ISSN-2815-5823

Trồng bưởi da xanh chuẩn VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao

(KDPT) – Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ bưởi da xanh tại thị trường trong nước và quốc tế ngày càng cao, nguồn cung tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không đủ để cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Do đó, tỉnh Trà Vinh có hướng mở rộng diện tích trồng cây bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP để vừa nâng cao chất lượng thương hiệu, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Bưởi da xanh đã dần khẳng định được giá trị kinh tế, bởi giá bán luôn duy trì ở mức cao, đầu ra ổn định.

Xã Lương Hòa, huyện Châu Thành là vùng đất chịu nhiều ảnh hưởng từ nhiễm phèn, mặn. Trong khi đó, cây bưởi có khả năng chịu được độ phèn, độ mặn, nên người dân địa phương chọn làm cây trồng chủ lực, giúp nông dân tăng thu nhập và ổn định vườn cây ăn trái. Mô hình trồng bưởi da xanh theo hướng VietGAP (sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn) là tiêu chí nhiều nhà vườn ở tỉnh Trà Vinh hướng tới, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế với thương hiệu bưởi da xanh trong vùng.

Hiện ấp Ô Chích A (xã Lương Hòa, huyện Châu Thành) có 43 hộ trồng bưởi da xanh trên tổng diện tích hơn 27 ha. Để được công nhận sản xuất đạt chuẩn VietGAP, bà con nông dân được dự các lớp tập huấn, nắm bắt quy trình trồng đúng kỹ thuật và được hỗ trợ phân hữu cơ. Kết quả cuối vụ, năng suất cao hơn khoảng 30%, chi phí phân bón giảm khoảng 40%, bà con mong muốn sẽ tiếp tục tham gia mô hình này để trồng bưởi da xanh ngày càng phát triển chất lượng, giúp ổn định kinh tế. Toàn xã Lương Hòa hiện có hơn 278 ha diện tích trồng bưởi da xanh, được địa phương chọn làm sản phẩm chủ lực và đăng ký chỉ dẫn địa lý, đây cũng là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của xã này. Từ thành công của Tổ hợp tác trồng bưởi da xanh Ô Chích A, xã đang vận động nông dân tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác và sản xuất an toàn, hữu cơ để nâng cao giá trị nông sản.

Năm 2019, bưởi da xanh được các doanh nghiệp ký hợp đồng với giá 39.000 đồng/kg, sang năm 2020 giá mua lên tăng 40.000 đồng/kg. Bình quân hàng năm, mỗi ha trồng bưởi da xanh chuẩn VietGAP đạt lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Đầu ra ổn định nên nhiều thành viên tổ hợp đã mở rộng thêm diện tích trồng loại quả này.

Ông Dương Văn Khá, thành viên Tổ hợp tác trồng bưởi da xanh Ô Chích A chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 1,8 ha bưởi bưởi da xanh theo chuẩn VietGAP, trong đó, 0,9 ha đang cho ra trái, với năng xuất khá ổn định, 25 tấn/ha. Lợi nhuận cao và đầu ra dễ, nên gia đình tiếp tục cải tạo thêm vườn tạp, mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh khoảng 0,5 ha”.

Ông Huỳnh Kim Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Hòa cho biết: “Bà con trồng bưởi da xanh cùng tham gia mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, giúp sản phẩm bưởi có chất lượng đồng đều, đẹp mắt, giải quyết đầu ra đồng loạt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời bảo vệ môi trường, an toàn cho sức khỏe”.

Việc tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất trồng bưởi da xanh VietGAP đối với các diện tích còn lại trên vùng thuộc xã Lương Hòa sẽ giúp thương hiệu bưởi da xanh phát triển hiệu quả và bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho đời sống người dân.

Bưởi da xanh là loại trái cây đặc sản có lợi thế được tỉnh Trà Vinh khuyến khích nhà vườn phát triển trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 sẽ có khoảng 800 ha bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP tập trung tại các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và thành phố Trà Vinh.

PHƯƠNG DUNG

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024