ISSN-2815-5823
Thứ tư, 04h14 27/06/2018

Xu hướng phát triển căn hộ có thương hiệu ở Việt Nam

(KDPT) – Căn hộ có thương hiệu là mô hình mang lại lợi ích cho khách hàng gồm người mua, nhà đầu tư, và nhà điều hành. Cụ thể, người mua được đảm bảo quyền lợi khi lựa chọn căn hộ có thương hiệu lâu năm với phong cách sống độc đáo và những cam kết về chất lượng, trong khi nhà đầu tư được tối đa hóa lợi nhuận từ các dòng tiền đa dạng, còn nhà điều hành được ghi nhận nhờ giá trị thương hiệu cùng những nỗ lực vận hành và tiếp thị.

Các căn hộ có thương hiệu tại khu vực đô thị đang vươn lên mạnh mẽ ở những thành phố hàng đầu Đông Nam Á . Ảnh: Căn hộ có thương hiệu Ritz Carlton ở Bangkok – Thái Lan.

Ở thời điểm mới xuất hiện, các khu căn hộ có thương hiệu thường được tích hợp bên trong một dự án khách sạn, tiên phong bởi Sherry-Netherland Hotel khai trương vào năm 1927 trên Đại lộ số 5 của thành phố New York. Tới những năm 1980, thị trường căn hộ có thương hiệu đã mở rộng đáng kể với những điểm đến phổ biến tại Bắc Mỹ, Trung Đông, châu Âu, và Bắc Á. Ngày nay, bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ khách sạn cùng một thương hiệu “đáng tin cậy” để đảm bảo chất lượng dịch vụ và hiệu quả đầu tư, những khu căn hộ có thương hiệu còn tích hợp nhà hàng, quán bar, và tiện ích giải trí tại chỗ nhằm đáp ứng nhu cầu của những khách hàng giàu có.

Hiện tại, Four Seasons và Ritz-Carlton đang thống trị thị trường căn hộ có thương hiệu ở quy mô toàn cầu, theo sau là Kempinski, St. Regis và W Hotels,… với số lượng tổ hợp khách sạn cung cấp căn hộ có thương hiệu ước tính tăng gấp mười lần trong vòng một thập kỷ tính đến năm 2012.

Khoảng 65% số căn hộ có thương hiệu hiện được phân bổ tại khu vực đô thị, bao gồm căn hộ chung cư và căn hộ áp mái nằm trên những tầng cao nhất của các tòa tháp phức hợp, được quản lý bởi nhà điều hành khách sạn và chia sẻ tiện ích từ khách sạn. Các căn hộ có thương hiệu được thừa hưởng những đặc điểm nổi trội của mô hình này với vị trí đắc địa, kiến ​​trúc mang tính biểu tượng, nội thất độc đáo, các dịch vụ và tiện nghi chuẩn mực khách sạn 5 sao với an ninh bậc nhất, số lượng hạn chế các đơn vị lưu trú, và cộng đồng dân cư cùng đẳng cấp. Số lượng 35% căn hộ có thương hiệu còn lại nằm ở các điểm đến nghỉ dưỡng dưới dạng căn hộ chung cư, căn hộ áp mái, nhà phố và biệt thự đi kèm với chính sách ủy thác quản lý cho thuê (rental pool) hoặc chương trình sở hữu kỳ nghỉ (timeshare), được coi như “ngôi nhà thứ hai” hoặc “căn hộ nghỉ dưỡng (condotel)” của chủ sở hữu.

Các căn hộ có thương hiệu tại khu vực đô thị đang vươn lên mạnh mẽ ở những thành phố hàng đầu Đông Nam Á nhờ sự “bảo chứng” về mặt đầu tư với mức giá giao dịch cao hơn từ 20% – 30% so với các căn hộ không có thương hiệu. Trong khi đó, mô hình này hầu như chưa phát triển tại các thành phố của Việt Nam, nơi mà những dự án căn hộ cao cấp truyền thống của chủ đầu tư trong nước đang thống trị thị trường ngách này. Đa phần các khu căn hộ cao cấp vừa đề cập đang được xây dựng hoặc sắp phát triển, sẽ cung cấp khoảng 100 – 1.500 căn mỗi dự án với mức giá khoảng 3.500 USD/m2 – 6.000 USD/m2 tùy thuộc vào vị trí và nội thất đi kèm. Những bất động sản này được phát triển với cơ sở hạ tầng đồng bộ bao gồm siêu thị, hồ bơi, công viên, nhà trẻ,… mang lại cho cư dân, thường là tầng lớp tri thức có thu nhập cao, doanh nhân hoặc người nước ngoài, một không gian sống đẳng cấp, tiện nghi và riêng tư.

Ngược lại, căn hộ nghỉ dưỡng đã trở nên quen thuộc tại thị trường Việt Nam trong những năm gần đây với các điểm đến phổ biến như Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc. Năm 2016, nguồn cung căn hộ nghỉ dưỡng tại Việt Nam ước đạt 16.000 đơn vị, chủ yếu nằm ở khu vực miền Trung. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt này, các chủ đầu tư Việt Nam thường cam kết doanh thu cho thuê khoảng 8% – 10% giá trị bất động sản trong thời gian từ 5 – 10 năm, hấp dẫn hơn so với tỷ lệ trung bình khoảng 5% – 7% trong thời gian từ 3 – 5 năm của khu vực Đông Nam Á. Không chỉ vậy, người mua có thể tham gia vào các chương trình sở hữu kỳ nghỉ thú vị, trong đó họ được đảm bảo một số lượng khá tốt đêm nghỉ miễn phí mỗi năm tại căn hộ nghỉ dưỡng của mình, hoặc tại các bất động sản khác thuộc câu lạc bộ nghỉ dưỡng của nhà điều hành quốc tế hoặc trong danh mục của chủ đầu tư. Bằng cách đó, mô hình căn hộ nghỉ dưỡng đáp ứng mong muốn của khách hàng cho nhu cầu lưu trú với những đặc quyền theo chuẩn mực khách sạn, đi kèm cả các cơ hội đầu tư.

Ở thời điểm hiện nay, số lượng người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam đang tiếp tục tăng lên từ mức 320.000 người (2016), thúc đẩy nhu cầu sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại quốc gia này trong những năm tới. Điều kiện thuận lợi nêu trên cùng sự phát triển của tầng lớp thu nhập cao trong xã hội Việt Nam dự báo nhiều thành công cho những chủ đầu tư uy tín với các sản phẩm chất lượng được quản lý bởi nhà điều hành quốc tế danh tiếng, bất chấp những ràng buộc pháp lý liên quan đến quyền sở hữu bất động sản của người nước ngoài mà hiện vẫn chưa được chính phủ thông qua.

Reno Mueller, Chuyên gia trong lĩnh vực khách sạn quốc tế



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 25/10/2024