ISSN-2815-5823

Linh hoạt các phương án tiêu thụ vải thiều

(KDPT) – Chiều ngày 31/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan có buổi làm việc với tỉnh Bắc Giang xúc tiến tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trực tiếp làm việc với Bắc Giang về tiêu thụ vải. Ảnh: VGP/Nguyễn Dũng

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn, năm 2021, Bắc Giang có vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước với diện tích hơn 28 nghìn ha, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn. Bắc Giang đã xây dựng được vùng vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với hơn 15 nghìn ha; vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP 82 ha; vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc…

Đặc biệt, ngày 12/3/2021, Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). Đây là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đây chính là điều kiện thuận lợi để vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Đến nay, tỉnh đã tiêu thụ được khoảng 17 nghìn tấn vải thiều tươi; trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc và thị trường nội địa; giá bán bình quân dao động từ 20.000 – 32.000 đồng/kg; giá thấp nhất là 12.000 đồng/kg, giá cao nhất là 55.000 đồng/kg. Tỉnh cũng đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản được 40 tấn vải thiều. Dự kiến từ nay đến cuối vụ, sẽ xuất khẩu được từ 300 – 400 tấn vải thiều.

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bắc Giang đã có những phương án cụ thể cho tiêu thụ nông sản, nhất là vải thiều. Song song với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, tỉnh cũng cần linh hoạt trong triển khai các phương án tiêu thụ, có giải pháp cụ thể để đảm bảo quá trình lưu thông, tiêu thụ hàng hóa nông sản được thông suốt; không bị ách tắc, kéo dài thời gian tại các chốt kiểm dịch.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT và lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, để làm tốt công tác tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh dịch Covid-19, tỉnh đã có phương án cho tất cả các kịch bản tiêu thụ, đảm bảo vải thiều Bắc Giang năm 2021 vẫn được mùa, được giá.

Hiện nay, tỉnh dự trù các phương án bảo quản, xây dựng lò sấy khô trong trường hợp nông sản tiêu thụ khó khăn, sẵn sàng hỗ trợ nông dân xây lò sấy vải; huy động các lực lượng, hội, đoàn thể tại địa phương tham gia thu hái vải; hướng dẫn các huyện, thành phố có xác nhận lô hàng vải thiều và lô hàng nông sản an toàn dịch bệnh bao gồm: Hàng hóa được sản xuất trong vùng an toàn dịch bệnh; sơ chế, đóng gói tại các cơ sở an toàn dịch bệnh; phương tiện vận chuyển được phun khử khuẩn; lái xe và chủ hàng được xét nghiệm âm tính với Covid-19. Tỉnh cũng đã dự trù phương án xây dựng các trạm để bố trí đội ngũ lái xe chuyên dụng vận chuyển, tiêu thụ nông sản.

Để làm tốt công tác tiêu thụ vải thiều năm 2021, tỉnh đề nghị Bộ, ngành Trung ương tiếp tục mời gọi doanh nghiệp đến tiêu thụ vải thiều thông qua sàn thương mại điện tử. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm tại các hội nghị xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ với các kênh phân phối tại các hệ thống siêu thị; tạo điều kiện thuận lợi để thông quan các lô hàng xuất khẩu tại các cửa khẩu.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái cho biết, tỉnh Bắc Giang đang gặp hai cái khó. Một là phương tiện vận chuyển; nếu vận chuyển vào thị trường phía nam phải có container, bảo quản lạnh nhưng hiện nhiều doanh nghiệp vận tải e ngại. UBND tỉnh đã mời hiệp hội vận tải vào cuộc, kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ Bắc Giang vận chuyển tiêu thụ vải thiều.

Cái khó thứ hai là việc lưu thông qua các chốt trạm kiểm dịch của các tỉnh. Mỗi lần xe của tỉnh Bắc Giang qua, các chốt, trạm lại yêu cầu kiểm tra, xuất trình giấy tờ, xét nghiệm nhanh Covid-19 nên kéo dài thời gian chờ đợi, nếu qua mấy chục trạm từ Bắc vào Nam thì thời gian bảo quản, tiêu thụ vải thiều không đảm bảo.

Ông Thái kiến nghị, việc bố trí phương tiện tỉnh có thể lo được nhưng Bắc Giang đề nghị các tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển nông sản của địa phương qua trạm nếu đáp ứng đủ các yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng vải thiều của Bắc Giang được thu hoạch đúng vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Bộ trưởng chia sẻ với những khó khăn tỉnh đang phải tháo gỡ, đồng thời đánh giá cao cách làm của Bắc Giang đã giúp cho vải thiều không chỉ đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn an toàn dịch bệnh. Đây là điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ vải thiều.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị các doanh nghiệp quan tâm, kết nối tiêu thụ vải thiều cho Bắc Giang. “Thị trường phần lớn do doanh nghiệp điều tiết, làm sao kết nối thông tin đến những doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho Bắc Giang, thúc đẩy tiêu thụ vải thiều, nhất là trong giai đoạn thu hoạch rộ sắp tới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh. Bộ NN&PTNT cũng sẽ tiếp tục làm việc với bưu điện, Grab để kết nối đưa vải thiều đến tận tay người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng kế hoạch phân bổ kinh phí hỗ trợ hợp tác xã, tập trung nơi có tiềm năng, thế mạnh; lấy Bắc Giang làm mô hình điểm. Qua đó giúp hợp tác xã nâng cao hạ tầng, kho bãi, công nghệ bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản… đảm bảo các hợp tác xã đi vào hoạt động hiệu quả, đủ mạnh ngay cả trong hoàn cảnh dịch bệnh, là cầu nối với doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng đề nghị trong những ngày tới khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, Bắc Giang cần có giải pháp cụ thể hơn về lưu thông vải thiều. Bộ sẽ kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản lớn uy tín; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho tỉnh để hàng hóa nông sản được tiêu thụ thuận lợi, an toàn.

PV

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024