Các trung tâm đăng kiểm còn hoạt động luôn trong tình trạng quá tải.

Trong bối cảnh cơ quan Công an các tỉnh thành trên cả nước liên tục bắt giữ nhân viên đăng kiểm sai phạm trong quá trình công tác, hoạt động kiểm định xe cơ giới tại các địa phương sẽ tiếp tục quá tải và có nguy cơ đối mặt với nguy cơ đứt gãy, sụp đổ hệ thống đăng kiểm.

Theo ông Nguyễn Tô An, Cục Phó Cục Đăng kiểm Việt Nam, hệ thống đăng kiểm định xe cơ giới đang bị thiếu hụt trầm trọng cả về số lượng trung tâm lẫn nhân sự làm việc. Ngoài số lượng cán bộ, đăng kiểm viên bị khởi tố bắt tạm giam thì những cán bộ đã và đang làm việc cũng trong tình trạng tâm lý bất ổn.

Tính đến ngày 27/2/2023, số đăng kiểm viên hiện còn đang làm việc trên toàn hệ thống khoảng 1.500 người, trên tổng số 2014 đăng kiểm viên, trong đó có 1.061 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.

Trong khi đó, để duy trì hoạt động cho toàn bộ hệ thống kiểm định xe cơ giới, cần ít nhất 1.986 đăng kiểm viên. Như vậy, toàn hệ thống hiện nay đang thiếu khoảng 486 đăng kiểm viên.

Riêng các đơn vị đăng kiểm và phòng tham mưu thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, để đáp ứng nhiệm vụ sẽ cần khoảng 250 đăng kiểm viên, trong đó cần tối thiểu 90 đăng kiểm viên bậc cao, nhưng hiệntại thiếu khoảng 120 đăng kiểm viên (tương đương khoảng 50% số người cần có).

Số liệu báo cáo của Phòng Kiểm định xe cơ giới - VAR (Cục Đăng kiểm Việt Nam), hiện cả nước có 121/489 dây chuyền kiểm định phải tạm dừng hoạt động do đang bị cơ quan công an điều tra, hoặc không đủ điều kiện hoạt động theo Nghị định 139/2028/NĐ-CP, hoặc tự đóng cửa.

Tại Hà Nội, chỉ còn 16/31 trung tâm đăng kiểm, tương đương 31 dây chuyền kiểm định còn hoạt động, chỉ chiếm 53% so với trước dây. Tại Tp.HCM, số lượng trung tâm đăng kiểm còn hoạt động là 11/19 trung tâm, với 26 dây chuyền kiểm tra, chiếm 54%. Nhiều tình thành khác trên cả nước cũng đối mặt với tình trạng tương tự, thậm chí Hoà Bình còn không có trung tâm đăng kiểm nào hoạt động.

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam dự báo số lượng trung tâm đăng kiểm dừng hoạt động sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới do thiếu nhân sự để vận hành các dây chuyền kiểm định.

Theo quy định nêu trong Nghị định 139/2028/NĐ-CP, mỗi dây chuyền kiểm định xe cơ giới phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất 1 đăng kiểm viên bậc cao. Tuy nhiên, để đào tạo và cấp giấy chứng nhận hành nghề cho một đăng kiểm viên cần tối thiểu 1 năm và ít nhất 4 năm đối với một đăng kiểm viên bậc cao.

Với số lượng đăng kiểm viên không thể làm việc hàng loạt như hiện tại, việc tuyển dụng mới và đào tạo nhân sự đủ điều kiện đáp ứng khả năng vận hành các dây chuyền kiểm định phục vụ nhu cầu người dân, bù đắp cho số lượng thiếu hụt, hiện là bài toán rất khó giải trong một khoảng thời gian ngắn, Cục Phó Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Tô An phân tích.

Báo cáo của phòng VAR cũng cho thấy hiện trạng, hiện tại mỗi dây chuyền kiểm định trung bình chỉ có thể kiểm tra cho 40 xe/ngày (đạt 66% công suất so với trước đây), do tâm lý và điều kiện làm việc của đăng kiểm viên bị áp lực dẫn đến giảm hiệu suất lao động, trong khi tỷ lệ phương tiện kiểm định không đạt cao từ 20-30% nên một xe cần phải kiểm định nhiều lần,… dẫn đến tình trạng kiệt sức lao động, gia tăng quá tải, khiến hệ thống kiểm định xe cơ giới đối mặt với nguy cơ đứt gãy.

Thống kê cho thấy, số lượng phương tiện không được kiểm định qua từng tháng sẽ ngày càng gia tăng và không có phương án giải quyết số lượng ô tô quá hạn đăng kiểm vì các tháng sau đó năng suất kiểm định vẫn nhỏ hơn nhu cầu của người dân. Do vậy, nguy cơ đứt gãy dẫn tới đổ vỡ hệ thống đăng kiểm xe cơ giới đang trở thành hiện hữu.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, nếu không có sự thay đổi và giải pháp tháo gỡ đồng bộ từ Bộ Công an, thì với số lượng trung tâm đăng kiểm trên cả nước trong các tháng tiếp theo của năm 2023 sẽ không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân, đặc biệt có những tháng sẽ xuất hiện ùn tắc nghiêm trọng do năng lực kiểm tra chỉ đáp ứng 31% nhu cầu của người dân.