ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 02h23 06/08/2021

Mì, phở ăn liền khan hàng do đâu?

(KDPT) – Những ngày gần đây tại các siêu thị, các mặt hàng như mì, bún, phở ăn liền, các loại bột… đều trở nên khan hiếm. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất còn lo ngại tình trạng kéo dài do nguồn cung cấp nguyên liệu bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Do tình hình dịch bệnh kéo dài, các thành phố lớn hạn chế tối đa người ra ngoài nên việc tích trữ đồ ăn, đặc biệt là các thực phẩm ăn liền khiến cho nhiều siêu thị hết hàng nhanh là chuyện bình thường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng khan hàng đối với các sản phẩm mì, bún, phở ăn liền, các loại gia vị đã kéo dài nhiều ngày, ở nhiều siêu thị. Giải thích về hiện tượng này, các đơn vị sản xuất cho hay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đầu vào gặp khó, doanh nghiệp không đủ nguyên phụ liệu để sản xuất số lượng lớn.

Mì tôm là mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân, luôn được mua với số lượng lớn nên dễ xảy ra tình trạng khan hiếm (ảnh minh họa)

Khan hàng diện rộng vì thiếu nguyên liệu sản xuất

­Hình ảnh các giá kệ lèo tèo đồ ở các siêu thị không phải hình ảnh hiếm vì hầu hết mọi người đi một lần tích trữ cho cả tuần và nhân viên chưa kịp bổ sung thêm. Tuy nhiên, sáng ngày 4/8, tại một siêu thị Co.op Food ở Quận Bình Tân, chị Thu Phương tìm mua các loại bún, phở ăn liền, bột chiên giòn… nhưng đều không có.

Nhân viên ở đây cũng cho biết: “Hơn một tháng qua, chúng tôi đều liên hệ đặt hàng nhưng nhân viên cho biết nhà cung cấp không đưa hàng đến, chưa biết bao giờ có lại sản phẩm”.

Không chỉ riêng Co.op Food, tại siêu thị VinMart Phạm Huy Thông, quận Gò Vấp, các loại mì, phở ăn liền đóng hộp cũng đã hết hàng từ vài tuần trước nhưng đến nay vẫn chưa có hàng trở lại.

Thông tin thêm về vấn đề này, nhân viên tại một siêu thị ở quận 3 cũng xác nhận, đa số các sản phẩm ăn liền như mì, phở, bún của các hãng đều về số lượng rất ít, chỉ đủ bán lẻ cho số lượng khách mua ít và chưa biết khi nào hàng về thêm.

Một công ty chuyên sản xuất mì, phở gói tại TP Thủ Đức cho biết, hiện lượng nhân công đã giảm hơn 2/3. Việc thiếu nhân lực sản xuất, thiếu nguyên liệu do khâu vận chuyển gặp khó khăn và một số đối tác cung cấp nguyên phụ liệu ngưng hoạt động dẫn tới tổng sản lượng hàng giảm hơn 50%, không đủ cung ứng cho các nhà phân phối.

Theo bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA), hiện nhiều doanh nghiệp gặp khó về nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, nguyên phụ liệu để sản xuất mì, phở ăn liền như hành lá khô, tiêu, dầu, bột nêm… được lấy từ nhiều nhà cung cấp. Thế nhưng không ít doanh nghiệp hiện đã dừng hoạt động do xuất hiện ca mắc COVID-19 khiến nguồn cung đầu vào gián đoạn. Các doanh nghiệp sản xuất mì, phở ăn liền cũng bị “đứt gãy” chuỗi sản xuất, cung ứng.

“Chẳng hạn, hành lá tại Bà Rịa – Vũng Tàu rất nhiều và gần TP. Hồ Chí Minh nhưng khó đưa về. Bởi thương lái không thể thuê được xe, cộng thêm chi phí xét nghiệm. Chúng tôi “đứt” hàng hành, các gói nêm thiếu hành… Thiếu như vậy thì không sản xuất được, vì bao bì đã ghi đủ các thành phần. Nhà sản xuất phải đảm bảo theo đúng quy định” – bà Chi chia sẻ.

Muốn tháo gỡ nhưng… không dễ

Các sản phẩm mì, phở ăn liền chiếm thị phần tiêu thụ rất lớn, nên việc phải ngừng sản xuất do thiếu nguyên liệu đầu vào làm cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thị trường lương thực, thực phẩm bị ảnh hưởng.

Đại diện Công ty Acecook Việt Nam cho biết, đơn vị này đang tính trước nguy cơ đứt gãy nguồn nhập nguyên liệu và có thể doanh nghiệp sẽ phải ngừng sản xuất theo đúng quy định của luật. Cụ thể, doanh nghiệp đang thiếu các nguyên liệu phụ như: tỏi, ớt, hành khô, hành sấy… do không nhập được nguyên liệu. Vì vậy, Acecook Việt Nam đề nghị tiếp tục đuọc duy trì sản xuất và duy trì bao bì hiện tại, tức là vẫn ghi các thành phần phụ nhưng thực tế trong các gói gia vị có thể không có hành khô, tỏi…

Tuy nhiên, theo đúng quy định, nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục sản xuất khi thiếu nguyên liệu nào đó sẽ phải làm lại công bố sản phẩm và bao bì. Các công đoạn này tốn nhiều thời gian, đồng thời, toàn bộ lượng bao bì đã nhập về sẽ phải hủy bỏ, gây lãng phí cho doanh nghiệp.

Cùng chung nỗi lo tương tự, Chủ tịch HĐQT Công ty Vifon – bà Bùi Phương Mai cũng đề xuất: do ảnh hưởng của xuất khẩu, Vifon muốn tiêu thụ các sản phẩm xuất khẩu tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, trên bao bì lại chỉ có tiếng Anh mà sản phẩm muốn bán nội địa cần có tiếng Việt. Do vậy, công ty xin chủ trương làm nhãn phụ bằng tiếng Việt để dán lên thùng sản phẩm ăn liền

Phản hồi vấn đề trên, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh – bà Phạm Khánh Phong Lan – cho rằng, cần đề phòng trường hợp sau này những doanh nghiệp khác đi thưa kiện thương mại và Acecook, Vifon phải chuẩn bị cho việc đó.

Tinh thần của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh là muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng luật vẫn là luật. Việc cho phép điều chỉnh nguyên liệu mà giữ nguyên bao bì cần quy định rất rõ thời gian chứ không phải được chấp thuận rồi sau này doanh nghiệp làm không đúng.

“Nếu ban hành chính sách thì cũng không thể làm riêng cho Acecook hay Vifon mà phải là chính sách chung”, bà Lan nêu quan điểm.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, nếu đi giám định mà ruột trong gói mỳ tôm không đúng như thông tin trên bao bì sẽ đồng nghĩa với hành vi gian lận thương mại.

Ngoài ra, nhà sản xuất thì không phải ai cũng như ai, nếu có gian lận sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy, đối với việc ưu tiên cho hai doanh nghiệp cung cấp sản phẩm ăn liền lớn này, cần kiến nghị rất rõ và chi tiết.

Vấn đề thiếu nguyên liệu sản xuất không chỉ đặt ra khó khăn với các doanh nghiệp cung ứng số lượng lớn mà còn làm cho thị trường biến động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần xem xét kỹ lưỡng các phương án, không chỉ vì tháo gỡ khó khăn trước mắt mà ảnh hưởng đến luật kinh doanh và người tiêu dùng.

TÙNG DƯƠNG



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/09/2024