ISSN-2815-5823
THÙY CHI
Thứ tư, 16h49 14/06/2023

Thương mại điện tử góp phần phát triển kinh tế số quốc gia

(KDPT) - Amazon Global Selling Việt Nam đã chia sẻ về xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung cũng như các hoạt động của Amazon trong sự kiện diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM.

Hội nghị Thương mại Điện tử xuyên biên giới với chủ đề “Tinh hoa châu Á - Bứt phá toàn cầu” do Amazon Global Selling và Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số Việt Nam đồng tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM.

Tiềm năng của thương mại điện tử

Theo Báo cáo "Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu năm 2022: Nắm bắt cơ hội xuất khẩu qua TMĐT tại Việt Nam", do công ty tư vấn Access Partnership thực hiện, ước tính trong năm 2022, giá trị xuất khẩu qua thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam đạt khoảng 80 ngàn tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu thông qua TMĐT của Việt Nam có thể đạt đến gần 300 ngàn tỷ đồng vào năm 2027 nếu doanh nghiệp (DN) trong nước được hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua TMĐT.

Điều này cho thấy tiềm năng và dư địa của xuất khẩu qua TMĐT cho doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn. Vấn đề là cần một tạo ra một sự hỗ trợ toàn diện, kịp thời và hiệu quả từ nhiều bên liên quan như các cơ quan chính phủ, nhà hoạch định chính sách, các đơn vị cung cấp dịch vụ trong ngành và cả Amazon Global Selling, để thúc đẩy và trang bị kiến thức, thông tin, kỹ năng, công cụ hỗ trợ cho các DN. Từ đó cùng nền kinh tế trong nước, xuất khẩu bán lẻ qua TMĐT có thể đạt được giá trị tiềm năng gần 296.3 nghìn tỷ đồng như nghiên cứu đã công bố.

Một báo cáo khác do Amazon thực hiện, 2022 là năm nhiều thách thức với những biến động trên toàn cầu, số lượng DN Việt Nam tham gia Amazon vẫn tăng trưởng lên đến 80% và tổng kim ngạch xuất khẩu của các DN Việt Nam thông qua Amazon cũng tăng 45%.

Số lượng doanh nghiệp tham gia lẫn giá trị xuất khẩu từ Việt Nam trên Amazon đều tăng đáng kể, cho thấy sự phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới (TMĐT XBG) của Việt Nam trong những năm vừa qua và tiềm năng vẫn còn phía trước.

Giá trị xuất khẩu qua thương mại điện tử của Việt Nam đạt khoảng 80 ngàn tỷ đồng trong năm 2022.

Đại diện Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, Top 5 ngành hàng bán chạy nhất của các doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon trong liên tiếp 2 năm vừa qua bao gồm: Nhà bếp; Nhà cửa; May mặc; Sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và cá nhân; Tiện ích gia đình.

Trong đó, nhóm Nhà cửa - Nội thất và nhóm Nhà bếp liên tiếp dẫn đầu trong 2 năm. Năm 2022 chứng kiến sự đa dạng hơn của các sản phẩm trong 2 nhóm ngành hàng này và sản phẩm không chỉ đơn thuần là trang trí nhà cửa mà còn là những sản phẩm tiện ích và nâng cấp không gian sống - với hai xu hướng chính: sản phẩm làm từ gỗ và sản phẩm từ mây tre cói đan.

Điều này cũng phản ánh thực tế Việt Nam hiện đang là nhà xuất khẩu về Nội thất gỗ hàng đầu thế giới vào thị trường Mỹ. Các sản phẩm dụng cụ, tiện ích, trang trí nhà cửa làm từ gỗ nổi bật trên Amazon có thể kể đến như bàn ghế ngoài trời, các sản phẩm treo tường để trang trí nhà cửa hoặc không gian làm việc.

Amazon Global Selling Việt Nam hiện nay tập trung vào 5 mục tiêu chính để hỗ trợ DN. Thứ nhất, nâng cao nhận thức và mức độ sẵn sàng của các DN đối với TMĐT XBG. Thứ hai, khuyến khích doanh nghiệp Việt xây dựng thương hiệu toàn cầu cho hàng hóa Made-in-Việt Nam.

Thứ ba, hỗ trợ các DN vượt qua những khó khăn về vận chuyển, hậu cần, đặc biệt là chi phí để phát triển quy mô toàn cầu. Thứ tư, nâng cao trải nghiệm của Nhà bán hàng trong suốt quy trình hoạt động của đối tác. Thứ năm, kết nối và góp phần xây dựng những cộng đồng nhà bán hàng xuyên biên giới.

Để tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam

Có 3 khía cạnh để DN gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Đầu tiên là hiểu khách hàng quốc tế, từ đó cung cấp những sản phẩm với tính năng, thiết kế mà họ cần, các dịch vụ mà khách hàng mong muốn? Một yếu tố đặc trưng, cũng là lợi thế của TMĐT XBG là khả năng đọc vị được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng quốc tế, thông qua tận dụng công nghệ số.

Các công cụ số hóa từ TMĐT XBG cho phép DN hiểu được nhu cầu, hành vi, hoặc ngay lập tức đọc được đánh giá, phản hồi, góp ý của khách hàng trên gian hàng của mình, từ đó có cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và cách thức tiếp thị cho thương hiệu của mình.

Thứ hai là yếu tố đổi mới, đột phá sản phẩm. Thông thường, các nhà sản xuất chỉ có thể lắng nghe phản hồi từ thị trường thông qua các kênh trung gian (các nhà xuất khẩu hoặc các nhà bán sỉ). Quy trình thay đổi sản phẩm và đáp ứng số lượng hàng mới ra thị trường quốc tế có thể mất từ 6 tháng đến 1 năm.

Nhưng với TMĐT XBG, quá trình này có thể rút ngắn lại chỉ còn một vài tháng, mà không cần chờ báo cáo tổng kết lượt bán hàng trong 6 tháng đến 1 năm mới có thể thay đổi. Thông qua TMĐT XBG, thông qua công nghệ, DN có thể nắm bắt nhu cầu KH nhanh hơn, từ đó đổi mới sản phẩm nhanh hơn.

Thứ ba là xây dựng thương hiệu. Ở sân chơi toàn cầu, chất lượng sản phẩm là một khía cạnh bắt buộc, nhưng làm sao để nâng cao giá trị sản phẩm bằng giá trị thương hiệu? Khi hiểu được khách hàng, khi đổi mới sản phẩm, và biết cách kể câu chuyện sản phẩm bằng câu chuyện thương hiệu, DN sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Gặp gỡ, giao lưu cùng các nhà bán hàng thành công đến từ châu Á.

Đại diện Amazon Global Selling Việt Nam khẳng định, áp dụng TMĐT vào kinh doanh và hoạt động xuất khẩu sẽ góp phần quan trọng cho việc phát triển nền kinh tế số quốc gia. Bởi, thông qua TMĐT nói chung và TMĐT XBG nói riêng, doanh nghiệp tận dụng được 2 lợi thế quan trọng.

Thứ nhất là Digitalization - số hoá. Với TMĐT & TMĐT XBG, DN có thể sử dụng dữ liệu số để nắm bắt nhanh chóng và kịp thời những xu hướng tiêu dùng hay thị hiếu của khách hàng quốc tế. Khác với nhu cầu và thị trường của người bản địa, khi mở rộng ra những thị trường như Mỹ, châu Âu, rất khó để các DN hiểu được nhu cầu hay tập tính của khách hàng.

Các công cụ của Amazon giúp nhà bán hàng có thể tìm hiểu, phân tích và thống kê thông tin về nhu cầu sản phẩm, tính năng, phản hồi của khách hàng để cải tiến sản phẩm, dịch vụ, cách tiếp thị, từ đó tăng tính cạnh tranh trên môi trường kinh doanh số.

Thứ hai là Globalization - sự toàn cầu hóa. Thông qua TMĐT XBG qua những kênh như Amazon, DN Việt có thể tiếp cận và phát triển các thị trường mới, thúc đẩy toàn cầu hóa nhanh hơn. Không chỉ là đưa sản phẩm “toàn cầu hoá” và DN còn có cơ hội “toàn cầu hóa” thương hiệu của mình đến với khách hàng mọi nơi trên thế giới.

Chính vì vậy, Amazon Global Selling luôn khuyến khích các DN Việt Nam chuyển đổi mô hình kinh doanh, có tầm nhìn dài hạn, không chỉ tận dụng thế mạnh về sản xuất gia công, mà cần xây dựng thương hiệu để nâng giá trị sản phẩm Made-in-Vietnam trên sân chơi TMĐT XBG.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 12/05/2024