ISSN-2815-5823
MINH THÀNH
Thứ hai, 08h00 24/07/2023

Cơ hội vàng cho hạt gạo Việt Nam

(KDPT) - Sau khi Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng đây là thời điểm tốt để xuất khẩu gạo của Việt Nam bứt phá. Giáo sư Võ Tòng Xuân - nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam, "cha đẻ" nhiều giống lúa ngon của vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long - cho rằng nửa cuối năm sẽ là thời cơ "vàng" để gạo Việt bứt phá.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tuần này đã lên mức cao nhất 10 năm trở lại đây.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã lên mức cao nhất 10 năm trở lại đây.

Trong năm 2022, Ấn Độ xuất khẩu được 22,2 triệu tấn gạo – tương đương 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu; lượng gạo xuất khẩu của nước này nhiều hơn tổng xuất khẩu của 4 nước xuất khẩu gạo lớn tiếp theo cộng lại (Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Hoa Kỳ). Trong đó, các loại gạo tẻ chiếm hơn 80% tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ.

Do đó việc Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ là cơ hội “vàng” cho các quốc gia xuất khẩu gạo khác như Việt Nam tăng tốc chiếm lĩnh thị phần tại các thị trường mà gạo Ấn Độ đang chi phối. Những khách hàng chính đang mua gạo tẻ của Ấn Độ gồm: Benin, Bangladesh, Angola, Cameroon, Djibouti, Guinea, Bờ Biển Ngà, Kenya và Nepal.

Theo GS Võ Tòng Xuân, lệnh cấm xuất khẩu đột ngột của Ấn Độ sẽ gây tổn thương lớn cho các nước nhập khẩu vì họ không thể tìm kiếm các lô hàng gạo thay thế từ các nước có nguồn cung nhỏ lẻ. Do đó, thị trường Việt Nam và Thái Lan sẽ là điểm đến cho các nhà nhập khẩu. Ông dự báo kim ngạch xuất khẩu nửa cuối năm của Việt Nam có thể tăng đột biến.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho hay Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo là cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu gạo. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này làm điểm cung ứng gạo bền vững cho thị trường lương thực quốc tế.

Chính phủ Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tẻ thường (non-basmati) sau khi giá gạo bán lẻ tăng 3% trong một tháng ở nước này do mưa gió kéo dài, gây thiệt hại đáng kể cho mùa màng.

Nửa đầu năm, giá gạo xuất khẩu bình quân tăng 11% lên 539 USD một tấn. Sau lệnh cấm này, GS Xuân cho rằng giá gạo có thể lên tới 600 USD, với giống ngon chất lượng cao có thể lên tới giá bình quân 700 USD một tấn.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nửa đầu năm nay đã đạt 4,2 triệu tấn, trị giá 2,25 tỷ USD, tăng 21,3% về lượng và 32,2% về kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu gạo đến nhiều thị trường truyền thống lẫn thị trường mới ghi nhận mức tăng ấn tượng, như Angola (tăng 600%), Indonesia (tăng 1.500%), Trung Quốc (tăng 71%)…

Đồng thời, giá gạo trên thị trường quốc tế được nhận định sẽ tiếp tục tăng lên và neo ở mức cao trong khoảng thời gian dài, ít nhất cho đến khi Ấn Độ khôi phục lại hoạt động xuất khẩu gạo. Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong tháng 6 vừa qua đạt 552 USD/tấn, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo đánh giá của một số thương nhân kinh doanh gạo quốc tế, các khách hàng có thể chuyển sang mua gạo 5% tấm của Thái Lan và Việt Nam thay vì mua gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ. Các thương nhân này cho rằng Trung Quốc và Philippines, những quốc gia thường nhập khẩu gạo Việt Nam và Thái Lan, rất có thể sẽ buộc phải mua gạo với giá cao hơn đáng kể và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan có thể lên tới 600 USD/tấn. Với những giống gạo chất lượng cao, giá gạo xuất khẩu có thể lên tới trung bình 700 USD/tấn.

Được đánh giá khá nhiều thuận lợi, nhưng theo ông Thuận, gạo Việt vẫn còn nhiều thách thức về mặt chất lượng và quy mô nhỏ lẻ. Trong đó, người dân chưa tiếp cận giống chất lượng cao nên năng suất lúa chưa đạt mức tối ưu. Kỹ thuật canh tác và chăm sóc của nông dân hạn chế nên khi gieo trồng tốn giống, sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng chất lượng và có hại cho môi trường. Ngoài ra, năng lực điều hành quy mô lớn của ngành gạo Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Để bỏ lại thách thức phía sau và nắm bắt cơ hội này, theo ông Thuận, gạo Việt Nam cần nâng cao chất lượng, tăng truy xuất được nguồn gốc để tạo lòng tin với người tiêu dùng và cơ quan quản lý; bảo vệ môi trường để sản xuất bền vững; liên kết chặt các khâu trong chuỗi sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí giá thành.

Còn theo GS Võ Tòng Xuân, cùng với việc các doanh nghiệp chủ động xây vùng nguyên liệu, Nhà nước cũng cần có những hành động cụ thể trong quy hoạch vùng trồng, giám sát vùng trồng và tạo các hành lang pháp lý thuận lợi.

Ngay lúc này, để có được sản lượng gạo lớn cho xuất khẩu, các doanh nghiệp cần liên kết hợp tác lâu dài với các đơn vị thu mua, nông dân cam kết quyền lợi cho họ, đồng thời, đặt hàng họ theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp. Với các đối tác nhập khẩu, doanh nghiệp nên đề nghị họ ký hợp đồng bán dài hạn để đảm bảo hoạt động xuất khẩu ổn định, nông dân yên tâm sản xuất.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024