Giá tôm giảm khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chững
Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng tốt trong 3 tháng đầu năm nên xuất khẩu tôm tính tới tháng 4 năm nay vẫn tăng gần 14%. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm chững lại so với những tháng trước đó là do giá tôm trong nước và thế giới giảm trong bối cảnh nguồn cung tôm thế giới tăng trong khi còn tồn kho tại các thị trường tiêu thụ chính.
Theo đó, xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm 2018 tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng đạt 687 triệu USD, chiếm 67,5% (tỷ trọng tăng mạnh so với 63% cùng kỳ năm ngoái), xuất khẩu tôm sú đạt 229 triệu USD, chiếm 22,5% (so với 27% cùng kỳ năm 2017).
Trong 4 tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất khẩu tôm sang 76 thị trường. Nhìn chung, giá trị xuất khẩu sang 8 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam đều tăng trừ Nhật Bản giảm 9,3%.
Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 189,6 triệu USD, tăng 11% trong đó xuất khẩu sang Hà Lan, Đức, Bỉ tăng lần lượt 83,4%, 50% và 28%. Xuất khẩu tôm sang EU vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định nhờ hưởng thuế ưu đãi và EU giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam.
Ngược lại, giá trị xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt 175,3 triệu USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái do sản lượng xuất khẩu sang thị trường này giảm và cạnh tranh gay gắt với tôm Ấn Độ.
Theo VASEP, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 4 giảm 0,4% đã khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm giảm đáng kể mà nguyên nhân là do giá tôm trong nước và thế giới giảm.
Bắt đầu từ tháng 4, giá tôm chân trắng nguyên liệu cỡ từ 80 -100 con/kg tại một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có dấu hiệu sụt giảm so với những tháng trước. Nguyên nhân chính là do nguồn cung trên thế giới tăng trong khi còn tồn kho tại thị trường nhập khẩu.
Ngoài ra, giá tôm toàn cầu cũng giảm trong thời gian qua do nhu cầu tại Mỹ sụt giảm, một số bất ổn chính trị tại Trung Đông và Trung Quốc tăng cường kiểm soát chính sách nhập khẩu.
Mặc dù vậy, VASEP dự báo giá tôm nguyên liệu trong nước sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Bởi lẽ, các nước sản xuất tôm lớn (Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan) đã qua thời điểm thu hoạch rộ và do thua lỗ nên hạn chế thả nuôi tiếp, nên nguồn cung có khả năng giảm trong quý III và IV.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đã bắt đầu ký được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ cuối năm 2018 vì vậy giá tôm được dự báo tăng trở lại trong khoảng tháng 8 và 9 năm nay.
Theo: bizlive.vn