Xuất khẩu đang phục hồi, Việt Nam dần thoát suy thoái thương mại toàn cầu
Xuất khẩu nông sản vươn lên thành điểm sáng
Theo HSBC, trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa từ các nước phương Tây sụt giảm vì kinh tế thế giới còn khó khăn, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam như hàng điện tử, may mặc, da giày, đồ gỗ nội thất và máy móc đều rơi vào tình trạng ảm đạm. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản vươn lên thành điểm sáng.
"Không giống như những lĩnh vực khác ghi nhận mức sụt giảm hai con số, xuất khẩu nông nghiệp đã vững vàng đi qua giông bão, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước tính trên cơ sở bình quân 3 tháng", báo cáo của HSBC viết.
Việt Nam đã phát triển nền tảng nông nghiệp đa dạng. Trong đó, thủy sản chiếm gần 40% trong cơ cấu xuất khẩu nông nghiệp, sau đó là tới cà phê Robusta (14%), gạo (12%) và trái cây - rau củ (11%).
HSBC nhấn mạnh, Việt Nam có chiến lược đa dạng hóa xuất khẩu không chỉ tập trung vào gạo, trong đó Việt Nam đã chủ động canh tác trái cây và rau củ để xuất khẩu. Trong số các thị trường tiêu thụ, châu Á chiếm chủ yếu với Trung Quốc chiếm 25% và ASEAN 18%. Hai thị trường này cộng lại chiếm hơn 40%. Tiếp đó là các nước phương Tây với 27% thị phần.
Đối với Việt Nam, xuất khẩu sang Trung Quốc đã trở lại mức tăng trưởng khá kể từ quý 2/2023, và 50% tăng trưởng có được từ kết quả vượt trội của xuất khẩu nông sản. Nguyên nhân chính là nhờ triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP từ tháng 1/2022.
Trung Quốc chiếm tỷ trọng lên đến 65% thị phần trái cây - rau củ của Việt Nam, điều này lý giải vì sao thị phần đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua, theo HSBC. Sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, xuất khẩu trái cây nhiệt đới của Việt Nam đã tăng đáng kể, một phần để hưởng ứng nghị định thư ký kết giữa hai nước trong năm 2022.
Về gạo, kể từ tháng 7/2023, giá xuất khẩu tiêu chuẩn của gạo Thái Lan đã tăng 40% so với cùng kỳ năm trước lên mức cao nhất trong vòng 15 năm, một phần do lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ đối với một số sản phẩm gạo và một phần do El Nino. Kể từ đó, những diễn biến này dẫn đến xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện tại, 3 nước ASEAN nằm trong top 6 nước mua nhiều gạo của Việt Nam nhất, riêng Philippines đã chiếm tới 45%, sau đó là tới Malaysia và Singapore. Xuất khẩu gạo của Việt Nam là nguồn cung không thể thiếu cho 3 nước, với tỷ trọng tương ứng là 80%, 34% và 23%.
Trong đánh giá tổng thể, HSBC cho biết trong một năm đầy thách thức như 2023, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã vươn lên bất chấp nghịch cảnh. Dù tỷ trọng dưới 10% trong tổng danh mục xuất khẩu không bù đắp được hết cho tất cả những khó khăn trong xuất khẩu nhưng nông sản đã đóng góp đáng kể, với gần 4 tỷ USD từ gạo sau 10 tháng.
Mặc dù mỗi sản phẩm một khác nhưng các dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang phục hồi ổn định khỏi suy thoái thương mại toàn cầu.
"Trong thời gian tới, điều quan trọng là Việt Nam phải tận dụng các hiệp định thương mại tự do và tập trung đưa sản phẩm xuất khẩu đạt các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao hơn nữa tiềm năng thị trường", HSBC khuyến nghị.
HSBC cho rằng, nhờ hiệu ứng cơ sở thuận lợi trong hai tháng cuối năm, tăng trưởng xuất khẩu nhiều khả năng sẽ tăng tốc. Đây là tín hiệu cho sự phục hồi được mong đợi từ lâu trong lĩnh vực thương mại, được kỳ vọng sẽ nâng mức tăng trưởng năm 2024 lên 6 - 6,5% theo mục tiêu của Chính phủ.
Đà lạm phát chỉ nhích nhẹ
"Điều đáng mừng là sự phục hồi của Việt Nam không chỉ giới hạn ở lĩnh vực bên ngoài. Sau khi tiêu dùng nội địa cải thiện đôi chút trong quý 3/2023, doanh số bán lẻ tiếp tục phục hồi, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước", chuyên gia HSBC nhận định.
Ngoài ra, lạm phát cũng khởi đầu quý 4 với một số tin vui. Đà lạm phát chỉ tăng nhẹ, lên 0,1% so với tháng trước, tương đương với mức lạm phát so với cùng kỳ năm trước là 3,6%, dưới mức dự báo của thị trường.
Nguyên nhân được HSBC lý giải, phần lớn là do giá lương thực giảm và giá dầu giảm. Tuy nhiên, khi nói đến thực phẩm thì cần thận trọng. Trong khi xuất khẩu của Việt Nam được hưởng lợi nhờ giá gạo tăng, giá gạo thế giới cao hơn cũng khiến giá gạo trong nước tăng. Mặc dù vậy, tin tốt là giá thịt lợn giảm đã bù đắp cho mức tăng của giá gạo, giúp làm chậm lạm phát lương thực nói chung.
"Mặc dù vẫn có rủi ro tăng, lạm phát nhìn chung vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Cùng với việc dự báo lạm phát sẽ tăng lên 4,0% trong quý 4/2023, tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ vẫn ở dưới mức trần 4,5%", chuyên gia HSBC chia sẻ.
Trước bối cảnh trên, HSBC dự báo lạm phát sẽ ở mức khoảng 3,3% vào năm 2024, cũng thấp hơn nhiều so với mức trần lạm phát 4-4,5% của NHNN.