ISSN-2815-5823
Thứ năm, 11h27 09/04/2020

Ứng dụng Robot để giảm áp lực cách ly trong phòng chống dịch Covid-19

(KDPT) – Sau thành công của bộ KIT test nhanh virus Corona trong 2 tiếng, một lần nữa, Việt Nam lại “tỏa sáng” khi chế tạo thành công robot vận chuyển trong các khu vực cách ly có nguy cơ lây nhiễm cao. Đề tài do Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Học viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng) thực hiện.

Ra đời trong thời gian ngắn nhất

Trong lúc dịch Covid-19 đang chuyển sang giai đoạn 3 – giai đoạn lây lan trong cộng đồng và mất dấu F0, cũng là giai đoạn khó kiểm soát nhất của dịch bệnh thì các nhà nghiên cứu trẻ của Học viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng) đã chế tạo thành công robot mang tên Vibot phiên bản 1a.

Điều khiến mọi người ngạc nhiên là robot này được ra đời vỏn vẹn trong vòng 2 tuần kể từ ngày Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Học viện Kỹ thuật Quân sự thực hiện đề tài. Dù ra đời trong thời gian rất ngắn nhưng là tâm sức và sự tập trung cao độ của cả nhóm nghiên cứu. Do đó Vibot-1a hoàn hảo không kém bất cứ một loại robot nào trước đó.

Vibot-1a có thể thuần thục đảm nhận nhiệm vụ tự động vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm… từ ngoài vào các buồng bệnh; vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, đồ giặt… từ buồng bệnh ra khu tập kết và hỗ trợ giao tiếp từ xa giữa nhân viên y tế và bệnh nhân. Robot Vibot được thiết kế đa chức năng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của từng khu vực cách ly, có thể vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau với tải trọng lên đến 100 kg.

Vibot-1a còn có khả năng phát hiện, tránh va chạm vật cản nhờ các cảm biến trang bị ở phía trước và phía sau. Trong quá trình vận chuyển có thể phát nhạc, phát bản tin giải trí; được gắn cảm biến thông minh, có thể phát ra nhiều âm thanh như “xin tránh đường”, “xin cảm ơn”, “tạm biệt”.

Hướng dẫn sử dụng robot cho các bác sĩ Bệnh viện Bắc Thăng Long. Ảnh: Trần Hồng

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Đại tá Tăng Quốc Nam, Chủ nhiệm đề tài, cho biết, điểm vượt trội của robot này là mọi hoạt động của hệ thống robot được giám sát, điều khiển bởi Trung tâm điều hành, tạo điều kiện cho việc mở rộng phạm vi hoạt động của robot hoặc bổ sung số lượng robot vào hệ thống khi cần thiết.

Ngoài chức năng vận chuyển, với đường truyền được thiết lập riêng, từ Trung tâm điều hành, các bác sỹ, người thân có thể thăm bệnh, tư vấn, động viên từ xa tới bệnh nhân bằng hình ảnh, âm thanh chất lượng cao. Mỗi robot có thể thay thế từ 3 đến 5 nhân viên y tế. Ngoài việc giảm rủi ro lây nhiễm, việc sử dụng robot còn tạo điều kiện để nhân viên y tế tập trung thời gian, công sức phục vụ, chăm sóc và điều trị bệnh nhân nặng được tốt hơn.Với khối nguồn pin công suất lớn và trạm sạc tự động, Vibot-1a có thể làm việc liên tục 12 giờ và tự động tìm về trạm để sạc khi cạn nguồn.

Trong buổi đánh giá kết quả giai đoạn 1 mới đây tại Bộ Khoa học và Công nghệ, GS-TS Đào Văn Hiệp, Tổ trưởng Tổ chuyên gia thẩm định đánh giá, đây là thành công quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 và khẳng định trình độ của các nhà khoa học Việt Nam cũng như sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị nói chung, Bộ Khoa học và Công nghệ nói riêng trước những vấn đề đặt ra từ cuộc sống. Bộ đã nhất trí kiến nghị Bộ Y tế xem xét cho phép sử dụng robot này tại các cơ sở cách ly.

Rất cần robot trong ngành y tế

Chúng ta đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vì thế, robot đương nhiên trở thành ngành công nghiệp trong tương lai gần của Việt Nam. Robot sẽ thay thế cho lao động giản đơn của con người, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm hàng hóa, đặc biệt sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất và tăng nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội. Đối với ngành y tế thì robot có vai trò vô cùng quan trọng.

Còn nhớ cách đây 8 năm, Chính phủ đã đầu tư gần 100 tỷ đồng mua robot phẫu thuật cho Bệnh viện Nhi trung ương. Khi đó có nhiều ý kiến lo lắng về hiệu quả đầu tư, song thực tế đã chứng minh, các bác sĩ và kỹ thuật viên đã làm chủ được công nghệ, phục vụ tốt cho bệnh nhân, góp phần nâng cao độ chính xác trong chẩn đoán và chất lượng điều trị.

Lần này, trong đại dịch Covid-19 đã chứng minh vai trò quan trọng của robot. Các “chiến binh” này sẽ giúp giảm thiểu sự lây lan dịch bệnh, giảm bớt sự vất vả cho đội ngũ y, bác sĩ.

Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng, Phó giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự chia sẻ, sang đến giai đoạn 2, nhóm nghiên cứu tiếp tục chế tạo robot thông minh, tự xây dựng được bản đồ hoạt động. Sau này, robot hoạt động theo nhóm, các robot có thể tương tác với nhau mà không phụ thuộc vào trung tâm điều khiển…

Sau khi hoàn thành phiên bản Vibot-1a, nhóm nghiên cứu robot của Học viện Kỹ thuật Quân sự đang tiếp tục nâng cấp và cải tiến các tính năng để robot có thể hoạt động hoàn toàn tự động và thông minh hơn, hướng tới mục tiêu chế tạo được Vibot có tính năng hiện đại như robot TUG của hãng Aethon (Mỹ).

Với triết lý một nền tảng, nhiều mục đích và các tính năng ưu việt, Vibot còn có thể được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp và đời sống, phục vụ tại các tòa nhà, kho hàng tự động hoặc các phân xưởng sản xuất và các môi trường đặc biệt khác để hỗ trợ vận chuyển theo yêu cầu.

Hiện nay, tại Bệnh viện Bắc Thăng Long (Hà Nội), rô-bốt mang tên Vibot phiên bản 1a đã chính thức được đưa vào sử dụng để cấp phát thuốc cho bệnh nhân.

NHỊ GIANG



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024