ISSN-2815-5823

Gia hạn Thông tư 02 và sự đồng thuận của nhiều bên

(KDPT) - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc gia hạn Thông tư 02 đang được các doanh nghiệp cũng như ngân hàng rất trông đợi. Phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục gia hạn thông tư này.

Sẽ gia hạn Thông tư 02

Theo số liệu của Wigroup, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn đang tăng, lên trên ngưỡng 3%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu có xu hướng giảm xuống dưới 100%, thay vì luôn ở trên 100% như trước.

Còn báo cáo của Chứng khoán SSI dự báo tỷ lệ nợ xấu có thể tăng trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa cải thiện. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2023, vì dịp cuối năm kinh tế phục hồi mạnh hơn và các ngân hàng cũng đẩy mạnh xoá nợ. Dù vậy, SSI cũng đề nghị giám sát chặt chẽ các khoản nợ có vấn đề (nợ nhóm 2, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn...).

Nợ xấu đang gia tăng. (Ảnh minh họa)

Với việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước đã có tác dụng rất lớn trong việc giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân cũng như giảm áp lực hạch toán nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng.

Cụ thể, thông tư này tạo điều kiện cho bên vay được cơ cấu lại nợ, không bị chuyển nhóm nợ và có thể được tiếp cận vốn vay mới. Điều này giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ, có nguồn vốn duy trì sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi.

Tuy nhiên, Thông tư 02 sẽ hết hạn vào tháng 6/2024, kéo theo lo ngại nợ xấu tăng vọt. Điều này càng đáng ngại hơn khi năm 2024 bối cảnh vĩ mô vẫn nhiều yếu tố không thuận lợi, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.

Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước đã có tác dụng rất lớn trong việc giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Trước động thái này, không ít chuyên gia, doanh nghiệp, ngân hàng lẫn cơ quan quản lý đều đồng thuận rằng, việc gia hạn Thông tư 02 là rất cần thiết.

Điều này giúp người vay có thêm thời gian để sắp xếp trả nợ, còn phía ngân hàng giảm được áp lực trên bảng cân đối kế toán, nhất là trong bối cảnh nhu cầu tín dụng đang rất yếu hiện nay.

Ông Đỗ Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho rằng, nên kéo dài Thông tư 02 trong bối cảnh khách hàng vẫn gặp nhiều khó khăn, đồng thời cũng nhằm giảm áp lực xử lý nợ xấu cho ngân hàng.

Tương tự, ông Hồ Nam Tiến - Tổng giám đốc LPBank cho biết, ngân hàng này đã cơ cấu được khoảng 2.500 tỷ đồng dư nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN. Tuy nhiên, việc trả nợ đến khi Thông tư này hết hạn là vấn đề khó khăn đối với nhiều khách hàng.

Do đó, ngân hàng mong muốn được Ngân hàng Nhà nước gia hạn thêm thời gian cơ cấu, gia hạn nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN.

Ông Phạm Thanh Tùng -Tổng Giám đốc Vietcombank cũng đồng tình việc gia hạn Thông tư 02 sẽ giúp giảm áp lực cho cả khách hàng lẫn ngân hàng.

Doanh nghiệp lẫn ngân hàng muốn gia hạn Thông tư 02. (Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đề nghị, nên gia hạn thêm thời gian Thông tư 02 từ 6 tháng đến 1 năm để người vay có thời gian trả nợ trong bối cảnh khó khăn. Tuy vậy, ông Hùng cũng đề nghị cần có chế tài xử lý đối với người vay “bùng nợ”.

Tại Hội nghị tín dụng ngân hàng vừa diễn ra, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhất trí gia hạn Thông tư 02. Tuy nhiên, việc kéo dài trong thời gian bao lâu cần có đánh giá kỹ lưỡng. Theo đó, ngay trong quý I/2024 sẽ ban hành cơ chế.

Cẩn trọng mối lo nợ xấu

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khả năng trả nợ bị ảnh hưởng. Thông tư 02 ra đời giúp giải toả nhiều áp lực đối với doanh nghiệp, giúp họ có thêm “không gian” để xoay sở trả nợ. Tuy nhiên, việc gia hạn Thông tư 02 cần đánh giá kỹ lưỡng, bởi không cẩn trọng sẽ khiến quả bóng nợ xấu phình to hơn, ảnh hưởng đến hệ thống tài chính.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI nhìn nhận, một mặt, thông tư này giúp giải toả áp lực nợ xấu cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn, ngân hàng cũng không bị nợ quá hạn cao. Nhưng mặt khác, các vấn đề như an toàn hệ thống, đánh giá chất lượng ngân hàng có thể “lệch lạc”.

“Theo tôi nên có một cơ chế đặc biệt để nhìn rõ các khoản nợ, nguy cơ rủi ro…”, ông Đức nói.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) nêu quan điểm, Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc có gia hạn Thông tư 02 hay không.

Ngoài ra, theo ông Huân, các số liệu về nợ xấu ngân hàng cũng cần minh bạch, tránh việc tạo ra những cú sốc tâm lý gây tác động xấu đến hệ thống. Ông Huân cũng nhìn nhận việc xử lý nợ xấu phải thực chất chứ không phải là che đi con số thực tế.

“Không thể làm mát một động cơ đang nóng bằng cách tắt đi đồng hồ đo nhiệt của nó. Điều này chỉ giúp chúng ta không nhìn thấy nhiệt độ tăng lên, nhưng thực tế động cơ này vẫn ngày một nóng hơn”, ông Huân nói.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM)

Theo đánh giá của FIDT Research, việc kéo dài thời gian Thông tư 02 có ý nghĩa quan trọng, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn; đồng thời giúp các ngân hàng thương mại trích lập dự phòng rủi ro hiệu quả hơn, tập trung nguồn lực xử lý cho các khoản nợ xấu.

“Chúng tôi kỳ vọng NHNN có thể đưa ra quyết định chính thức trong quý I/2024. Tuy nhiên, việc kéo dài Thông tư 02 không nên dài hơn một năm để tình trạng nợ xấu tiềm tàng tiếp tục khó kiểm soát, kéo theo rủi ro đối với hệ thống ngân hàng”, FIDT Research nêu./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024