Báo cáo của Bain&Company, công ty tư vấn quản lý cung cấp lời khuyên cho các tổ chức công, tư và phi lợi nhuận chỉ ra rằng, thị trường châu Á Thái Bình Dương đã tạo ra khoảng 3/4 tăng trưởng cho ngành bán lẻ toàn cầu và 2/3 tăng trưởng trực tuyến.

Sự tăng trưởng đó được tạo ra từ bốn nhà bán lẻ là: Alibaba, JD.com, Pinduoduo của Trung Quốc và Seven&I của Nhật Bản, trong đó, JD.com có tên trong danh sách 10 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới năm 2019.

Kanaiya Parekh, một chuyên gia trong hoạt động bán lẻ của Bain&Company tại Hồng Kông, cho biết: “Mọi người cần phải nhìn vào Trung Quốc, đặc biệt là liên quan đến tương lai của ngành bán lẻ. Những gì đang xảy ra ở Trung Quốc hôm nay sẽ xảy ra ở các thị trường khác ở mức độ thấp hơn hoặc nhiều hơn tùy thuộc vào thị trường”.

Covid-19 xuất hiện vào cuối năm 2019 ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, đã lây nhiễm cho hơn 22 triệu người trên toàn thế giới và giết chết hơn 797.000 người. Trong nỗ lực hạn chế sự lây lan của vi-rút, chính quyền địa phương đã công bố các lệnh cấm yêu cầu người dân ở nhà và giới hạn tụ tập xã hội, điều này đã làm tăng áp lực lên các trung tâm mua sắm và cửa hàng truyền thống vốn đang gặp khó khăn.

Sàn thương mại điện tử Taobao của Tập đoàn Alibaba.

Ở Trung Quốc, nơi dịch bệnh khiến kinh tế đình trệ, doanh số bán lẻ giảm 1,1% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, theo dữ liệu chính thức từ cơ sở dữ liệu Wind Information, thị phần hàng tiêu dùng thực tế được bán trực tuyến đã tăng từ khoảng 19% năm ngoái lên 25%.

Một trong những xu hướng nổi bật ở Trung Quốc trong năm nay là mua sắm trực tuyến theo hướng phát trực tiếp. Tất cả mọi người, từ nông dân đến những nhân vật có ảnh hưởng trên internet, đều có thể bán hàng hóa trị giá hàng nghìn nhân dân tệ chỉ trong vài phút thông qua các buổi phát trực tiếp trên các nền tảng như Alibaba’s Taobao Live, Kuaishou và ByteDance’s Douyin.

Kanaiya Parekh ước tính, phát trực tiếp chiếm khoảng 7% doanh số bán hàng trực tuyến của Trung Quốc trước đại dịch và có thể tăng hơn gấp đôi trong năm nay. Báo cáo trích dẫn một cuộc khảo sát của Bain&Company đối với 4.700 người tiêu dùng ở Trung Quốc vào mùa xuân, cho thấy rằng, những người được hỏi giờ đây có xu hướng sử dụng các buổi phát trực tiếp và video ngắn để mua hàng trực tuyến hơn so với trước khi dịch bùng phát.

Phát trực tiếp chỉ là một ví dụ về hệ sinh thái mua sắm kỹ thuật số đã phát triển ở Trung Quốc, một phần do sự phổ biến cao của điện thoại thông minh và hệ thống truy cập internet băng thông rộng. Mạng lưới hậu cần rộng khắp giúp cắt giảm thời gian và chi phí giao hàng, khiến việc giao hàng trong một giờ như hàng hóa tươi sống trở thành điều mà người tiêu dùng ở Trung Quốc hiện nay mong đợi.

Khi tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng tương tự ở các quốc gia khác, các nhà bán lẻ sẽ cần xem xét các khía cạnh về cơ sở hạ tầng địa phương và hành vi của người tiêu dùng. Báo cáo của Bain&Company chỉ ra rằng ngay tại châu Á Thái Bình Dương, có 48 quốc gia bao gồm các thị trường phát triển như Nhật Bản và các thị trường đang phát triển nhanh như Ấn Độ và Indonesia, có thể theo sát tốc độ phát triển bán lẻ của Trung Quốc.

Bất chấp điều đó, đại dịch Covid-19 đã cho tất cả các nhà bán lẻ thấy rằng, họ cần thông tin tốt hơn về chuỗi cung ứng của mình và những thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng. Kanaiya Parekh nói: “Trong tương lai, chúng ta có thể thấy rằng một tổ chức bán lẻ có thể có nhiều kỹ sư và nhà khoa học về dữ liệu hơn người mua”.

BÍCH NGA