Tính sơ bộ tổng kim ngạch xuất khẩu của 10 địa phương dẫn đầu xuất khẩu này vào khoảng 270 tỷ USD, đóng góp khoảng 72% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

10 tỉnh có thành tích xuất khẩu tốt nhất là TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, Phú Thọ. Như vậy không có thay đổi về địa phương dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu cả nước; song tỉnh Phú Thọ và Hải Dương đã hoán đổi vị trí. Theo đó, Phú Thọ từ vị trí số 10 đã chuyển lên vị trí số 9.

Trong khi đó 10 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất lần lượt là: Lai Châu 20.468.841 USD, Sơn La 21.801.054 USD, Bắc Kạn 33.466.825 USD, Điện Biên 42.686.980 USD, Ninh Thuận kim ngạch 46.223.574 USD, Cao Bằng 60.200.126 USD, Hà Giang 88.014.734 USD, Đắc Nông 111.800.984 USD, Tuyên Quang 137.569.864 USD, Quảng Bình 196.610.302 USD.

Báo cáo Xuất nhập khẩu năm 2022 đánh giá về mặt tích cực, kim ngạch xuất khẩu đạt tăng trưởng ở mức cao dù nền kinh tế đối diện với nhiều khó khăn; cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch tích cực và diện mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng; thị trường xuất khẩu đa dạng, duy trì tăng trưởng tại các thị trường truyền thống và mở rộng sang các thị trường mới; nhập khẩu đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước.

Về những điểm hạn chế, Báo cáo phân tích, từ tháng 9/2022, xuất khẩu bắt đầu xu hướng giảm. Bình quân 4 tháng cuối năm 2022, xuất khẩu đạt 29,7 tỷ USD/tháng, giảm 9,7% so với mức bình quân tháng 3 đến tháng 8.

Xuất khẩu các mặt hàng điện thoại, máy vi tính, linh kiện điện tử có xu hướng chững lại. Nếu không tính điện thoại và mặt hàng máy vi tính, linh kiện điện tử, phụ kiện, xuất khẩu năm 2022 tăng 12,9% so với năm 2021, cao hơn mức tăng 10,6% của tổng kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khối các doanh nghiệp FDI. Năm 2022, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng 11,8% so với năm 2021 trong khi xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước chỉ tăng 6,8%.

Tuy nhiên, sang năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý 1 là 79,3 tỷ USD, giảm 10,58 tỷ USD (11,8%) so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, 34/45 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu giảm, đáng kể có một số nhóm hàng có mức giảm mạnh như nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,87 tỷ USD; dệt may giảm 1,54 tỷ USD; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,23 tỷ USD; gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 1,21 tỷ USD; giày dép các loại giảm 969 triệu USD; thủy sản giảm 685 triệu USD; sắt thép các loại giảm 572 triệu USD; xơ sợi dệt các loại giảm 506 triệu USD. Tính chung, trị giá xuất khẩu của 8 nhóm hàng này giảm tới 8,58 tỷ USD, bằng 81% mức giảm trị giá xuất khẩu của cả nước.

Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu hàng hóa giảm mạnh trong những tháng đầu năm là do nhu cầu bên ngoài suy giảm, đặc biệt là từ các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản…

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cũng nhận định, tốc độ tăng xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo của Việt Nam sẽ chậm lại trong nửa đầu năm do nhu cầu bên ngoài yếu đi. Các nước xuất khẩu lớn khác như Trung Quốc, Mexico và Đài Loan (TQ) cũng đang phải đối mặt với tình trạng giảm đơn hàng mới giống như Việt Nam.

Sự sụt giảm này, theo Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), đã kéo tăng trưởng GDP quý 1/2023 giảm xuống mức 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 5,9% của quý 4/2023. Sản xuất công nghiệp cũng sụt giảm mạnh khi chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm còn 47,7 điểm trong tháng 3/2023 và cũng là lần thứ hai trong năm chỉ số giảm xuống dưới mức chuẩn 50 điểm.