ISSN-2815-5823
Minh Thành
Thứ tư, 16h23 29/05/2024

Mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu, cần sửa ngay

(KDPT) - Mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu, cần sửa sớm, khi người dân khó khăn vẫn phải đóng thuế. Đó là ý kiến của Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy.
Mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu, cần sửa ngay - ảnh 1

Mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu

Sáng 29/5, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nhấn mạnh về sự cần thiết trong việc sớm thay đổi mức giảm trừ gia cảnh.

Đại biểu Thủy cho biết, theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, đối với mỗi một người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Theo bà Thuỷ, cử tri cho rằng mức giảm trừ gia cảnh, nhất là mức giảm trừ với người phụ thuộc (4,4 triệu đồng/tháng) là quá lạc hậu và cần được Quốc hội xem xét sửa đổi sớm, mà không nên chờ đến 2 năm (đến năm 2026) mới được thông qua như đề xuất.

Đại biểu đoàn Bắc Kạn nêu 4 lý do cho đề xuất này.

Thứ nhất, mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc (4,4 triệu đồng/tháng) thực sự không còn phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là ở những thành phố lớn đang gây thiệt thòi cho những người nộp thuế. Mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng đã được duy trì từ năm 2020, trong khi 5 năm vừa qua, giá rất nhiều mặt hàng hàng hóa dịch vụ thiết yếu đều tăng. Thậm chí có những hàng hóa dịch vụ thiết yếu có giá tăng nhanh hơn cả tăng thu nhập. Đại biểu Thủy dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, giá hàng hóa so với năm 2020, giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng hơn 100%…

"Nhiều cử tri chia sẻ nêu như, gia đình có con nhỏ phải thuê người trông, riêng tiền lương trả cho người trông trẻ cũng đã không dưới 5 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản chi phí cho trẻ. Nếu như gia đình có con cái đi học, chi phí học hành chiếm phần lớn cơ cấu chi tiêu của các gia đình. Nếu gia đình có cha mẹ già là người phụ thuộc, không chỉ là tiền ăn uống sinh hoạt, mà còn là các chi phí y tế, thuốc men", đại biểu Thủy cho biết.

Do vậy mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay chưa thực sự phản ánh đúng mức chi tiêu căn bản của gia đình, cá nhân cũng như phản ánh cuộc sống thực tế hiện nay. Vì vậy nếu phải chờ 2 năm nữa mới được thông qua (khi Luật Thuế thu nhập cá nhân được thông qua) sẽ có rất nhiều người dân phải thắt lưng buộc bụng song vẫn phải thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội, sáng 29/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội, sáng 29/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Lương tăng lại lo thuế thu nhập tăng

Thứ 2 là sự bất hợp lý trong việc tính theo giỏ hàng hóa CPI. Theo quy định Điều 19 của Luật Thuế thu nhập cá nhân, khi chỉ số CPI biến động trên 20% thì Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều trình mức giảm trừ gia cảnh. Tại buổi Họp báo thường kỳ tháng 3 vừa qua, đại diện Bộ Tài chính cho biết chưa đề xuất mức giảm trừ gia cảnh bởi biến động CPI chưa đến 20%.

Song nhiều chuyên gia và các cử tri cho rằng, Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành lấy tiêu chí biến động CPI trên 20%, tức là dự trên giỏ hàng hóa gồm 750 mặt hàng là bất hợp lý. Trong khi đó các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của người dân chỉ khoảng trên 20 mặt hàng. Nếu phải chờ tính mức trung bình mức giá của 750 mặt hàng sẽ phải rất lâu mới thay đổi mức giảm trừ gia cảnh, thậm chí 6-7 năm.

"Khoảng thời gian 6,7 năm là quá dài, không phản ánh đúng kịp thời những biến động trong chi tiêu của người dân và các hộ gia đình, do vậy sẽ gây thiệt thòi cho người dân", đại biểu đoàn Bắc Kạn cho biết.

Thứ 3, theo bà Thuỷ, quy định mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phù hợp điều kiện của một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp như ở nước ta. Bởi vì là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, nên phần lớn thu nhập của người dân sẽ dành cho hàng hóa dịch vụ thiết yếu. Ví dụ thu nhập 10 triệu đồng/tháng, chi cho hàng hóa dịch vụ thiết yếu phải mất đến 70%.

"Theo khảo sát các chuyên gia của Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, đối với những quốc gia có thu nhập cao, ví dụ khoảng 100 triệu đồng/tháng thì chi cho dịch vụ hàng hóa thiết yếu cũng chỉ chiếm 30-40%. Do đó mức giảm trừ gia cảnh hiện nay ảnh hưởng trực tiếp đến chi cho nhu cầu thiết yếu của người dân", bà Thủy nói.

Cuối cùng, nếu lương tăng song thuế thu nhập và mức giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh sẽ dẫn đến bất cập.

Theo kế hoạch từ ngày 1/7 tới đây sẽ thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến mức lương bình quân của cán bộ công chức, viên chức sẽ tăng khá nhiều. Tuy nhiên, khi lương tăng mà mức thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh chưa được điều chỉnh kịp thời sẽ gây âu lo cho người lao động, bởi lương tăng đồng nghĩa với việc thu nhập tính thuế sẽ tăng. Chính vì vậy nếu không điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến ý nghĩa của chính sách cải cách tiền lương.

"Từ những vấn đề nêu trên, chúng tôi kiến nghị Chính phủ sớm trình Luật Thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10 năm nay, và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025", bà Thủy đề xuất.

Cũng về nội dung này, đại biểu Trần Thị Quỳnh (đoàn Nam Định) cho rằng trong nhiều năm của đại dịch COVID-19 và bối cảnh lạm phát, thu nhập thực của doanh nghiệp và người dân bị sụt giảm. Trong thời gian qua, dù nền kinh tế gặp khó khăn nhưng những tháng đầu năm lại thặng dư ngân sách, đây là dấu hiệu không tốt của chính sách tài khóa, chính sách tài khóa chưa thực sự nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, Chính phủ nên nới lỏng chính sách tài khóa bằng biện pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Người dân cân nhắc khi mua sắm.
Người dân cân nhắc khi mua sắm.

Chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, người dân mòn mỏi đợi sửa luật

Theo khảo sát mức sống dân cư năm 2022 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021. Con số này cao gấp nhiều lần thu nhập bình quân đầu người công bố năm 2006 chỉ ở mức 636.000 đồng (tăng 31,3% so với năm 2004 - thời điểm soạn thảo luật Thuế thu nhập cá nhân). Như vậy, thu nhập của người dân tăng hơn 7 lần trong vòng 16 năm. Trong khi đó, luật Thuế thu nhập cá nhân được áp dụng từ năm 2007, sau 2 lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế (từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và 11 triệu đồng/tháng vào năm 2020) thì mức tăng chưa đến 3 lần.

Ngoài ra, bình quân mỗi người dân chi tiêu năm 2008 khoảng 792.000 đồng/tháng thì tới năm 2020 lên hơn 2,8 triệu đồng/tháng, tương ứng tăng gần 3,6 lần. Như vậy, để đảm bảo duy trì đời sống hiện nay như trước đây, người dân phải chi tiêu nhiều hơn, đồng nghĩa mức giảm trừ gia cảnh ít nhất phải được nâng lên tương ứng.

Do đó, việc chưa nâng mức giảm trừ gia cảnh có phần thiệt thòi cho người dân.

Bà Andrea Godfrey - Thành viên điều hành, Phụ trách bộ phận tư vấn và tuân thủ thuế thu nhập cá nhân KPMG Việt Nam, nhận định mức giảm trừ không phản ánh kịp thời những thay đổi của giá cả sinh hoạt của người dân.

"Thời gian giữa các lần điều chỉnh quá dài và không theo kịp mức tăng chi tiêu thực tế của người dân, làm tăng gánh nặng thuế và giảm thu nhập thực tế của họ trong bối cảnh giá cả biến động", bà Andrea đánh giá. Bà Andrea đề nghị lấy mốc biến động CPI 5-10% thay vì 20% như hiện nay để làm căn cứ điều chỉnh, giúp phản ánh sát sao và kịp thời mức chi tiêu của người dân.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh chỉ thực hiện khi lạm phát thay đổi 20% là quá cứng nhắc. Không nên điều hành thuế theo lạm phát vì theo mỗi năm, mức sống của người dân tăng lên. Người làm chính sách thuế cần phải thay đổi tư duy, xây dựng chính sách thuế hợp lý để khuyến khích người lao động sáng tạo.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là quá thấp và không phù hợp với thực tế. Hơn chục năm qua, giá cả sinh hoạt, đặc biệt tại các thành phố lớn, người dân có thể dễ dàng cảm nhận được giá cả phải tăng gấp đôi. Trong khi đó, mức thu nhập nộp thuế chỉ tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng, tương đương 20%. Mức tăng không tương xứng với CPI, dù CPI chưa phản ánh hết giá cả của nền kinh tế.

Chưa hết, ông Phạm Thế Anh còn phân tích thêm, nếu như một gia đình tại thành phố cho con học trường tư thì mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng này không thể đủ, trong khi hệ thống trường công không đủ. Những người phải nộp thuế TNCN mà con học trường tư rất thiệt thòi vì không được hưởng giáo dục miễn phí từ các cấp học phổ thông trong khi khoản chi phí cho con học trường công đó cũng không được giảm trừ khi tính thuế…

Nhiều bất cập đang đặt ra với sắc thuế thu nhập cá nhân nhưng với thông tin mà Bộ Tài chính đưa ra thì phải đến năm 2025 Luật Thuế thu nhập cá nhân mới được trình sửa đổi. Như vậy, khi những quy định sửa đổi có hiệu lực thực thi phải mất thêm ít nhất 1 năm nữa.

Trong bối cảnh sức mua của thị trường nội địa quá yếu, thì giải pháp trước hết là phải kích cầu tiêu dùng và nâng mức giảm trừ gia cảnh từ tiền lương, tiền công và doanh thu chịu thuế thu nhập cá nhân đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh là giải pháp dễ thực hiện nhất. Theo đó, chỉ cần sửa đổi điều khoản duy nhất (khoản b, Điều 19) trong Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành theo hướng, khi CPI tăng từ 15% trở lên, thì Chính phủ sẽ có cơ sở trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả. Riêng việc sửa đổi tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân có thể thực hiện theo đúng lộ trình.

Để vừa khoan sức dân, vừa góp phần phát triển thị trường nội địa và để mức giảm trừ gia cảnh không quá lạc hậu so với vật giá, thì Bộ Tài chính cần sớm nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền nâng mức giảm trừ gia cảnh.

Nếu các cơ quan chức năng không hành động kịp thời nhằm xử lý dứt điểm tình trạng trên, thì không ít người dân sẽ gặp khó khăn hơn do phải chịu thuế cao.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/10/2024