ISSN-2815-5823

Thị trường văn phòng tại châu Á – Thái Bình Dương ít chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19

(KDPT) – Tình trạng suy thoái do dịch bệnh gây ra có tác động nhẹ và ngắn hạn hơn đối với thị trường văn phòng cho thuê ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) so với các nơi khác trên thế giới, do ít chịu ảnh hưởng từ xu hướng làm việc tại nhà.

Thị trường văn phòng châu Á – Thái Bình Dương duy trì được đà tăng trưởng về dài hạn

Nhận định trên được đưa ra bởi công ty Cushman & Wakefield trong báo cáo công bố vào ngày 24/09, với kịch bản cơ sở là tổng sản phẩm quốc nội của khu vực này sẽ trở lại mức trước thời kỳ dịch bệnh vào quý 03/2021.

Số lượng việc làm mới tăng chậm trong khi các việc làm cũ mất đi hoàn toàn sẽ là những thách thức đối với hoạt động cho thuê văn phòng tại khu vực trong vòng 6-18 tháng tới.

Theo kịch bản cơ sở, tỷ lệ hấp thụ ròng trong năm 2020 sẽ giảm 70% so với năm ngoái xuống còn 21 triệu feet vuông (tương đương 6.400.800 m2), đây là tỷ lệ hấp thụ thấp nhất kể từ năm 2007. Trong năm 2021, diện tích văn phòng được hấp thụ dự kiến sẽ cải thiện vừa phải lên mức hơn 8 triệu m2. Trong giai đoạn 2022 – 2030, nhu cầu thuê văn phòng có thể tăng thêm hơn 200 triệu m2. Các dự báo nói trên được đưa ra bất chấp tình trạng nhiều nhân viên văn phòng phải làm việc tại nhà.

“Các phương thức làm việc linh hoạt và làm việc tại nhà ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương không mạnh mẽ như tại các khu vực khác, do đó không làm thay đổi triển vọng của thị trường văn phòng này”, Tiến sĩ Dominic Brown, Trưởng bộ phận nghiên cứu và phân tích khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Cushman & Wakefield cho biết.

Đã có bằng chứng ban đầu cho thấy, châu Á – Thái Bình Dương sẽ có khả năng phục hồi nhanh hơn so với các khu vực khác trên toàn cầu, dù vẫn chưa miễn nhiễm với tác động của đại dịch. Ví dụ, tỷ lệ hấp thụ ròng ở Mỹ trong quý 2 năm nay là âm 7 triệu m2, so với 800.000 m2 ở châu Á – Thái Bình Dương.

Không chỉ vậy, sự tăng trưởng nhân khẩu học ở các thị trường mới nổi tại đây còn giúp giảm thiểu thiệt hại tổng thể về số lượng công việc tại văn phòng. Các thị trường mới nổi như: Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Philippines có khả năng chứng kiến ​​nhiều công việc cần sử dụng văn phòng hơn khi họ đang phát triển nhanh chóng trong chuỗi giá trị.

Do đó, giá thuê văn phòng tại các thị trường mới nổi sẽ chỉ giảm nhẹ và ngắn ở mức 2,6% trong vòng 18 tháng tới, trước khi quay trở lại mức trước dịch bệnh vào quý 04/2022 và tiếp tục tăng trưởng sau đó.

Ngược lại, các thị trường cao cấp hơn trong khu vực bao gồm: Singapore, Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc sẽ có nhu cầu văn phòng thấp hơn, dẫn đến giá thuê tăng trưởng yếu hơn với mức giảm thấp nhất là 21,3% trong vòng 21 tháng tới. Mức giá này sẽ chỉ trở lại bằng thời điểm trước dịch vào năm 2026.

Tiến sĩ Brown lưu ý rằng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã bước vào cuộc khủng hoảng Covid-19 với một “nguồn cung văn phòng đáng kể, khối lượng lớn văn phòng đang phát triển dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn 2020 – 2022”. Đến cuối năm 2022, nguồn cung mới dự kiến ​​sẽ đạt hơn 64 triệu m2. Do đó, ngay cả trước khi bùng phát dịch, thị trường này đã bớt khắc nghiệt hơn nhờ tỷ lệ văn phòng trống tăng và giá thuê giảm.

Các tỷ lệ văn phòng trống có thể sẽ đạt đỉnh 16,7% vào cuối năm 2021 và duy trì trong năm 2022, trước khi đảo chiều và giảm xuống mạnh mẽ sau đó. Con số 16,7% này cao hơn 500 điểm cơ bản so với mức trước dịch vào quý 04/2019 và sẽ là mức cao nhất trong lịch sử.

Riêng đối với Trung Quốc, xu hướng tăng tỷ lệ trống, ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, dự kiến ​​sẽ còn mạnh hơn trong bối cảnh nhu cầu thuê văn phòng yếu hơn. Cushmand & Wakefield dự đoán, giá thuê văn phòng hạng A ở Trung Quốc sẽ giảm vào năm 2020 và 2021, sau đó duy trì trong năm 2022, trước khi tăng trưởng trở lại kể từ năm 2023.

RUBIX INTERNATIONAL



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/10/2024