ISSN-2815-5823

Chủ động và nắm lấy cơ hội thay đổi

(KDPT) – “Đại dịch COVID-19 đã trở thành cú sốc y tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua. Chính phủ các quốc gia trên thế giới đang buộc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn giữa việc cứu sống nhân mạng hay hạn chế hoạt động kinh tế thì Việt Nam đã có những phản ứng nhanh và mạnh dạn. Các biện pháp ứng phó sớm đã cho thấy hiệu quả rất cao đến thời điểm này”.

Bà Stefanie Stallmeister, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhận định như vậy. Bà cũng khuyến nghị Việt Nam nên tìm hướng thay thế cho những động lực tăng trưởng truyền thống khi sức cầu ở nước ngoài và tiêu dùng ở trong nước đang yếu dần đi.

Theo đó, có thể thận trọng mở cửa biên giới và triển khai gói kích thích tài khóa quy mô; đồng thời, hỗ trợ đúng đối tượng cho những doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất….

Kiểm tra dự trữ hàng hóa tại Công ty AEON Việt Nam, chi nhánh Hà Đông. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN

Có thể thấy rõ, mặc dù đã hơn 1 tháng tái dịch COVID-19 nhưng nền kinh tế cả nước chưa cho thấy nhiều dấu hiệu bị xáo trộn. Ở Thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh… vẫn chứng kiến cảnh đường sá tấp nập, công trình xây dựng sôi động, các cửa hàng, siêu thị vẫn mở cửa phục vụ.

Cuộc sống quen thuộc vẫn diễn ra hàng ngày như vốn có để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của người dân… Tất cả nhờ vào những nỗ lực của Chính phủ, người dân trong việc kiểm soát nguồn lây nhiễm, kiềm chế dịch và tránh tổn thất về con người.

Quan trọng hơn là ý thức công dân đã có sự thay đổi rõ rệt trong việc sử dụng các biện pháp phòng vệ, chống nguy cơ lây nhiễm; biết tận dụng công nghệ và các giải pháp phần mềm cảnh báo rủi ro; đồng thời, khắc phục tình trạng sợ hãi, bị ảnh hưởng vì nhiễu loạn thông tin dẫn tới ồ ạt mua sắm, tích trữ… gây náo loạn thị trường. Dường như, phần đông người dân đều bắt đầu có tư duy chung sống hòa bình, thích nghi dần với những thói quen đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, nâng cao ý thức cộng đồng…

Đánh giá thực trạng hiện nay của các doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện lần một khiến hầu hết doanh nghiệp trong nước chưa kịp hồi phục, thì đã vội vã tiếp tục “làn sóng” lần hai. Đợt tái dịch này đã có các ca tử vong và số lượng người nhiễm bệnh tăng cao gấp nhiều lần so với đợt dịch trước. Tuy nhiên, không vì thế khiến toàn bộ nền kinh tế nói chung và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng phải đột ngột ngưng lại.

Phải thừa nhận một thực tế là, cơn bão COVID-19 đã khiến giãn cách và làm đứt đoạn các chuỗi cung ứng, nguyên liệu đầu vào và các ngành đang bị “ngấm đòn” nặng nề nhất hiện nay đang là dệt may, da giày và những ngành thâm dụng nhiều lao động. Nhiều doanh nghiệp cũng đang lâm vào tình cảnh thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh; gánh nặng chi trả tiền lương cán bộ công nhân viên và cũng thiếu một số điều kiện nhất định để tiếp cận các gói hỗ trợ giải cứu của Chính phủ để thoát khỏi giai đoạn khó khăn hiện nay, ông Phòng nhấn mạnh.

Là một trong những hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, bà Đào Thị Thu Huyền, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết: “Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu. Kinh tế thế giới sẽ tiếp tục suy thoái nên chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục đứt gãy, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh ở các thị trường. Các doanh nghiệp chúng tôi thực sự đang phải gồng mình để người lao động không phải nghỉ việc cho dù dịch bệnh chưa biết kéo dài đến khi nào”.

Nhìn ở góc độ lạc quan, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, dịch COVID-19 đang đem lại một cơ hội để hướng tới phát triển nền kinh tế “không tiếp xúc” thông qua việc đẩy mạnh thanh toán công nghệ số, giáo dục trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa hay chia sẻ dữ liệu số hóa… Điều đó được hiểu, mặc nhiên, nền kinh tế sẽ tự chuyển đổi số một cách vô điều kiện và các doanh nghiệp cũng sẽ phải tự động chuyển đổi số để thích ứng với tình hình mới nếu muốn gia tăng năng lực cạnh tranh để duy trì sự sống còn và vị thế của mình trên thương trường.

Là người tích cực thúc đẩy chủ trương số hóa nền kinh tế của Chính phủ, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết: “Những tháng ngày COVID đã cho chúng ta thấy không gian trực tuyến rất quan trọng: Từ làm việc trực tuyến, học trực tuyến, họp trực tuyến, mua hàng trực tuyến đến thanh toán trực tuyến… COVID-19 cũng đang đòi hỏi chúng ta phải phát triển sáng tạo hơn nhưng cũng phải nhân văn hơn, bao trùm hơn. Chuyển đổi số là cuộc cách mạng tiếp theo của nhân loại hướng tới mục tiêu này”.

Trước những thách thức của đợt tái dịch, ông Lộc cho rằng, chuyển đổi số thành công hay thất bại không phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu là quyết tâm chính trị và thể chế quốc gia. Chính phủ nên tạo ra hệ thống thể chế hiện đại với các quy định pháp luật phù hợp, cơ sở hạ tầng đồng bộ, cung ứng nguồn nhân lực dồi dào có kỹ năng, để tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số. Đó là những tư duy mới rất cần niềm tin và quyết tâm cao để thực hiện.

Riêng với các doanh nghiệp, ông Lộc cho rằng, không thể là lúc nào khác mà ngay thời điểm này doanh nghiệp cần phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm.

Tư duy “sợ mất mát, ngại thay đổi” chính là rào cản lớn nhất cho sự chuyển đổi số của doanh nghiệp. Ở thời điểm khó khăn và trước những thách thức của dịch bệnh, vẫn còn không ít doanh nghiệp rất thờ ơ với kỹ thuật số và coi chuyển đổi số chỉ là phương tiện để giới thiệu hay là chi phí phải gánh chịu chứ không phải khoản đầu tư quan trọng hàng đầu để nâng cao lợi thế cạnh tranh.

“Do đó, để tồn tại và đứng vững trong lúc này, hãy chủ động và nắm lấy cơ hội thay đổi”, ông Lộc đề nghị.

NGỌC QUỲNH (TTXVN)

Theo link gốc: https://baotintuc.vn/kinh-te/chu-dong-va-nam-lay-co-hoi-thay-doi-20200816100110805.htm



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 26/11/2024