ISSN-2815-5823
QUANG ĐỨC
Chủ nhật, 16h21 19/11/2023

Kỳ vọng xuất khẩu những tháng cuối năm 2023

(KDPT) - Dịp cuối năm là thời điểm có nhu cầu mua sắm lớn của người tiêu dùng trên toàn thế giới để phục vụ mùa Giáng sinh và Tết Dương lịch, do đó có thể kỳ vọng vào sự bứt tốc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa.
Xuất khẩu hàng hóa thời gian qua đã có những tín hiệu khởi sắc. Ảnh minh họa.
Xuất khẩu hàng hóa thời gian qua đã có những tín hiệu khởi sắc. Ảnh minh họa.

Nhiều tín hiệu khởi sắc

Theo thống kê, trong 10 tháng, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,2%).

Trong đó, 4 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, đóng góp đến vài chục tỷ USD cho xuất khẩu, gồm máy tính, sản phẩm điện tử - linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, nhóm nông sản với các mặt hàng rau quả, cà phê, gạo… Các nhóm hàng này đang tăng trưởng ấn tượng và không lo thiếu đơn hàng cho những tháng còn lại của năm 2023.

Tính chung những tháng gần đây, hoạt động xuất khẩu cũng liên tục được cải thiện. Kim ngạch xuất khẩu tháng 10/2023 đạt 32,25 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng 9. Những tín hiệu tích cực đang xuất hiện nhiều hơn, nhờ khách hàng ở các thị trường truyền thống đã giải phóng được lượng hàng tồn kho. Các thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của Việt Nam như Trung Quốc, các nước Tây Á, châu Phi… cũng đang khởi sắc.

Theo Bộ Công Thương, trong tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chính đều đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái do sự phục hồi ở phía cầu và mức nền tương đối thấp của các tháng cuối năm 2022.

Bộ này cũng đánh giá, hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo khởi sắc trong 2 tháng cuối năm. Nguyên nhân là do được hỗ trợ bởi các yếu tố thuận lợi từ môi trường quốc tế và trong nước.

Kỳ vọng hai tháng cuối năm

Theo dự báo, hoạt động xuất khẩu trong quý cuối cùng của năm sẽ tiếp tục khởi sắc bởi lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, châu Âu… có xu hướng hạ nhiệt, tồn kho ở các nước đang giảm dần. Cùng đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm. Hơn nữa, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ việc các tập đoàn đa quốc gia chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Ngoài ra, việc Trung Quốc có động thái hạ lãi suất nhằm vực dậy nền kinh tế cũng mở ra hy vọng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất sẽ cải thiện tích cực hơn trong thời gian tới.

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), xuất khẩu dệt may Việt Nam đã qua “đáy xấu nhất”. Hiện tại, hơn một nửa khách hàng của tập đoàn này đánh giá tình hình thị trường đang tốt lên, tín hiệu chung cho thấy hiệu quả ngành may trong 6 tháng cuối năm nay sẽ tương đương 6 tháng đầu năm.

Đại diện Vinatex cũng cho biết, đang xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực với ngành dệt may. Gần đây, các đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với giai đoạn trước. Điều này tạo kỳ vọng sản lượng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong những tháng cuối năm sẽ tăng so với những tháng qua.

Chia sẻ thêm về thị trường xuất khẩu phục hồi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, hàng tồn kho ở các thị trường mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu đã giảm, như tại Mỹ 6 tháng đầu năm tồn kho ở mức 20%, nhưng đến tháng 8 đã giảm còn 10%, và dự báo đến cuối năm 2023 sẽ tiệm cận về mức 0%. Đây chính là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng tốc sang Mỹ, bù đắp cho suy giảm của những tháng đầu năm.

Còn theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam thì xuất khẩu rau quả có thể mang về hơn 5,5 tỷ USD trong năm 2023. "Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới, đưa sầu riêng trở thành mặt hàng mới có giá trị xuất khẩu trên 1,7 tỉ USD, góp phần vào nhóm hàng "tỷ đô" của ngành nông nghiệp", ông Đặng Phúc Nguyên khẳng định.

Tương tự, ông Thang Văn Thông - Phó Chi hội trưởng Chi hội Dăm gỗ Việt Nam, cho biết doanh nghiệp trong ngành cũng đang nhận được tương tác tích cực hơn từ đối tác mua hàng. Một số doanh nghiệp có đơn hàng mới đã bắt đầu tổ chức cho công nhân tăng ca trở lại hoặc tuyển thêm lao động.

Chỉ ra những yếu tố giúp các ngành hàng xuất khẩu có cơ phục hồi, Thứ trưởng Hải cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có sức chống chịu, linh hoạt và chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong xuất khẩu.

Cùng đó, doanh nghiệp cũng đã phát huy sự chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới để bù đắp, thay thế các thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, khai thác tốt các ưu đãi, lợi thế từ những FTA thế hệ mới.

Ngoài ra, các địa phương, các doanh nghiệp FDI đã có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian từ nay đến cuối năm, đưa ra các sản phẩm mới để xuất khẩu. Ví dụ như Tập đoàn Samsung đã cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nhiều sản phẩm, trong đó có nhiều mẫu điện thoại mới sang các thị trường trong phạm vi toàn cầu.

Xuất nhập khẩu hàng hoá vẫn còn phải đối diện với nhiều khó khăn, song những tín hiệu vui cũng đã le lói trở lại. Với quy luật hàng năm là xuất khẩu sẽ tăng mạnh vào mùa lễ hội cuối năm, cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho cả năm 2023 sẽ vẫn còn nhiều hy vọng.

Với mục tiêu tạo thuận lợi lớn nhất cho xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai các giải pháp, như: Doanh nghiệp có thể thực hiện thanh toán phí, lệ phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa bằng hình thức trực tuyến, thay vì phải đến trực tiếp cơ quan quản lý nộp phí. Tổ chức hội nghị giao ban định kỳ hằng tháng giữa các cơ quan của bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và bộ, ngành liên quan để cập nhật thông tin, nhu cầu, cũng như quy định mới của thị trường. Tiếp tục đàm phán và ký kết các FTA với các đối tác tiềm năng khác để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Chuẩn bị cho chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế" (Viet Nam International Sourcing 2023) sắp diễn ra, với kỳ vọng tìm kiếm đối tác nhập khẩu hàng Việt. Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics; đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới,…

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024