ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 01h59 13/04/2018

TP. Hồ Chí Minh đầu tư chất lượng cho hàng bình ổn thị trường

(KDPT) – “Ngoài mở rộng mạng lưới kinh doanh, các doanh nghiệp (DN) tham gia sẽ tổ chức đầu tư mạnh vào khâu chất lượng, mẫu mã và nguồn gốc cho hàng bình ổn thị trường” – Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Huỳnh Trang cho biết tại buổi họp tổng kết Chương trình bình ổn thị trường năm 2017, kế hoạch thực hiện trong năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vào chiều ngày 12/4.

Các DN tham gia chương trình hàng bình ổn thị trường năm nay cam kết sẽ đầu tư vào chất lượng, mẫu mã và mở rộng điểm bán

Bà Nguyễn Huỳnh Trang đánh giá, chương trình hàng bình ổn năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 có 90 DN tham gia, tăng 2 DN so với năm 2017, trong đó 78 DN sản xuất kinh doanh và 12 tổ chức tín dụng.
“Năm nay, TP. Hồ Chí Minh không chủ trương tăng quy mô mà tập trung đẩy mạnh về mặt chất lượng, tạo nguồn cung hàng hóa với mức tăng hơn 30% và tổng vốn đăng ký hỗ trợ DN vay thực hiện chương trình là 19.650 tỷ đồng, tăng 1.480 tỷ đồng so với năm 2017” , bà Trang cho biết thêm.
Trưởng phòng Quản lý Thương mại Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho hay, thành phố tiếp tục đẩy mạnh bình ổn thị trường 4 nhóm hàng hóa, gồm chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực – thực phẩm; chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học mới; chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng sữa và chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm.
Chương trình hàng bình ổn thị trường năm nay số lượng hàng hóa tăng, danh mục hàng hóa tham gia phong phú, mẫu mã đa dạng. Các mặt hàng lương thực – thực phẩm có 10 nhóm mặt hàng, tăng 1 mặt hàng so với năm 2017; các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học mới có 103 loại sản phẩm, tăng 22 sản phẩm; tổng số lượng sữa tham gia chương trình hơn 1.940 tấn/năm và 12,52 triệu lít sữa nước/năm; dược phẩm có 21 nhóm thuốc, 176 hoạt chất và 383 mặt hàng tham gia thị trường.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, chương trình bình ổn thị trường năm nay được thưc hiện từ ngày 1/4/2018 đến ngày 31/3/2019. UBND TP. Hồ Chí Minh định hướng thúc đẩy xây dựng hương hiệu, nâng cao uy tín cho chương trình bình ổn thị trường của thành phố, yêu cầu các sở ngành phát huy vai trò đầu mối, hỗ trợ DN mở rộng thị trường trên cả nước, tạo sức lan tỏa ra các địa phương khác.
Về nguồn vốn triển khai chương trình hàng bình ổn tiếp tục xã hội hóa, các DN chủ động sử dụng nguồn vốn tự có, vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Các DN cần tập trung đầu tư, cải tiến quy trình sản xuất, công nghệ, mô hình nuôi trồng, hệ thống phân phối, mở rộng điểm kinh doanh…
Chương trình bình ổn của thành phố năm nay, các ngân hàng thương mại tham gia chương trình đăng ký hơn 20.000 tỷ đồng. Đại diện các ngân hàng thương mại cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ tối đa cho DN sản xuất kinh doanh và nới rộng các ưu đãi, điều kiện vay, hệ thống giao dịch nhằm đưa dòng vốn thuận lợi nhất đến với nhà sản xuất, kinh doanh có nhu cầu.
Đặc biệt, chương trình năm nay sẽ được đẩy mạnh các hoạt động kết nối DN trong khâu đầu tư, xây dựng cơ sở sản xuất, nuôi trồng theo hướng hiện đại, cho năng suất cao; gia tăng các hoạt động kết nối cung – cầu đối với sản phẩm đạt chuẩn an toàn nhằm phục vụ người tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Gạo sạch của siêu thị Co.opmart bán trong chương trình hàng bình ổn luôn được người tiêu dùng quan tâm

Để hàng bình ổn dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng, nhất là các khu vực vùng sâu vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất… các DN sẽ đẩy mạnh mở rộng mạng lưới điểm bán hàng bình ổn, kinh doanh 100% hàng Việt Nam, sản phẩm cung cấp cho người dân sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP… phù hợp với nhu cầu của người mua.
Trưởng Ban Vật giá – Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh Đỗ Đông Hướng cho biết, giá hàng bình ổn thị trường được xây dựng và đăng ký giá bán tại Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định chính xác cơ cấu giá tính theo các yếu tố hình thành giá và đảm bảo thấp hơn giá thị trường ít nhất 5 – 15%.
Tại cuộc họp, các DN tham gia chương trình đánh giá, chương trình bình ổn thị trường đã trở thành công cụ điều tiết thị trường có hiệu quả, nhiều DN đã xây dựng được thương hiệu, đưa hàng hóa thành công vào cả kênh bán lẻ hiện đại và truyền thống, chiếm lĩnh thị phần trong nước và tiến đến xuất khẩu.
Chương trình bình ổn thị trường TP. Hồ Chí Minh 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, ngành Công Thương thành phố sẽ triển khai gắn liền với các hoạt động thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phối hợp với Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Hội Liên hiệp Phụ nữ tìm giải pháp phù hợp để hàng bình ổn được lan tỏa rộng trong cộng đồng.

Theo: baocongthuong.com.vn



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/09/2024