ISSN-2815-5823
Ngọc Diệp
Thứ hai, 08h20 24/04/2023

Lý do vị thế của đồng USD đang bị đặt dấu hỏi?

Trong năm vừa qua, nhiều nước đã tính đến việc tìm kiếm lựa chọn thay thế, đặc biệt khi xét đến các giao dịch thương mại cũng như đa dạng hóa dự trữ quốc tế.
Vị thế của đồng USD đang bị đặt dấu hỏi?

Việc đồng USD giảm bớt sức mạnh trong vai trò đồng tiền dự trữ hiện đang thu hút sự quan tâm trở lại bất chấp việc các quỹ đầu tư trở nên lạc quan về triển vọng của đồng tiền này. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây đã cảnh báo về khả năng việc áp dụng quá lâu các biện pháp trừng phạt gây tổn hại đến vị thế của đồng USD, theo nội dung bài đăng mới đây trên Kitco News.

“Thực sự có tồn tại rủi ro khi mà chúng ta sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính có liên quan đến vai trò của đồng USD, qua thời gian nó sẽ gây ảnh hưởng đến vị thế đồng tiền. Đồng thời nó khiến cho Trung Quốc và Nga có thêm động lực để tìm kiếm đồng tiền thay thế”, bà Yellen nói.

Thực tế đã diễn ra đúng như bà Yellen nói khi mà trong năm vừa qua, nhiều nước đã tính đến việc tìm kiếm lựa chọn thay thế, đặc biệt khi xét đến các giao dịch thương mại cũng như đa dạng hóa dự trữ quốc tế.

Cũng theo bà Yellen, không dễ để tìm kiếm lựa chọn thay thế đối với đồng USD do mức độ phát triển của thị trường vốn tại Mỹ cũng như các quy định pháp luật chặt chẽ. “Có những yếu tố cần thiết trong một loại tiền tệ có thể được sử dụng cho giao dịch toàn cầu và cho đến nay chưa có quốc gia nào có đủ cá hạ tầng và thể chế cần thiết cho phép đồng tiền của nước đó phục vụ cho thế giới được như đồng USD”, bà Yellen nói.

Hiện tại, các quỹ đầu cơ toàn cầu vẫn lạc quan với triển vọng đồng USD, họ tin rằng đồng USD sẽ khôi phục đà tăng giá sau khoảng thời gian sụt giảm trong gần 3 năm. Theo số liệu của CFTC, lần đầu tiên tính từ đầu năm 2020, nhiều quỹ bán ròng các loại tiền tệ khác ngoại trừ đồng USD.

Điều này diễn ra cùng lúc với việc đồng USD mạnh lên do kỳ vọng lãi suất cơ bản đồng USD sẽ được điều chỉnh nâng 25 điểm cơ bản bởi Fed trong tháng 5/2023, một số quan chức thuộc Fed đã xác nhận về điều này trong tuần qua.

“Kỳ vọng thay đổi về định hướng chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến diễn biến đồng USD. Kỳ vọng lãi suất được điều chỉnh tăng 25 điểm cơ bản trong tháng 5/2023 hiện đã tăng lên 86%, tuy nhiên riêng trong tháng này, đồng USD đã suy yếu so với phần lớn các loại tiền tệ thuộc nhóm nước G10 do các bài phát biểu của Fed cũng như việc các số liệu kinh tế trong tuần này ảnh hưởng đến triển vọng ngắn và trung hạn của Fed”, chuyên gia phân tích tại FXTM – ông Lukman Otunuga nói.

Chủ tịch Fed tại Richmond, ông Thomas Barkin, vào ngày thứ Hai nói rằng sẽ cần thêm bằng chứng để xác nhận cho quan điểm rằng lạm phát đang hạ nhiệt về mức mục tiêu 2% của Fed.

“Các tuyên bố của những người đứng đầu Fed sẽ thu hút sự quan tâm của thị trường tài chính trong tuần này, dù vậy sẽ là khôn ngoan nếu theo dõi sát sao số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu cũng như chỉ số PMI của ngành sản xuất Mỹ tháng 4/2023”, ông Otunuga nói vào ngày thứ Ba.

Chỉ số đồng USD giao dịch gần nhất ở mốc 101,72 điểm, giảm 0,38% trong ngày giao dịch. “Việc chỉ số đồng USD suy yếu xuống dưới 102,00 điểm có thể tạo ra một đợt bán mạnh xuống 100,79 điểm và 100,00 điểm, ngưỡng cao chưa từng thấy tính từ tháng 4/2022”, ông Otunuga nói.

Gần đây, trong báo cáo nghiên cứu công bố, Fitch Solutions dự báo vai trò của đồng USD trong vị thế đồng tiền dự trữ sẽ suy giảm, quá trình này có thể sẽ diễn ra theo cách suy giảm dần dần chứ không có thay đổi đột biến.

Trưởng bộ phân chiến lược đánh giá tín nhiệm quốc gia tại Fitch Solutions, ông Cedric Chehab, nói: “Chúng ta sẽ chứng kiến sự suy giảm vị thế của đồng USD qua thời gian. Điều này diễn ra bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của phần lớn các nền kinh tế, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc sẽ tăng lên và tạo ra thêm ảnh hưởng trên toàn cầu”.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 15/01/2025