Sân chơi triệu đô trên thị trường proptech: Nhiều cơ hội nhưng cũng đầy chông gai
Trong bối cảnh chuyển đổi số không chỉ còn là lý thuyết xa vời mà đã trở thành “cuộc đua sống còn” của các doanh nghiệp Việt Nam, lĩnh vực bất động sản cũng không thể đứng ngoài cuộc mà đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Các doanh nghiệp môi giới và kinh doanh bất động sản đã có sự hiện diện trực tuyến khá nhanh. Không riêng ở hoạt động môi giới, mà các doanh nghiệp bất động sản cũng đang ứng dụng nhiều công nghệ mới trong các hoạt động quá, từ đó mang đến cho khách hàng nhiều dịch vụ mới.
Cùng với hoạt động số hóa của các doanh nghiệp bất động sản, trên thị trường đã xuất hiện các công ty công nghệ bất động sản (proptech). Đây chính là những đại diện về chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam với các mảng hoạt động đa dạng như đăng tin/tìm kiếm mua bán nhà, cho thuê nhà ngắn - dài hạn, hỗ trợ môi giới bất động sản....
Làn sóng khởi nghiệp này cũng thúc đẩy các “ông lớn” bất động sản truyền thống đầu tư mạnh vào proptech, thậm chí tiến hành mua bán - sáp nhập, khiến lĩnh vực này càng trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Theo JLL và Tech in Asia đánh giá, proptech Việt Nam là một thị trường giàu triển vọng trong làn sóng đầu tư vào startup công nghệ tại khu vực Đông Nam Á và cả toàn Châu Á. Các proptech tại Đông Nam Á đã huy động được tổng cộng 72,9 triệu USD vốn đầu tư và dẫn đầu về số lượng với 11 trên tổng 38 thương vụ trong năm 2019 tại Châu Á.
Việc thu hút vốn đầu tư lên đến hàng chục triệu USD đã phần nào minh chứng cho tính khả thi của mô hình proptech tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, thách thức mà proptech phải đối mặt là việc bất động sản được coi là tài sản quan trọng của đời người, “trăm nghe không bằng một thấy”. Quá trình giao dịch không thể diễn ra hoàn toàn trên môi trường số. Người ta có thể dễ dàng thực hiện một giao dịch mua đồ ăn, hay trong một số mảng của proptech như thuê phòng. Thế nhưng, với bất động sản nhà ở, hay bất động sản công nghiệp vẫn đòi hỏi các điểm chạm truyền thống. Mặc dù công nghệ không thể thay thế, nhưng có thể nâng cấp các điểm chạm truyền thống này.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc sử dụng công nghệ số trong lĩnh vực bất động sản thông qua phân tích dữ liệu lớn (Big Data), giúp xác định được nhu cầu của khách hàng ở từng phân khúc, xác định yêu cầu khách hàng về sản phẩm bất động sản, cá nhân hóa sản phẩm cho từng khách hàng.
Theo vị chuyên gia, số hóa dữ liệu khiến các thông tin trở nên minh bạch, bình đẳng, ai cũng có thể tiếp cận. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tích cực cải tiến sản phẩm để có thể cạnh tranh cũng như chiếm lĩnh thị phần cho doanh nghiệp của mình.
“Trong xã hội chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng như hiện nay, doanh nghiệp nào chuyển đổi chậm thì sẽ sớm bị tụt lại phía sau, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ ngày càng rõ nét và thúc đẩy thị trường bất động sản ngày một phát triển hơn”, vị chuyên gia cho hay.
Nhiều cơ hội nhưng cũng không ít chông gai
Thị trường proptech tại Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít chông gai. Một vị lãnh đạo của doanh nghiệp tham gia vào thị trường proptech cho rằng, thử thách lớn nhất cho các công ty proptech tại Việt Nam là công nghệ không có biên giới - nó sinh ra để phá bỏ các đường biên. Doanh nghiệp Việt cần làm gì để có thể cạnh tranh với các tập đoàn quốc tế, những tổ chức có thể đề xuất giải pháp cho khách hàng Việt từ bên kia bờ đại dương?
Bên cạnh đó, một thách thức lớn khác của các doanh nghiệp proptech chính là quy chuẩn thông tin trên mạng xã hội. Những thông tin chất lượng có được từ quá trình thu thập và phân tích dữ liệu phải cạnh tranh ngang hàng với hàng loạt tin giả, tin nhái hoặc những chỉ dẫn sai lạc về bất động sản đầy rẫy trên mạng xã hội đang tạo ra một cuộc cạnh tranh không cân sức. Theo đó, cần nhiều hơn sự nỗ lực của các doanh nghiệp proptech để sự phát triển của ngành bất động sản bền vững và lành mạnh hơn.
Theo TS. Cấn Văn Lực, hành lang pháp lý của Việt Nam dành cho các mô hình mới như proptech, Fintech... còn chưa thực sự hoàn thiện. Chẳng hạn như vẫn chưa có các quy định về chia sẻ thông tin, dữ liệu (giữa các công ty công nghệ với các định chế tài chính và với cơ sở dữ liệu quốc gia...). Trong khi đó, các startup trên nền tảng công nghệ dựa nhiều vào dữ liệu để có thể phát triển, đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới.
Đưa ra một số giải pháp, chuyên gia lưu ý các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là các doanh nghiệp proptech cần nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, xây dựng các kế hoạch kinh doanh, thiết kế sản phẩm... để có thể hoạt động hiệu quả hơn.
Các proptech tại Việt Nam đang có tiềm năng phát triển rất tốt, thể hiện qua việc nhiều công ty đã nhận được nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để phát triển, các doanh nghiệp này cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho việc xây dựng các phương án kinh doanh, quản lý dòng tiền để đảm bảo khả năng hoạt động trong dài hạn.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng cần tăng cường hợp tác với các proptech trên thị trường thông qua hoạt động đầu tư hoặc M&A. Các proptech thường sở hữu ưu thế về lĩnh vực công nghệ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp địa ốc rất tốt trong quá trình chuyển đổi số. Ngược lại, việc hợp tác này cũng có thể mang lại nhiều lợi ích cho các proptech, bởi các công ty này thường thiếu kinh nghiệm trên thị trường bất động sản, hạn chế về nền tảng khách hàng, chưa tạo nhiều uy tín trên thị trường,... trong khi đây là những điểm mạnh của doanh nghiệp bất động sản truyền thống. Vì thế, mối quan hệ hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên./.
- Proptech đang làm xoay chuyển thị trường bất động sản
- Proptech có thể sẽ dần thay thế phương thức giao dịch truyền thống
- Thị trường bất động sản ấm dần, nghề môi giới “nóng” trở lại