sách Nhà nước đang gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại, các nguồn thu ngân sách sụt giảm trong khi nhu cầu chi ngân sách tăng cao. Do vậy, nếu thiếu ưu tiên đúng mức cho việc bố trí nguồn lực cho các chương trình, dự án liên kết vùng gắn với các tiêu chí phân bổ và đánh giá cụ thể, khả thi, thì các chương trình, dự án này có thể chậm triển khai, thậm chí không triển khai được như mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Thứ ba, biến đổi khí hậu không còn là dự báo mà đang diễn ra ngày càng sâu rộng và gay gắt, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng ở mỗi vùng là khác nhau. Các hiện tượng: nước biển dâng, khí hậu cực đoan, ngập lụt, hạn hán,… đang tạo ra thách thức vô cùng to lớn, đe dọa tới sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nói chung và vùng nói riêng. Bối cảnh đó đã đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức và đây là vấn đề lớn, đa ngành nên đòi hỏi Việt Nam cần có cơ chế, cách thức quản trị vùng một cách hiệu quả, phù hợp với đặc thù của từng vùng. Cần lưu ý, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cả vùng, không riêng địa phương nào, do đó đòi hỏi sự chung tay, phối hợp của các chính quyền địa phương.

Biến đổi khí hậu cũng gây ra những ảnh hưởng khác nhau tới mỗi vùng, qua đó tạo ra thách thức lớn đe dọa tới phát triển kinh tế - xã hội.

Biến đổi khí hậu là thách thức chung, song cũng là áp lực cần thiết để thúc đẩy liên kết vùng mạnh mẽ hơn. Một lĩnh vực quan trọng là liên kết vùng trong tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại để phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương trong vùng. Tổ chức được các mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn ở cấp vùng sẽ bảo đảm nguồn lực “quay vòng” và “khép kín” hơn ở từng vùng, qua đó giúp bảo đảm nguồn đầu vào hiệu quả cho quá trình sản xuất, và thể hiện tư duy hợp tác cùng phát triển kinh tế và giảm thiểu tác hại đối với môi trường.

Việc đẩy mạnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 dựa trên số hóa và kết nối vạn vật đang là xu thế của thế giới và cũng là hướng phát triển của Việt Nam. Cách mạng Công nghiệp 4.0 giúp cho việc thực hiện quản lý, điều hành của chính quyền trung ương, chính quyền địa phương trở nên minh bạch, công khai, kịp thời; đồng thời giúp tối ưu hóa nguồn lực để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, giúp các chủ thể trong nền kinh tế dễ dàng kết nối với nhau. Như vậy, Cách mạng Công nghiệp 4.0 có thể giúp thúc đẩy liên kết giữa các chủ thể trong nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực với chi phí trao đổi, chi phí vận hành bộ máy tối ưu nhất. Ngược lại,nếu không có cách tiếp cận chung đối với Cách mạng Công nghiệp 4.0, các địa phương trong cùng khu vực có thể phải đối mặt với vấn đề liên kết vùng lỏng lẻo hơn. Khi ấy, xử lý những thách thức chung liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ không còn là vấn đề đơn giản.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024