Giá gạo xuất khẩu Việt Nam ngược chiều tăng, trở lại mốc lịch sử 643 USD/tấn
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo của các nguồn cung trên thế giới tiếp tục có điều chỉnh trong phiên giao dịch ngày 20/10.
Cụ thể, giá gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam đều tăng 5 USD/tấn. Giá sau điều chỉnh lần lượt là 643 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 628 USD/tấn với gạo 25% tấm.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam ngược chiều tăng, trở lại mốc lịch sử 643 USD/tấn. (Ảnh minh họa: Báo Công Thương) |
Trong khi đó, gạo Thái Lan giảm 3 USD/tấn với gạo 5%, xuống còn 570 USD/tấn; gạo 25% tấm giảm 4 USD/tấn, xuống mức 524 USD/tấn.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 19/10 gạo Thái Lan đã điều chỉnh giảm 5 USD/tấn với cả 2 chủng gạo trên.
Riêng gạo Pakistan vẫn giữ giá 563 USD/tấn với gạo 5% tấm và 483 USD/tấn với gạo 25% tấm.
Như vậy, sau những biến động từ đầu tháng 10 tới nay giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã trở lại cột mốc lịch sử hồi cuối tháng 8/2023 và tiếp tục giữ ngôi đầu thế giới khi bỏ xa gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan 73 USD/tấn, Pakistan 80 USD/tấn.
Còn gạo 25% tấm của Việt Nam hiện cách xa đối thủ Thái Lan 104 USD/tấn và hơn Pakistan 145 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu ở mức cao tác động tích cực lên thị trường lúa gạo nội địa. Cụ thể, trong tuần này giá lúa gạo nội địa đã liên tục điều chỉnh tăng. Trong đó các giống lúa được điều chỉnh tăng từ 300 - 500 đồng/kg; gạo nguyên liệu và thành phẩm cũng tăng khoảng 1.000 đồng/kg.
Lãnh đạo của một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, lúa gạo là mặt hàng rất nhạy cảm với những thông tin trên. Vì vậy, chắc chắn giá lúa gạo trong nước cũng sẽ bị tác động. Thực tế cho thấy, những tuần gần đây, giá lúa gạo tại thị trường nội địa có xu hướng tăng liên tiếp.
Cũng theo lãnh đạo trên, từ nay đến cuối năm, giá lúa gạo sẽ khó giảm, trái lại còn tăng thêm nhưng tăng nhiều hay ít còn tùy tình hình thị trường./.