Doanh thu và lợi nhuận chỉ đạt hơn 30% kế hoạch đề ra

Mới đây, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã CK: KBC) đã công bố báo cáo Đại hội ĐCĐ về hoạt động kinh doanh năm 2022 và kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2023 của doanh nghiệp.

Theo đó, trong năm 2022, Kinh Bắc ghi nhận tổng doanh thu đạt 3.498,07 tỷ đồng, (bằng 72,39% so với năm 2021, bằng 35,69% so với kế hoạch đề ra). Trong đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là cho thuê đất, cho thuê nhà xưởng, bán BĐS và các dịch vụ liên quan đạt 957,27 tỷ đồng (bằng 22,38% so với năm 2021, chiếm 27,17% tổng doanh thu). Phần lãi trong công ty liên kết đạt 2.186,82 tỷ đồng, gấp 5,3 lần so với năm 2021, chiếm 62,52% tổng doanh thu.

Kết quả, kết thúc năm 2022, Kinh Bắc ghi nhận khoản lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 1.576,53 tỷ đồng (bằng 116,63% so với năm 2021, bằng 35,03% so với kế hoạch). Đồng thời, lợi nhận sau thuế của Công ty mẹ đạt 1.526,35 tỷ đồng (bằng 139,41% so với năm 2021).

Nguồn: Báo cáo ĐHĐCĐ của KBC.
Nguồn: Báo cáo ĐHĐCĐ của KBC.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến doanh thu của Tổng Công ty trong năm 2022 chỉ đạt 35,69% so với kế hoạch và lợi nhuận sau thuế của Tổng Công ty chỉ đạt 35,03% so với kế hoạch KBC cho biết là do phần lớn các thỏa thuận thuê đất đã ký trong năm 2022 chưa ghi nhận được doanh thu.

Cụ thể, KBC cho biết, tại KCN Quang Châu và KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, doanh nghiệp đã ký được các thỏa thuận nguyên tắc cho thuê đất lên tới 107 ha với tổng giá trị gần 3.540 tỷ đồng, tuy nhiên chưa bàn giao được đất cho khách hàng do các nhà đầu tư nước ngoài chưa hoàn thiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Về tình hình tài chính của riêng công ty mẹ, năm vừa qua, ghi nhận doanh thu đạt 1.618,69 tỷ đồng (bằng 134,18% so với năm 2021); lợi nhuận sau thuế đạt 610,75 tỷ đồng (cao gấp 10,52 lần so với năm 2021). Nguyên nhân của sự tăng trưởng lợi nhuận đột biến này chủ yếu do trong kỳ KBC ghi nhận thu nhập cổ tức được chia từ các công ty con.

Mỗi ngày phải trả 1,45 tỷ đồng tiền lãi

Theo Báo cáo của KBC, tại ngày 31/12/2022, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này là 17.060,99 tỷ đồng (tăng thuần 2.628,37 tỷ đồng so với năm 2021). Trong đó, khách hàng trả trước chiếm 47,7%; vay ngân hàng chiếm 22,2 %; phải trả nhà cung cấp chiếm 11,4%; chi phí phải trả chiếm 8,4% so với tổng số nợ phải trả tăng lên.

Kinh Bắc cũng cho biết, trong số 17.060,99 tỷ đồng nợ phải trả thì nợ vay và lãi vay thực của cả Tổng Công ty là 9.398,81 tỷ đồng (tăng 10,8% so với năm 2021). Trong đó, chủ yếu là dư nợ trái phiếu với 3.900 tỷ đồng; nợ Ngân hàng là 3.356,92 tỷ đồng; lãi phải trả cho PVcombank là 1.760,35 tỷ đồng.

Tổng nợ thực tế của KBC gồm cả gốc và lãi là 9.398,81 tỷ đồng, tỷ lệ nợ thực tế/tổng tài sản là 26,93%; tỷ lệ Nợ thực tế/vốn chủ sở hữu là 52,67%.

Trong năm, Kinh Bắc đã thực hiện trả nợ gốc và lãi lên đến 1.955,32 tỷ đồng; đồng thời, doanh nghiệp không phát hành trái phiếu và cổ phiếu để huy động vốn. Cho đến tận cuối năm 2022 Tổng Công ty mới phát sinh một vài khoản vay Ngân hàng với quy mô nhỏ.

Đáng chú ý, với các chi phí, trong năm vừa qua, KBC cho biết, tổng chi phí tài chính, bán hàng và chi phí quản lý của doanh nghiệp là 1.105,77 tỷ đồng (giảm 54,10 tỷ đồng và bằng 95,24% so với năm 2021). Trong đó chi phí lãi vay là 522,86 tỷ đồng tăng 8,79% so với năm 2021; chi phí bán hàng và các khoản chi phí khác liên quan là 57,10 tỷ đồng, bằng 17,74% so với năm 2021.

Có thể thấy với chi phí lãi vay trong năm 2022 là 522,86 tỷ đồng thì trung bình mỗi tháng KBC phải trả gần 43,8 tỷ đồng tiền lãi (tương đương khoảng hơn 1,45 tỷ đồng mỗi ngày).

Đồng thời, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 8,38% so với năm 2021.

Tính đến cuối năm 2022, KBC đang sở hữu và đồng quản lý các dự án có tổng quỹ đất là 6.386,54 ha đất KCN; 1.262,8 ha đất KĐT và 78,9 ha cho các dự án nhà máy, nhà xưởng và nhà ở xã hội tập trung ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Trong đó, trong năm 2022 quỹ đất KCN của Tổng Công ty tăng thêm 1.255,8 ha (tăng 23,37% so với năm 2021) tập trung chủ yếu ở Long An và Bắc Giang.

Năm vừa qua, tổng giá trị đầu tư trực tiếp vào các dự án của KBC là 1.768,89 tỷ đồng, tăng 23,17 % so với năm 2021.

Đặt kế hoạch lợi nhuận cao gấp 9,5 lần

Trong thời gian tới, KBC cho biết, doanh nghiệp sẽ tiếp tục triển khai thành lập các dự án mới trên địa bàn các tỉnh Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Tây Ninh, Vũng Tàu, Tiền Giang và liên tục khảo sát các địa bàn khác phù hợp với định hướng phát triển bền vững của KBC để gia tăng quỹ đất. Đồng thời, Phát triển các KCN, KĐT tại các khu vực miền Bắc (Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Dương, v.v); miền Trung (Huế, Đà Nẵng, v.v) và miền Nam (TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vũng Tàu, v.v).

Đồng thời, trong năm 2023, Kinh Bắc cũng đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu hợp nhất là 9.000 tỷ đồng (gấp 9,5 lần cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 4.000 tỷ đồng (gấp 2,5 lần thực hiện năm 2022).

Đây có thể coi là mốc doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Tính đến quý I/2023 KBC đã hoàn thành được 26.4% so với kế hoạch cả năm.

Ở diễn biến mới đây. KBC đã lên chào mua lại trước hạn theo mệnh giá là 7.5 triệu trái phiếu - tương đương một nửa lô trái phiếu, giá trị theo mệnh giá là 750 tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện mua lại 2:1 (sở hữu 2 trái phiếu được quyền bán lại 1 trái phiếu). Lãi suất mua lại 10.8%/năm. Giá mua lại đối với mỗi trái phiếu làm tròn là 104,468 đồng. Thời gian đăng ký bán lại trái phiếu cho tổ chức phát hành từ 11-15/05/2023.

Tuy nhiên, trong thời gian trên, tổng khối lượng trái phiếu do người sở hữu trái phiếu thực hiện quyền bán lại theo mệnh giá chỉ gần 3.43 triệu trái phiếu, tương ứng gần 46% tổng số trái phiếu KBC chào mua lại trước hạn.

Nguồn: KBC.
Nguồn: KBC.

Giá trị theo mệnh giá khoảng 343 tỷ đồng. KBC thực hiện mua lại vào ngày 24/05/2023. Khối lượng còn lại sau khi mua lại còn hơn 1.157 tỷ đồng theo mệnh giá.

Được biết, lô trái phiếu KBC121020 được phát hành ngày 24/06/2021, kỳ hạn 24 tháng, đáo hạn ngày 24/06/2023. Lô trái phiếu gồm 15 triệu trái phiếu mệnh giá 100,000 đồng/trái phiếu, không có tài sản đảm bảo.