ISSN-2815-5823

Cùng trông đợi vào CPTPP

(KDPT) – Mới đây, Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay còn gọi là TPP-11 đã đạt được kết quả bất ngờ tại Nhật. 11 nước thành viên hoàn tất đàm phán để tiến tới ký kết hiệp định chính thức vào ngày 08/03 tại Chile.

Hợp tác thương mại rộng khắp

Theo Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương), mặc dù không còn Mỹ nhưng CPTPP vẫn được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán, dự kiến sẽ đem lại lợi ích cụ thể cho tất cả các nước tham gia.
Hiệp định CPTPP cũng được dự báo sẽ mang lại cho Việt Nam không ít lợi ích. Tăng trưởng kinh tế và kim ngạch xuất nhập khẩu là điều dễ thấy nhất.
Các chuyên gia cũng như doanh nghiệp đều kỳ vọng, CPTPP sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy hoạt động thương mại với các nước như Canada, Mexico hay Peru – những nước chưa ký kết FTA với Việt Nam.
Với dệt may, giày dép, thủy sản, New Zealand và Australia được nhận định là hai thị trường mới có sức tiêu thụ lớn.
“Thị trường Australia là nơi mà dệt may hy vọng nhiều, bởi xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này mới dừng ở 200 triệu USD/năm. Khi có CPTPP, kim ngạch 1 tỷ USD/năm sẽ không quá xa vời”, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp dệt may, ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định.
Ngành thủy sản cũng khả quan hơn khi các nước CPTPP hàng năm nhập khẩu gần 2 tỷ USD hàng thủy sản. Trong đó, Mexico đã trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam từ năm 2017, với kim ngạch đạt gần 15 triệu USD, tăng 66% so với năm 2016.

CPTPP được thông qua sẽ có làn sóng đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam.

Hiệu ứng tốt

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia và Phillipines đều thể hiện mong muốn tham gia hiệp định. Bloomberg dự báo việc mở rộng từ 11 lên 16 quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ gia tăng đáng kể lợi ích kinh tế cho tất cả các thành viên.
Đúng như cái tên của nó, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là một hiệp định tương đối toàn diện. CPTPP bao trùm các nguyên tắc trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều bộ nguyên tắc khác. Chính vì vậy, hiệp định mới vừa tạo cơ hội vừa buộc Việt Nam cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh nói riêng và cải cách thể chế nói chung.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đưa ra một ví dụ: “Nó giúp cho chúng ta hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường. Lúc đó các vận hành của Chính phủ trong các khu vực như xăng dầu, điện… sẽ có những cải cách, bước đi mạnh mẽ”.
Một ví dụ khác là vấn đề lao động và công đoàn. Nhiều người cho rằng đây là thành quả lớn nhất mà người lao động đạt được. Công đoàn độc lập được thành lập sẽ giúp quyền lợi của người lao động được bảo đảm hơn, tạo điều kiện để đời sống của họ được cải thiện. Sau thỏa thuận tại Nhật Bản (23/01) Việt Nam có khoảng thời gian 5 năm miễn trừ trừng phạt thương mại và thêm 2 năm rà soát pháp lý.
Bên cạnh đó, vẫn theo Vụ Chính sách đa biên, CPTTP có tính mở, khi có nước khác tham gia hiệp định thì lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Là nước tham gia từ đầu nên Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.
Phần quan trọng khác chính là việc CPTPP giúp Việt Nam cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài.

Cần chủ động nắm bắt

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, để tận dụng được các lợi ích trên, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý 3 vấn đề.
Một là, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Doanh nghiệp cần có cái nhìn bao quát đối với Hiệp định, không chỉ tìm hiểu thông tin về lĩnh vực trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
“Hiện nay, toàn bộ văn kiện tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt của Hiệp định CPTPP đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Công Thương”, ông Thái thông tin.
Hai là, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên.
Ba là, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác nêu trên để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Theo kế hoạch, CPTPP sẽ được ký kết tại Chile vào ngày 08/03 tới để dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ cuối năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019. Hiệp định mới có thể sẽ giảm thuế đối với 11 nền kinh tế chiếm tổng cộng hơn 13% GDP toàn cầu – khoảng 10.000 tỷ USD.

Hương Giang



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024