Lấy ý kiến đại biểu Quốc hội với quy định rút bảo hiểm xã hội một lần
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý quá trình lấy phiếu phải thiết kế chi tiết, cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội một cách đầy đủ về ưu, nhược điểm của từng phương án.
Song song đó, cần thống kê sự đồng thuận đối với từng phương án để đại biểu nghiên cứu, xem xét quyết định.
Tại kỳ họp thứ 6 và thứ 7 của Quốc hội, Bộ LĐTBXH thừa ủy quyền của Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi (BHXH). Cả hai lần trình, cơ quan soạn thảo đều thiết kế hai phương án nhận BHXH một lần vào dự luật.
Phương án 1: Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến ngày 1.7.2025), sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH 1 lần. Sau thời gian luật có hiệu lực thi hành sẽ không được rút BHXH 1 lần nữa.
Phương án 2: Sau 12 tháng người lao động không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH 1 lần, nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để tiếp tục tham gia khi có điều kiện và hưởng các chế độ BHXH.
Theo Bộ LĐTBXH, phương án 1 khắc phục được thực trạng rút BHXH một lần nhiều lần. Tuy nhiên, phương án này có thể có sự so sánh giữa những người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực.
Với phương án 2, cơ quan soạn thảo cho rằng không có sự khác nhau giữa người tham gia BHXH trước và sau khi luật mới có hiệu lực. Người lao động hưởng BHXH một lần nhưng vẫn bảo lưu được một phần thời gian đóng, khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối để hưởng chế độ BHXH.
Tuy nhiên, việc quy định chỉ được giải quyết một phần thời gian đóng có thể gặp phải nhiều phản ứng của người tham gia, có thể tăng đột biến số người đề nghị rút BHXH một lần trước khi luật mới có hiệu lực thi hành.
Việc này ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do nó tác động đến tất cả người lao động, cả những người hiện nay đang tham gia và sẽ tham gia sau thời điểm Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực.
Ngoài ra, phương án 2 cũng không giải quyết triệt để được việc rút BHXH một lần và thực trạng người lao động nhiều lần rút BHXH một lần. Nếu thực hiện phương án này thì sau đó vẫn phải tiếp tục sửa đổi quy định để tiến tới phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ chung và đúng bản chất, mục tiêu của chế độ hưu trí.
Từ các phân tích trên, cơ quan soạn thảo khẳng định: “Cả hai phương án đều phải chấp nhận lát cắt nhất định, song về mặt xã hội cần ưu tiên phương án nào giảm thiểu sự phản ứng của người lao động".