ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 02h50 26/10/2018

Grab: Chiều theo taxi truyền thống là bước lùi của Cách mạng 4.0

(KDPT) – Công ty TNHH Grab đã gửi văn bản đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan ngại về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô. Trong văn bản, Grab cảm thấy “hết sức bất ngờ và quan ngại” với những nội dung và quy định trong Dự thảo mới nhất mà Bộ Giao thông – Vận tải vừa trình lên Chính phủ.

Văn bản do ông Lim Yen Hock, Giám đốc Công ty TNHH Grab ký tên, nêu rõ: Grab cảm thấy hết sức bất ngờ và quan ngại với những nội dung, quy định trong Dự thảo mới nhất (Dự thảo lần thứ 6) mà Bộ Giao thông Vận tải vừa trình lên Chính phủ.

Nổi bật là Điều 3.7 quy định: “Hợp đồng vận tải điện tử chỉ áp dụng đối với xe ôtô có sức chứa từ 9 chỗ ngồi gồm cả người lái xe chở lên.

Điều 3.2 quy định: “Kinh doanh vận tải bằng xe ôtô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa, quyết định giá cước vận tải”.

Điều đó có nghĩa là xe ôtô có sức chứa từ 9 chỗ trở xuống sẽ không được áp dụng hợp đồng vận tải điện tử. Và tất cả các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử sẽ buộc phải trở thành các đơn vị kinh doanh vận tải.

“Những quy định này không chỉ đi ngược lại chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ về việc ứng dụng khoa học công nghệ và cải cách thủ tục hành chính, mà còn phủ nhận hoàn toàn những lợi ích và kết quả tích cực mà Đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã mang lại cho người dân, doanh nghiệp và xã hội”, Grab nêu quan điểm.

Theo Grab, Đề án thí điểm đã thúc đẩy phát triển thị trường vận tải, hỗ trợ cơ quan nhà nước phương án quản lý hữu hiệu bằng công nghệ và là nguồn cảm hứng cho 4.0 tại Việt Nam. Công ty đang cung cấp kết nối các dịch vụ thiết yếu hàng ngày cho 20% người dân hàng tháng, có 175.000 đối tác tài xế và nộp 270 tỷ đồng tiền thuế trong 9 tháng đầu năm nay.

Grab khẳng định rất nhiều doanh nghiệp taxi “đã thức thời và hiện đang hợp tác rất tốt” với hãng, cũng như nhiều đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối khác. Tuy nhiên, cũng còn “những doanh nghiệp taxi truyền thống lo sợ sự đổi mới, sợ mất vị thế thống lĩnh, sợ cạnh tranh”, công ty mô tả, đồng thời cho rằng việc định danh xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử là xe taxi, và định danh đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử là công ty taxi chính là đề xuất của một số đơn vị kinh doanh taxi truyền thống. Theo hãng, điều này sẽ trở thành một tiền lệ xấu đối với toàn bộ hệ thống pháp luật cũng như là dấu hiệu tiêu cực về môi trường khởi nghiệp, đầu tư – kinh doanh của Việt Nam.

“Chúng tôi cần phải nhấn mạnh rằng việc thông qua Dự thảo lần này, chiều theo ý muốn chủ quan của một số đơn vị taxi truyền thống mà bỏ qua những ích lợi và sự tiến bộ quan trọng đối với xã hội và nền kinh tế, sẽ thực sự là bước lùi, là cái cúi đầu trước ‘những người công nhân giận dữ đòi đập phá máy móc’ trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 của ngành vận tải”, văn bản ghi.

Trước đó vào chiều ngày 23/10/2018 Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã nêu quan điểm chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) yêu cầu Công ty TNHH Grab Việt Nam (Grab) phải bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng, và phải bồi thường một lần.

Theo đơn khởi kiện của Vinasun, Grab hoạt động tại thị trường Việt Nam thông qua Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ Giao thông vận tải về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học – công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, tức cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải.

Nhưng Vinasun cho rằng trên thực tế Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, một lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun. Từ đó, Vinasun cho rằng Grab thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đánh tráo khái niệm, gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận của Vinasun nên hãng khởi kiện, yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỷ đồng.

Trong một diễn biến liên quan, Hiệp hội taxi Hà Nội mới đây đã gửi Thủ tướng đơn kiến nghị khẩn cấp để phản đối dự thảo Nghị định 86 sửa đổi mà Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ mới đây.

Trong đó, hiệp hội đề xuất xếp loại hình “xe hợp đồng điện tử” như GrabCar vào cùng loại với “taxi điện tử” theo quy định trong dự thảo để dễ quản lý, đảm bảo công bằng. Trường hợp không thể gộp chung thì quy định các điều kiện của 2 loại hình này vẫn phải giống nhau, trong đó bắt buộc gắn hộp đèn (mào) “xe hợp đồng điện tử” hoặc“taxi điện tử” trên nóc.

Duy Khánh



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024