ISSN-2815-5823
Thứ ba, 05h00 31/08/2021

Năm 2020, Việt Nam có hơn 1,2 triệu lao động thất nghiệp

(KDPT) – Các lao động này từ 15 tuổi trở lên, thanh niên thất nghiệp (từ 15-24 tuổi) hiện vẫn chiếm tới hơn một phần ba tổng số lao động thất nghiệp cả nước (35,4%).

Lao động có trình độ đại học thất nghiệp nhiều nhất

Năm 2020 là năm đầu tiên Việt Nam đối diện với đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế gặp “cú sốc”, tạo ra sự biến động lớn về thị trường việc làm. Theo “Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020” của Tổng cục Thống kê công bố mới đây, thất nghiệp là những người không có việc làm, có các hoạt động tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc ngay khi có cơ hội việc làm trong giai đoạn tham chiếu.

Trong hơn 1,2 triệu lao động thất nghiệp thì có 652,8 nghìn người là lao động cư trú tại khu vực thành thị, chiếm 52,9%. Đặc biệt, so với các năm trước, lao động ở khu vực thành thị cũng như lao động nữ chịu nhiều sức ép về việc làm hơn ở khu vực nông thôn và lao động nam.

Cụ thể theo từng nhóm tuổi, tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị ở nhóm tuổi 15-19 nam cao hơn nữ (11,08% và 10,33%), từ nhóm tuổi 20-24 trở đi, nữ lại có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nam, các nhóm tuổi từ 55, tỷ lệ thất nghiệp của nam cao hơn nữ, một phần nguyên nhân là do độ tuổi này, phụ nữ ngoài độ tuổi lao động và sau khi về hưu họ thường có xu hướng không tiếp tục tham gia vào thị trường lao động.

Điều đáng lo ngại là tỷ trọng lao động thất nghiệp có trình độ “tốt nghiệp đại học trở lên” là cao nhất (20,7%). Nhóm có tỷ trọng số người thất nghiệp thấp nhất là “chưa đi học/qua đào tạo và sơ cấp” với tỷ lệ tương ứng là 1,6% và 4,6%. Nhóm có tỷ trọng số người thất nghiệp cao nhất là nhóm người có trình độ từ đại học trở lên có thể do họ cố gắng tìm một công việc phù hợp với trình độ đào tạo.

Ảnh minh họa.

Hơn 436,9 nghìn thanh niên thất nghiệp

Thanh niên (tuổi từ 15-24) được xem là một trong những nhóm lao động dễ bị ảnh hưởng nhất bởi các biến động trên thị trường lao động. Vì vậy, thất nghiệp thanh niên luôn được xem là vấn đề quan tâm của xã hội. Số liệu chỉ ra rằng năm 2020, dân số thanh niên chiếm khoảng 16,6% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên trong cả nước, và chiếm tới 35,4% tổng số lao động thất nghiệp (tương đương khoảng 436,9 nghìn người).

Thanh niên thất nghiệp tập trung đông nhất ở 2 vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long (tương ứng là 26,8% và 22,1%, hay 116,9 nghìn người và 96,6 nghìn người), trong khi Tây Nguyên là vùng có số thanh niên thất nghiệp ít nhất (chiếm khoảng 5,5% hay 23,8 nghìn người).

Có thể thấy, năm 2020 được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn đối với kinh tế thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam. Tác động của đại dịch Covid-19 tới thị trường lao động của Việt Nam rất mạnh mẽ. Tuy nhiên với Nghị quyết số 85/2019/QH-14 về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 do Quốc hội đề ra cùng với chỉ tiêu tăng trưởng GDP và các chỉ tiêu cân đối vĩ mô khác. Việt Nam đã cho thế giới thấy thành công trong nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội khi thuộc nhóm kinh tế cao nhất thế giới.

ĐÀI TRANG

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024