ISSN-2815-5823
Minh Hằng
Thứ tư, 10h15 13/03/2024

Cuộc "chạy đua" tăng vốn điều lệ của các công ty chứng khoán, ngân hàng

(KDPT) - Trong mùa đại hội cổ đông sắp tới, câu chuyện tăng vốn điều lệ sẽ lại là chủ đề nóng được nhắc đến nhiều, nhất là với nhóm chứng khoán và ngân hàng.

Các công ty chứng khoán dồn dập tăng vốn điều lệ

Thời gian gần đây, phát hành cổ phiếu đang là câu chuyện chủ đạo của các công ty chứng khoán và dự kiến sẽ tiếp tục nhận được nhiều chất vấn của các cổ đông trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) diễn ra trong vài tháng tới.

Trên thực tế, việc tăng vốn điều lệ là điều cần thiết với các đơn vị môi giới chứng khoán để tăng quy mô hoạt động, lấy thêm thị phần, đặc biệt là có dư địa cho vay ký quỹ (margin) - cuộc đua mà nhiều doanh nghiệp đang dồn lực vào.

Các công ty chứng khoán dồn dập tăng vốn điều lệ. (Ảnh minh họa)
Các công ty chứng khoán dồn dập tăng vốn điều lệ. (Ảnh minh họa)

Được biết, Hội đồng quản trị Chứng khoán FPTS (FPTS) sẽ trình lên phương án phát hành hơn 85,8 triệu cổ phiếu FTS cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ phát hành thường là 40%. Đây là một trong những nội dung quan trọng mà HĐQT FPTS sẽ trình lên ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào ngày 28/3 sắp tới. Bên cạnh đó, lãnh đạo FPTS còn mong muốn được chấp thuận phát hành cổ phiếu ESOP với khối lượng 5,5 triệu đơn vị. Dự kiến, hai phương án này sẽ được thực hiện trong quý II - III và vốn điều lệ sẽ tăng lên trên 3.000 tỷ đồng.

Hay như Chứng khoán Nhất Việt (mã: VFS) cũng vừa thông báo sẽ triển khai phương án phát hành thêm 120 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100%, tăng vốn gấp đôi lên con số 2.400 tỷ đồng, công việc dự kiến hoàn thành trong năm nay.

Với khoảng 1.200 tỷ đồng sắp huy động được, VFS có kế hoạch dùng để bổ sung cho hoạt động đầu tư tự doanh và cho vay ký quỹ ngay trong năm 2024. Nội dung này là một vấn đề được đem ra thảo luận chính trong kỳ họp cổ đông thường niên sắp tới.

Tương tự, Chứng khoán LPBank (LPBS) sẽ tăng vốn mạnh lên mức 3.888 tỷ đồng với việc đang chào bán cho cổ đông hiện hữu gần 364 triệu cổ phiếu. Nguồn tiền thu về chủ yếu sử dụng cho đầu tư tự doanh, mở rộng chi nhánh, cho vay margin và ứng trước tiền bán.

Trong khi đó, Chứng khoán CV (CVS) đang triển khai phương án chào bán số lượng gần 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 190%, dự kiến sẽ đạt 457 tỷ đồng. Đây là đợt tăng vốn thứ 2 của doanh nghiệp này kể từ khi về tay chủ mới là M_Service. Với đợt chào bán này, dự kiến CVS có thể thu về gần 300 tỷ đồng. Dòng tiền mới được sử dụng để bổ sung nguồn vốn triển khai dịch vụ cho vay ký quỹ và dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán, còn lại dùng để bổ sung vốn lưu động.

Theo thông tin từ Lãnh đạo Chứng khoán Guotai Junan cho biết, đơn vị này đang muốn mở rộng phạm vi kinh doanh để phù hợp với sự phát triển chung của thị trường chứng khoán. Theo đó, công ty sẽ thực hiện việc phát hành cổ phiếu tăng vốn 100% lên 1.387 tỷ đồng.

Công ty chứng khoán nước ngoài này có kế hoạch huy động gần 694 tỷ đồng để bổ sung vốn cho vay margin, phát triển sản phẩm phái sinh và bổ sung vốn cho hoạt động ngân hàng đầu tư. Kế hoạch được lấy ý kiến trong cuộc họp cổ đông diễn ra vào ngày 12/3 sắp tới.

Việc tăng vốn là cần thiết đối với các đơn vị môi giới chứng khoán. (Ảnh minh họa)
Việc tăng vốn là cần thiết đối với các đơn vị môi giới chứng khoán. (Ảnh minh họa)

Các công ty chứng khoán đầu ngành như SSI, VNDirect, HSC,... cũng chạy đua mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua các kế hoạch tăng vốn hàng tỷ đồng.

Đơn cử, cổ đông SSI đã thông qua phương án phát hành hơn 453 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên mức 19.645 tỷ đồng, tương đương với quy mô của một ngân hàng tầm trung. Theo đó, con số này sẽ giúp SSI tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu ngành chứng khoán.

Hay trong đại hội sắp tới của VNDirect cũng sẽ hâm nóng lại câu chuyện về phát hành gần 244 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên hơn 15.000 tỷ đồng vẫn chưa được triển khai. 

Chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng đang triển khai phát hành gần 300 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên hơn 7.500 tỷ đồng. Trong khi đó, Chứng khoán MBS sẽ lấy ý kiến về việc tăng vốn trong kỳ họp cổ đông sẽ diễn ra vào ngày 28/3 tới đây,...

Các ngân hàng nhập cuộc

Bên cạnh các chủ đề về kế hoạch kinh doanh, tăng trưởng tín dụng hay bán vốn cho nhà đầu tư. Dự kiến, chủ đề tăng vốn cũng là một trong các vấn đề tâm điểm trong cuộc họp cổ đông của các ngân hàng trong thời gian tới. 

Những tháng đầu năm, một số ngân hàng thương mại đã công bố các kế hoạch tăng vốn điều lệ từ vài trăm cho đến hàng chục nghìn tỷ đồng và có sự thay đổi đáng kể về thứ hạng giữa các đơn vị. Hoạt động tăng vốn này được kỳ vọng sẽ giúp làm dày thêm bộ đệm vốn cũng như thu hút dòng tiền vào cổ phiếu của các nhà băng.

Mới đây, Ngân hàng Quốc Dân (NCB) thông báo sẽ tăng vốn tối đa 6.200 tỷ đồng theo hình thức phát hành 620 triệu cổ phiếu riêng lẻ, qua đó nâng quy mô tối đa lên khoảng 11.800 tỷ đồng. NCB sẽ triển khai trong quý II để sớm có nguồn vốn bổ sung cho kinh doanh.

Trong khi đó, LPBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 20.576 tỷ lên hơn 25.576 tỷ đồng trong năm 2024. Trong đại hội cổ đông vào ngày 27/4 tới đây, LPBank sẽ thảo luận về phương án chi tiết phân phối lợi nhuận năm 2023 và phương án phát hành cổ phiếu năm 2024.

Sau hơn một thập kỷ, SaigonBank cũng có kế hoạch tăng vốn với phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% (tương đương tăng thêm 308 tỷ lên 3.388 tỷ đồng). Tuy nhiên, SaigonBank có thể vẫn là nhà băng có vốn thấp nhất hệ thống bởi PGBank cũng đang có kế hoạch tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng.

Trên thực tế, trong 1 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận chủ trương tăng vốn điều lệ cho hơn 20 ngân hàng. Dự kiến, trong mùa đại hội sắp tới, nhiều đơn vị sẽ công bố chi tiết hơn về các phương án nâng thêm quy mô vốn. 

Có thể thấy, việc sở hữu vốn điều lệ lớn hơn cho phép các ngân hàng tăng quy mô tài sản, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng thêm các hoạt động kinh doanh thông qua việc giới hạn được cấp tín dụng. Do đó, các nhà băng này đang tích cực đẩy nhanh quá trình phát hành cổ phiếu để có thêm nguồn lực.

Hoạt động tăng vốn được kỳ vọng giúp làm dày thêm bộ đệm vốn cũng như thu hút dòng tiền vào cổ phiếu của các nhà băng. (Ảnh minh họa)
Hoạt động tăng vốn được kỳ vọng giúp làm dày thêm bộ đệm vốn cũng như thu hút dòng tiền vào cổ phiếu của các nhà băng. (Ảnh minh họa)

Vừa hoàn tất đợt tăng vốn lên gần 53.700 tỷ đồng vào cuối năm 2023, VietinBank (Mã: CTG) tiếp tục muốn sử dụng toàn bộ lợi nhuận giữ lại của năm 2022 (khoảng 11.648 tỷ đồng) để tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm nâng cao năng lực tài chính, mở rộng tăng trưởng tín dụng. 

Bên cạnh đó, Vietcombank (Mã: VCB) cũng dự kiến đưa vấn đề phân phối lợi nhuận năm 2022 vào chương trình nghị sự tại ĐHĐCĐ diễn ra vào ngày 26/4 sắp tới. Theo kế hoạch, ngân hàng lớn nhất hệ thống này sẽ có 21.680 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Việc gia cố nền tảng vốn của hệ thống ngân hàng được cho là điều cần thiết trong bối cảnh nợ xấu cao cùng sức ép lớn về cung vốn cho nền kinh tế. Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng khuyến khích việc ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tập trung nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu trong năm 2024.

Fitch Ratings cũng cho rằng, những năm gần đây, Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh, qua đó đòi hỏi các ngân hàng phải tăng vốn, đảm bảo các tỷ lệ an toàn.

Theo giới phân tích dự báo, năm 2024, ngành ngân hàng sẽ còn phải đối diện với một số khó khăn như nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro có xu hướng tiếp tục tăng. Đồng thời, ngân hàng vẫn đóng vai trò là trụ cột về vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, vốn điều lệ cao sẽ là "bộ đệm" giúp các ngân hàng thương mại có thêm nguồn lực chống chọi với khó khăn, thách thức, đặc biệt trong nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, áp lực tăng vốn đè nặng lên các nhà băng. Ngoài ra, việc tăng vốn còn tạo cơ sở, điều kiện để các ngân hàng thương mại tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia tài chính, ngân hàng cũng cho biết có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam với mục đích kiếm lời. Vì thế, họ sẽ tìm các ngân hàng tốt để đầu tư. Vị chuyên gia cho biết, có 3 tiêu chuẩn chính mà nhà đầu tư lựa chọn ngân hàng trong nước là: Lợi nhuận trong quá khứ và kỳ vọng lợi nhuận tương lai khá cao, sở hữu bộ máy quản trị tốt, ngân hàng đã niêm yết để họ có thể thoái vốn khi cần./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024