Phiên họp Quốc hội sẽ diễn ra trong vòng 2 ngày tại Cung Hội nghị tại thủ đô La Habana, trong đó 605 đại biểu quốc hội mới được bầu chọn vào ngày 11-3 vừa qua sẽ tuyên thệ và các đại biểu trên sẽ bỏ phiếu lựa chọn 31 thành viên của Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch nước và các Phó chủ tịch.

Các đại biểu Quốc hội sẽ chỉ định ra 31 thành viên của Hội đồng Nhà nước cũng như người lãnh đạo Hội đồng Nhà nước kế nhiệm Chủ tịch Raul Castro, 86 tuổi.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VII vào cuối năm 2016, Chủ tịch Raul – người có 12 năm lãnh đạo tiếp nhiệm vị trí của anh trai Fidel Castro, đã tuyên bố sẽ thôi chức chủ tịch khi kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa VII.

Tuy nhiên, ông Raul sẽ tiếp tục làm tổng bí thư Đảng Cộng sản Cuba đến kỳ đại hội tới dự kiến tổ chức vào năm 2021.

Dự kiến người sẽ thay thế ông Raul là ông Miguel Díaz-Canel Bérmudez, sinh năm 1960 trong một gia đình có cha mẹ là giáo viên và công nhân nhà máy ở miền trung Cuba.

Chủ tịch Cuba Raul Castro (trái) và Miguel Diaz-Canel (phải).

Từng là một giáo sư đại học, ông Diaz-Canel được bầu vào Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết sách cao nhất gồm 14 thành viên của đảng Cộng sản Cuba, kể từ năm 2003. Ông cũng có khoảng thời gian giữ chức Bí thư thứ nhất tỉnh ủy Villa Clara và Holguin trước khi được giao trọng trách Bộ trưởng Giáo dục cấp cao cho tới năm 2012.

Cũng trong năm 2012, ông Diaz-Canel được Chủ tịch Raul Castro cất nhắc làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và giữ chức vụ này cho tới năm 2013. Ở cả trên cương vị này lẫn khoảng thời gian làm Bộ trưởng Giáo dục, ông Diaz-Canel đều được biết đến với dấu ấn là một nhà cải cách nhiệt thành.

Tháng 2/2013, ông Diaz-Canel trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên sinh vào thời điểm sau cuộc Cách mạng Cuba (1953-1959) được ngồi vào vị trí phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước Cuba, đồng thời là thành viên của của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Cuba.

Nếu ông Diaz-Canel được bầu thay thế chức vụ Chủ tịch Cuba từ nhà lãnh đạo hiện thời Raul, đây sẽ là cột mốc lịch sử quan trọng của đảo quốc này, bởi sau 60 năm, người đứng đầu Cuba không phải là thành viên của gia đình Castro, đồng thời cũng không phải là người thuộc thế hệ kháng chiến trước đây.

Ông Diaz-Canel được đánh giá là “trẻ trung, thực hiện nhiều cải cách”, nhất là trong thời kỳ ông làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Việc ông Raul vẫn tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Cuba được xem như một sự hậu thuẫn cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo, và kế thừa “thành tựu cách mạng” của thế hệ trước đó.

Đây được xem là bước chuyển quan trọng trên chính trường Cuba, đất nước này đang đứng trước bước ngoặt mới và triển vọng cải cách vẫn treo lơ lửng. Gần 60 năm sau ngày cách mạng thành công, và Cuba sẽ bước vào một kỷ nguyên mới. Những giấc mơ rực rỡ của thế kỷ 20 sẽ khép lại và nhường chỗ một thời đại mới nhiều khó khăn hơn cả năm 1959.

Duy Khánh (tổng hợp)