ISSN-2815-5823

Văn hóa Óc Eo – “Đánh thức” nền văn minh đã bị “ngủ quên”

(KDPT) – Ba Thê (An Giang) là vùng đất vừa có núi, vừa có đồng bằng trù phú, nơi đây được bao bọc bởi những cánh đồng lúa bao la. Ngoài phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, hữu tình, vùng đất còn chứa đựng nhiều câu chuyện huyền thoại về một nền văn minh rực rỡ đã bị ngủ quên hàng ngàn năm qua.

Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo là nơi lưu giữ hàng nghìn cổ vật.

Óc Eo là tên của một địa danh nằm trên cánh đồng phía Đông Nam núi Ba Thê (thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Óc Eo ghi dấu vào lịch sử khảo cổ học Việt Nam như một vùng đất văn hoá, chứa đựng nhiều câu chuyện bí ẩn về nền văn minh rực rỡ, cổ đại đã được hình thành và phát triển từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII sau Công nguyên.

Tìm lại thời kỳ văn minh rực rỡ

Theo Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu – Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết: “Ngay từ những năm đầu của thế kỷ 20, những cổ vật đầu tiên của nền văn hóa Óc Eo đã được phát hiện trên cánh đồng Óc Eo – Ba Thê thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Do sự phong phú về loại hình, sự độc đáo của chất liệu, vẻ đẹp rực rỡ của mĩ thuật chế tác, các di vật của Văn hóa Óc Eo đã lôi cuốn được sự chú ý của nhiều học giả, nhà khảo cổ nổi tiếng người Pháp như: G.Coedès, L.Malleret, H.Parmentier”.

Tuy nhiên, công cuộc nghiên cứu về nền văn hóa này chỉ thực sự bắt đầu bằng cuộc khai quật của chuyên gia khảo cổ L.Malleret tại di tích Óc Eo vào năm 1944 và những năm về sau. L.Malleret đã công bố kết quả nghiên cứu của mình trong bộ sách có nhan đề “Khảo cổ học ở đồng bằng sông Cửu Long” lần lượt xuất bản từ năm 1959 cho đến năm 1964.

Công trình này được xem là một là thành tựu Khảo cổ học chủ yếu về Văn hóa Óc Eo cho đến trước năm 1975. Trên cơ sở các cuộc khai quật vào năm 1944, Louis Malleret cho rằng cánh đồng Óc Eo là một thành thị cổ và đặt tên là thành thị Óc Eo hay thị cảng Óc Eo, có diện tích rộng đến 450ha với một tiền cảng có tên là Tà Keo, cách Óc Eo 12km về phía Tây Nam.

Vùng này không chỉ có hình ảnh của một đô thị cổ mà còn có nhiều dấu tích của một trung tâm tôn giáo – văn hóa lớn, với 3 cụm quần thể kiến trúc bao gồm: Vùng Linh Sơn Tự, vùng Đông Bắc núi Ba Thê và vùng Giồng Cát, Giồng Xoài. Cũng trong các cuộc khảo sát và khai quật, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy ở các di chỉ thuộc văn hóa Óc Eo các loại tượng to nhỏ, nhẫn, hoa tai, hạt đá quý, mã não, hạt thủy tinh, con dấu, bùa đeo, công cụ bằng đồng và bằng đá; các loại hiện vật bằng đất nung,… Các hiện vật của văn hóa Óc Eo đã cho thấy sự phong phú và đa dạng của nền văn hóa này; tính bản địa, sự giao thoa và đan xen giữa các nền văn hóa lúc bấy giờ ở trong khu vực cũng như với các vùng khác.

Óc Eo là một di tích lịch sử, văn hóa lớn. Đây được xem là một trung tâm văn hóa cổ của đồng bằng sông Cửu Long. Một hình mẫu của sự kết hợp những yếu tố nội và ngoại sinh trong sự phát triển; một vốn quý và điểm mấu chốt quan trọng trong việc nghiên cứu về những vấn đề lịch sử văn hóa, giá trị tư liệu quan trọng, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của con người đồng bằng Nam Bộ.

Văn hóa Óc Eo trên hành trình trở thành di sản thế giới

Với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu đó, di tích Óc Eo đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là khu di tích quốc gia, với 3 cụm gồm: Di tích kiến trúc nghệ thuật Hai Bia đá và tượng Phật bốn tay được xếp hạng năm 1988, cùng hai di tích khảo cổ Nam Linh Sơn tự và Gò Cây Thị được xếp hạng năm 2002.

Đã trải qua hơn 76 năm phát hiện và nghiên cứu, nền văn hóa vĩ đại này ngày càng trở nên rõ nét hơn. Có thể nói, các di tích thuộc văn hóa Óc Eo là nguồn tư liệu lịch sử quý giá như một bằng chứng về một nền văn hóa cổ.

Cùng với đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang đang tích cực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh di sản văn hóa thế giới đối với nền văn hóa Óc Eo.

Theo đó, khu vực đề cử di sản văn hóa thế giới với hồ sơ này sẽ gồm 3 khu vực là: Khu di tích Óc Eo – Ba Thê (An Giang), Khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang) và Khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp). Quá trình làm hồ sơ phải tiến hành song song với công tác nghiên cứu bởi đây không chỉ là trách nhiệm của ngành và các đơn vị liên quan mà còn là trách nhiệm của thế hệ sau đối với lịch sử.

Trong những năm qua, có nhiều cuộc hội thảo liên quan đến việc xây dựng hồ sơ Văn hóa Óc Eo đã được tổ chức, thu thập ý kiến đóng góp của các giới chuyên gia. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, hồ sơ vinh danh Văn hóa Óc Eo nên cần làm rõ các tiêu chí về giao thoa văn hóa của di sản cũng như những nét độc đáo. Đặc biệt là về truyền thống văn hóa, giá trị nổi bật về hình thức lưu trú truyền thống, đang bị tổn thương do những tác động theo thời gian và cần phải làm rõ tính bản địa về sự phát triển liên tục, đa dạng tiêu biểu.

Di vật về nền văn hóa Óc Eo được tìm thấy từ năm 1944.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, muốn bảo tồn di chỉ văn hóa Óc Eo, việc khảo sát và khai quật nghiên cứu ở các địa điểm cần có kế hoạch toàn diện và chia thành từng giai đoạn. Đặc biệt, công cuộc khai quật nghiên cứu ở đây cần phải có sự hợp tác đồng bộ của nhiều cơ quan chuyên ngành như khảo cổ học, trùng tu di tích, lịch sử – văn hóa và du lịch.

PHÚC HẬU



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024