3 khuyến nghị nhằm tăng cường phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa
Ngày 22/9, tại TP.HCM, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị “Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa" trong khuôn khổ triển khai Luật Phòng, chống rừa tiền, Nghị định số 19/2023/NÐ-CP ngày 28/4/2023 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và Thông tư số 09/2023/TT-NHNN ngày 28/7/2023 hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền.
Hội nghị đưa ra 3 khuyến nghị nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống rừa tiền trong giao dịch tài sản số |
Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại diện một số ủy ban khác của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước; Cục Phòng, chống rửa tiền; Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
Nội dung hội nghị nhằm triển khai các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền đến các hội viên đồng thời khuyến cáo nguy cơ rửa tiền trong các giao dịch tiên mã hoá, tài sản số, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng cùng với sự chuyển đổi số mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, các tổ chức tội phạm sử dụng nhiều phương thức tinh vi để rửa tiền nhất là đối với các giao dịch tiền mã hoá.
Hội nghị đưa ra 3 khuyến nghị nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống rừa tiền trong giao dịch tài sản số trên một số điểm như: Một là, nhận diện tài sản số là một loại tài sản mà Bộ Luật dân sự Việt Nam đã công nhận. Hai là, các định chế tài chính cần xây dựng Quy trình và kiểm soát tuân thủ đối với các hoạt động về chống rửa tiền lên quan tới tài sản số đối với các giao dịch qua tài khoản cá nhân. Ba là, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trên nguyên tắc hội tụ đẩy đủ các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và luật.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền cho biết: Chống rửa tiền, đánh giá rủi ro là vấn đề không mới bởi quy định về vấn đề này đã được đưa vào Thông tư 20/2019/TT-NHNN và được các ngân hàng triển khai. Theo đó, các tổ chức trung gian thanh toán, ngân hàng, công ty tài chính - những đối tượng chủ chốt thuộc quản lý của NHNN, đã tiến hành đánh giá rủi ro về rửa tiền tại tổ chức. Tuy nhiên, Thông tư 20 chưa đưa ra những thang điểm hay yêu cầu, hướng dẫn cụ thể. Do đó, Thông tư 09 được ban hành trong bối cảnh đặt ra những yêu cầu bắt buộc, cụ thể hóa trong quá trình thanh tra, giám sát, quản lý và hướng dẫn các đối tượng báo cáo. Đặc biệt là những đối tượng báo cáo mới tiếp cận công tác phòng, chống rửa tiền hoặc những đối tượng thuộc lĩnh vực, ngành, nghề chưa có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các quy định, chuẩn mực quốc tế.
Theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, để tăng cường hiệu quả của các hoạt động phòng, chống rửa tiền thông qua tiền mã hóa nói riêng và tài sản số nói chung, Hiệp hội Blockchain Việt Nam khuyến nghị các định chế tài chính cần nhận diện giao dịch tài sản số, xây dựng quy trình và chuẩn bị tốt nhân sự. Như về nhận diện giao dịch tài sản số là một loại tài sản mà Bộ Luật dân sự Việt Nam công nhận.
Trong khi chưa có các văn bản pháp lý cụ thể về tiền mã hoá, các tổ chức tín dụng cần nhận diện và học cách phân loại tài sản này theo quy tắc, chuẩn mực kế toán quốc tế… Các định chế tài chính nên xây dựng quy trình và kiểm soát tuân thủ đối với các hoạt động về chống rửa tiền liên quan tới tài sản mã hóa đối với các tài khoản cá nhân. Ngoài ra, phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trên nguyên tắc hội tụ đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và luật.