ISSN-2815-5823

Khởi động đầu tư hàng loạt tuyến đường quanh Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành

(KDPT) – Các tuyến cao tốc nối với Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành bao gồm TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Biên Hòa – Vũng Tàu, Bến Lức – Nhơn Trạch – Long Thành, đường sắt TP Hồ Chí Minh – Biên Hòa – Long Thành – Vũng Tàu, Quốc lộ 51…

Tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh, thành trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Bình Dương) đang cùng nhau đưa ra phương án đầu tư hợp lý nhất cho các dự án giao thông liên kết vùng, đặc biệt là những tuyến cao tốc kết nối trực tiếp với sân bay Long Thành trong tương lai.

Ảnh: phối cảnh của Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ cho triển khai xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đi qua địa phận TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An với tổng số vốn đầu tư khoảng 55.800 tỷ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 5.630 tỷ đồng. Tuyến đường có chiều dài 90km, điểm đầu từ đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (đoạn thuộc huyện Nhơn Trạch) đến quận 9 (TP Hồ Chí Minh), Tân Vạn, Bình Chuẩn, quốc lộ 22 (tỉnh Bình Dương) và kết thúc tại Bến Lức (tỉnh Long An). Dự án được kiến nghị đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) có sự hỗ trợ của Nhà nước. Sau khi hình thành, tuyến đường Vành đai 3 sẽ kết nối tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, Quốc lộ 1 và tuyến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đang xây dựng tạo thành mạng lưới giao thông kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh liền kề và bảy tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ảnh: Tuyến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đang được xây dựng

Bên cạnh tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây (giai đoạn 1) đã đi vào hoạt động, dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và Bến Lức – Nhơn Trạch – Long Thành đang chờ đầu tư.

Dự án khác là tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đang được thảo luận về công tác giải phóng mặt bằng. Theo tiến độ chung của dự án, đến tháng 05/2019 sẽ cắm cọc và bàn giao mốc mới cho địa phương để giải phóng mặt bằng, tháng 09/2019 tổ chức tuyển chọn nhà thầu, tháng 07/2020 khởi công dự án. Kinh phí đền bù của dự án ước tính trên 2 ngàn tỷ đồng, trong đó đoạn qua Đồng Nai chiếm hơn 1.420 tỷ đồng.

Do việc kết nối giao thông từ TP Hồ Chí Minh đến sân bay Long Thành trong tương lai chủ yếu qua tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có khả năng ùn tắc, UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng cần nghiên cứu xây dựng sớm tuyến đường sắt Tân Sơn Nhất – Long Thành nằm trong quy hoạch mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Ngoài ra, theo Công ty Cổ phần Dịch vụ Đường cao tốc Việt Nam (VECE), đơn vị quản lý, khai thác tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, tỉnh cần đầu tư thêm một nhánh cầu Long Thành, mở rộng từ tuyến đường vành đai 2 đến Quốc lộ 51 lên tám làn xe và hai làn dừng khẩn cấp.

Đồng thời, các tuyến đường như Cầu Mên; Bàu Cạn – Suối Trầu – Cẩm Đường và đường ấp 2, xã Suối Trầu đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai sớm trong quý I/2019. UBND huyện Long Thành cũng vừa đề xuất tỉnh sớm bố trí gần 940 tỷ đồng để thực hiện hai tuyến đường trọng điểm của huyện là đường Long Phước – Phước Thái và tuyến đường Phước Bình – Bàu Cạn – Cẩm Đường. Trong đó, tuyến đường Long Phước – Phước Thài dài 8,6km, điểm đầu dự án giao với hương lộ 12 Bà Ký và điểm cuối giao với Quốc lộ 51 sẽ có tổng vốn đầu tư khoảng 528 tỷ đồng. Tuyến đường Phước Bình – Bàu Cạn – Cẩm Đường dài 22km, điểm đầu dự án giao với đường ranh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và điểm cuối dự án giao với hương lộ 10 và đường Vành đai 4 có tổng vốn đầu tư khoảng 410 tỷ đồng.

Các tuyến đường kể trên đều tiếp giáp với Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành sẽ góp phần phục vụ cho nhu cầu giao thông vùng đô thị sân bay trong tương lai.

HT

(Hợp tác phát triển nội dung cùng Rubix International)



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/09/2024