ISSN-2815-5823

Anh đề xuất tăng tần suất kiểm tra thanh long Việt Nam từ mức 20% lên 50%

(KDPT) - Dù chưa nhận được thông báo vi phạm nào nhưng thanh long Việt Nam đang bị cơ quan chức năng tại Anh đề xuất tăng tần suất kiểm tra từ mức 20% lên 50%.

Cơ quan chức năng tại Vương quốc Anh đang đề xuất đưa thanh long Việt Nam từ Phụ lục II (sản phẩm phải được xét nghiệm và được cấp giấy chứng nhận an toàn tại Việt Nam trước khi xuất khẩu) sang Phụ lục I (sản phẩm phải được xác minh và tái kiểm thực tế 50% tại cảng đến trước khi được phép lưu thông trên thị trường).

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của thanh long Việt Nam
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Anh khoảng gần 200 tấn thanh long.

Là đơn vị đầu mối trao đổi thông tin và triển khai thực thi các nội dung liên quan đến các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin, ngày 17/7/2023, Văn phòng SPS Việt Nam nhận Công văn số 409/QLCL-HTQT của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về việc Vương quốc Anh dự kiến tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm quả thanh long.

Ngày 26/7, Cục Bảo vệ thực vật gửi Công văn số 1892/BVTV-ATTPMT phản hồi đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến việc kiểm tra an toàn thực phẩm thanh long Việt Nam tại Vương quốc Anh.

Trên cơ sở đó, ngày 2/8, Văn phòng SPS Việt Nam đã gửi thông tin tới đầu mối SPS của Vương quốc Anh đề nghị hai nội dung. Một là, đề nghị Vương quốc Anh giữ nguyên tần suất kiểm tra thanh long của Việt Nam cho đến khi 2 bên có đầy đủ căn cứ.

Hai là, đề nghị Vương quốc Anh cung cấp hồ sơ đánh giá nguy cơ để thay đổi tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm thanh long Việt Nam để cơ quan thẩm quyền Việt Nam nghiên cứu có ý kiến.

Sau hơn một tháng gửi Công văn, Văn phòng SPS Việt Nam vẫn đang chờ phản hồi từ cơ quan đầu mối SPS của Vương quốc Anh.

Đến ngày 11/8, trong Công văn số 182/SPS- BNNVN phúc đáp Công văn số 5251/BCT-ĐB ngày 8/8/2023 của Bộ Công Thương về việc lấy ý kiến đối với dự thảo chương trình làm việc của Phiên họp Ủy ban thương mại UKVFTA, Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục kiến nghị đưa hai nội dung trên vào thảo luận tại phiên họp.

Cũng tại Công văn số 182, Văn phòng SPS Việt Nam kiến nghị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Bảo vệ thực vật là cơ quan đầu mối hỗ trợ kỹ thuật SPS, đồng thời chủ trì nghiên cứu hồ sơ đánh giá nguy cơ cho việc thay đổi tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm quả thanh long Việt Nam.

Công việc này được tiến hành sau khi có thông tin từ đầu mối SPS của Vương quốc Anh về thanh long, cùng với kết quả Phiên họp Ủy ban thương mại UKVFTA diễn ra ngày 24/8 vừa qua.

Theo ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, thanh long Việt Nam có chất lượng rất tốt và đã được xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới trong đó có thị trường Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh. Trung bình mỗi năm các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu khoảng hai ngàn tấn thanh long tươi và đông lạnh sang thị trường EU.

Tần suất kiểm tra thanh long ở mức 20%, như EU quy định, từng khiến Hiệp hội Rau quả Việt Nam phải gửi đơn “kêu cứu” tới các ban, bộ, ngành.

Hiệp hội đánh giá, tỷ lệ lấy mẫu ở mức 20% là quá cao và quá khắc nghiệt đối với hàng rau quả Việt Nam. Nguyên nhân bởi, sau khi lấy mẫu kiểm tra thì số hàng này bị mất đi không thể sử dụng được.

Điều đó đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp và người dân bị mất đi một giá trị hàng hóa bao gồm giá sản phẩm cộng chi phí logistics rất cao. Đồng thời, việc kiểm tra sản phẩm kéo dài hơn 4 ngày để đáp ứng tần suất này khiến phẩm chất hàng hóa bị sút kém khi bán ra thị trường.

Nếu nâng tần suất kiểm tra lên 50% như đề xuất của các cơ quan chức năng Vương quốc Anh thì khó khăn mà doanh nghiệp trong nước phải đương đầu sẽ là rất lớn.

Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, tính từ năm 2020 đến tháng 7/2023, Việt Nam đã xuất khẩu sang Vương quốc Anh 193 lô với khoảng 625 tấn thanh long tươi và đông lạnh.


Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 15/01/2025