ISSN-2815-5823
Thứ tư, 02h45 04/08/2021

Rau củ, hoa ở Đà Lạt và Sa Pa mất giá, phải cắt bỏ làm phân xanh

(KDPT) – Chật vật đầu ra mùa dịch cộng thêm giá vận chuyển tăng cao đang khiến cho các sản phẩm rau củ, hoa đang đến vụ thu hoạch ở cả Đà Lạt và Sa Pa xuống giá tận đáy, càng bán càng lỗ, nhiều nơi phải cắt bỏ để dọn vườn, tận dụng làm phân xanh.

Nếu như các loại rau, hoa Sa Pa nổi tiếng, cung cấp chủ yếu ở thị trường phía Bắc và thủ đô Hà Nội thì ở thị trường phía Nam, người dân quen thuộc và ưa chuộng các loại rau, hoa từ Đà Lạt. Rau, củ, quả, hoa ở Đà Lạt và Sa Pa từ lâu đã nổi tiếng với sự tươi ngon, sạch sẽ, tạo nên thương hiệu riêng, luôn đắt khách ở các thành phố lớn. Không chỉ có mặt trên các gian hàng ngoài chợ, siêu thị, trên các nhóm mua bán online, các sản phẩm rau củ từ Sa Pa, Đà Lạt cũng rất đắt khách, nhiều người còn chủ động đặt trước từ các mối quen vì sợ hết hàng. Đi kèm với đó là giá luôn nhỉnh hơn những sản phẩm cùng loại khác và luôn trong trạng thái “cháy” hàng rất nhanh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá rau, hoa ở cả 2 địa điểm này đều đang mất giá rất mạnh, xảy ra tình trạng càng bán càng lỗ do khâu tiêu thị tại các thành phố lớn đang gặp khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy, nhiều nơi đã phải cắt bỏ, dọn vườn để chuẩn bị vào vụ mới.

Tắc đầu ra, rau củ, hoa rớt giá thảm, càng bán càng lỗ

Sự phổ biến của các loại rau củ, hoa này cũng đang chứng minh một thực tế là thị trường ở các thành phố lớn rất lớn, nguồn cung dồi dào, nếu tắc đầu ra thì sẽ gây thiệt hại nặng nề.

Hàng loạt các loại rau, củ ở Sa Pa rớt giá mạnh trong đợt dịch này.

Không chỉ có rau, các loại hoa tại Sapa cũng đang rớt giá mạnh. Anh Trần Đức Hùng (Thị trấn Sapa) cho biết, hơn 1 mẫu hoa ly của gia đình đến thời điểm thu hoạch, nở đỏ cả một góc đồi, nhưng hiện trên thị trường gần như không có người mua. Các địa phương cấm đường, cấm chợ trong khi hoa không phải là mặt hàng thiết yếu nên tiêu thụ không được; gia đình phải cắt lỗ vừa bán, vừa cho.

Ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa (Lào Cai) cho biết, giá su su đang rớt từ 12-15 nghìn đồng/kg xuống chỉ còn 5-7 nghìn đồng/kg. Các loại nông sản như mận giá giảm từ 70 nghìn đồng/kg xuống còn 30 nghìn đồng/kg; cá nước lạnh sản lượng 560 nghìn tấn giá giảm từ 200 nghìn đồng/kg xuống còn 120 nghìn đồng/kg.

Trong thời gian các thành phố lớn giãn cách xã hội, vận chuyển khó khăn, không chỉ nông sản Sa Pa kẹt đầu ra mà tình hình ở Đà Lạt cũng không mấy khả quan.

Tại các vườn rau Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, các chủ vườn cho biết các loại nông sản này khó bảo quản khi vận chuyển, nhu cầu mua ở các khu vực đang có dịch giảm nên thương lái không thu mua, do đó nông dân chủ động cắt bỏ cho gia súc hoặc xử lý làm phân xanh.

“Các loại rau củ này giá tại cửa vườn giảm chỉ còn 5.000 – 7.000 đồng/kg, trong khi công thu hái và vận chuyển tăng gấp 3 lần so với cách nay một tháng, nên càng bán sẽ càng lỗ.

Giá vận tải, nhân công thu hái tăng cũng là nguyên nhân. Nhưng tôi nghĩ chắc do giãn cách nên người dân ưu tiên mua rau củ, là loại nông sản khó trồng tại nhà, còn rau lá thì có thể dễ dàng trồng trong chậu, thùng xốp, hệ thống thủy canh ăn dần”, nông dân Nguyễn Nam (P.5, TP Đà Lạt) cho biết.

Theo UBND TP Đà Lạt, vùng hoa Đà Lạt có khoảng 10.000 hecta, nông dân điều tiết diện tích xuống giống chỉ còn 40% so với vụ trước nhưng chỉ tiêu thụ rải rác tại địa phương và xuất khẩu được khoảng 20%, tương đương 800 hecta. Số còn lại người dân Đà Lạt đang cắt bỏ dần để dọn vườn.

Nhiều loại rau ở Đà Lạt phải phá bỏ vì “càng bán càng lỗ

Chỗ không có ăn, nơi phải phá bỏ

“Người ăn không hết kẻ lần không ra” đang là thực trạng chung ở các tỉnh thành khác nhau của nước ta. Tình hình dịch bệnh ở các thành phố lớn đang hết sức phức tạp nên phải hạn chế các phương tiện lưu thông, việc vận chuyển đường dài trở nên đắt đỏ và khó khăn hơn. Trong khi đó, sản lượng nông sản cung cấp vẫn giữ nguyên và đến độ thu hoạch. Không tiêu thụ, cũng không bảo quản được nên người nông dân đành phải phá bỏ để tránh thua lỗ kéo dài.

Trước thông tin này, nhiều người không khỏi tiếc nuối vì trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều người còn không có đồ ăn mà những loại đặc sản vốn đắt khách lại bị ùn ứ, phải phá bỏ phần lớn.

Chị An Thanh (sống tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ sự xót xa: “Gia đình mình rất thích ăn các loại rau củ từ Sa Pa vì nó tươi ngon, toàn phải đặt trước cả tuần mới được. Để mua được trong thời gian giãn cách xã hội này còn khó hơn nên khi thấy nhiều người nông dân phải phá bỏ mình thấy rất tiếc vì nhiều người đang còn không có để ăn”.

Việc ùn ứ, tắc đầu ra trong mùa dịch không chỉ xảy ra với các sản phẩm rau củ, hoa mà các loại mặt hàng khác cũng chung số phận trong mùa thu hoạch, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Vì vậy, cần có những biện pháp linh hoạt, kịp thời để vừa chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động kinh tế cho nhân dân.

VIỆT AN

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024