ISSN-2815-5823
Huyền Ngọc
Thứ năm, 06h00 29/02/2024
API

Cuộc đua “đốt tiền” của ví điện tử chưa đi đến hồi kết

(KDPT) - Thị trường ví điện tử tại Việt Nam ngày càng trở nên nhộn nhịp khi dự báo đến cuối năm 2024, sẽ có khoảng 50 triệu ví điện tử hoạt động trong nước, tăng gần 40% so với năm ngoái. Trước bối cảnh này, các “ông lớn” vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn “đốt tiền”.

Theo Luật Ngân hàng Nhà nước 2010, ví điện tử có thể hiểu là một trong các dịch vụ trung gian thanh toán, bên cạnh những dịch vụ khác như cổng thanh toán, chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, hỗ trợ thu hộ - chi hộ. Số lượng ví điện tử đang tăng khá nhanh nhờ duy trì đà tăng trưởng tốt trong thời gian qua.

Bối cảnh thị trường trong nước

Dù vậy, nhưng các ví điện tử quen thuộc tại thị trường Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức giữ chân khách hàng trung thành. Để khách hàng tiếp tục sử dụng ví, các công ty không ngừng rót tiền vào những chương trình khuyến mãi. Đây cũng là một trong các lý do khiến cho lợi nhuận âm.

Công nghệ và kinh tế số bùng nổ đã thúc đẩy thanh toán số và vai trò của các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán phi ngân hàng (IPS) tại Việt Nam.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, có khoảng 100 doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) đang hoạt động trên thị trường, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng…

Số lượng ví điện tử đang hoạt động tại Việt Nam có thể đạt 50 triệu ví.

Tính đến cuối tháng 12/2023, 51 tổ chức không phải là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Trong đó, có 1 tổ chức dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử; 49 tổ chức, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử; 49 tổ chức, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ; 14 tổ chức và dịch vụ ví điện tử.

Ngân hàng Nhà nước công bố số liệu đến cuối năm 2023, số lượng ví điện tử đang hoạt động tại Việt Nam là 36,23 triệu ví (chiếm 63,23% trong tổng số gần 57,31 triệu ví điện tử đã được kích hoạt), tổng số tiền trên các ví này là gần 2,96 nghìn tỷ đồng.

Theo Báo cáo về thị trường dịch vụ trung gian thanh toán của FiinGroup, khối lượng giao dịch qua ví điện tử tại Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 83,5% trong giai đoạn 2018-2023.

Đơn vị này dự báo đến cuối năm nay, số lượng ví điện tử đang hoạt động có thể đạt 50 triệu ví.

Từ số liệu này có thể phản ánh sức hấp dẫn của thị trường trung gian thanh toán tại Việt Nam trước những sáng kiến của Chính phủ nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện.

FiinGroup cho biết, dù đang tăng trưởng ấn tượng nhưng các bên trung gian thanh toán vẫn đang trong quá trình “đốt tiền” để chiếm thị phần và giữ khách hàng. Lý do chính khiến nhiều người thích dùng ví điện tử để thanh toán là những khoản giảm giá và phiếu thưởng mà họ nhận được.

Lợi nhuận ròng năm 2022 của các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán lớn tại Việt Nam.

Người dùng có xu hướng sử dụng hết các chương trình khuyến mãi, sau đó lại chuyển sang nhà cung cấp khác có khuyến mãi tốt hơn. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực quảng bá liên tục của các ví điện tử và cổng thanh toán nhưng lại gây ra gánh nặng về chi phí lớn cho các công ty này. Vì vậy, các “ông lớn” trong ngành với cơ sở hàng triệu người dùng như Momo hay ShopPay tiếp tục chịu lỗ lớn, bất chấp doanh thuần thu tăng liên tục.

Cuộc đua “đốt tiền” không loại trừ ai

Theo FiinGroup, thị trường ví điện tử Việt Nam đang dưới sự thống trị của 3 ông lớn là Momo, VNPay và ShopeePay.

Ví điện tử hàng đầu Momo vẫn thể hiện tham vọng trở thành siêu ứng dụng bằng việc chủ động đa dạng hóa đối tác liên kết và dòng dịch vụ thông qua M&A và đầu tư vào những công ty khởi nghiệp hoặc công ty khác. Vừa qua, Momo đã mua lại Công ty chứng khoán CV (CVS) nhằm lấn sân sang lĩnh vực đầu tư.

Trong khi đó, ShopeePay đang khai thác thế mạnh hợp tác thương mại điện tử, còn VNPay lại tập trung vào thế mạnh cốt lõi là cổng thanh toán tại những cửa hàng bán lẻ địa phương cùng mạng lưới đối tác trên toàn quốc.

Với các công ty nhỏ hơn đã có giấy phép nhưng phải đối diện với thách thức về hiệu quả hoạt động. Mặt khác, tình hình này lại tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu và rót vốn vào thị trường dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam.

Về dài hạn, các công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử sẽ chuyển trọng tâm từ khuyến mãi sang cải tiến công nghệ, xây dựng hệ sinh thái toàn diện nhằm tăng cường trải nghiệm khách hàng, đa dạng hóa doanh thu thông qua những dịch vụ tài chính bổ sung. Bên cạnh đó, không ít đơn vị đã thể hiện sự quan tâm tới lĩnh vực cho vay trực tuyến.

Các ví điện tử sẽ chuyển sang phát triển công nghệ thay vì "đốt tiền" vào khuyến mãi.

Tuy nhiên, hiện nay pháp luật Việt Nam cấm các tổ chức phi ngân hàng trực tiếp cho vay. Vì vậy, các công ty này đang tích cực thỏa thuận hợp tác với ngân hàng thương mại hoặc công ty tài chính (FinCos) để tạo điều kiện cho những khoản vay tiêu dùng trên nền tảng của họ.

Các chuyên gia cho rằng, quy định hiện hành không cho thấy hạn chế nào về quyền sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Đây là một yếu tố thuận lợi mở ra cơ hội gia nhập thị trường tiềm năng này đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Song, trở ngại lớn nhất của việc thành lập một công ty trung gian thanh toán 100% vốn nước ngoài là vấn đề thủ tục cấp phép kéo dài, thách thức trong việc xây dựng mối liên hệ với các ngân hàng nội địa.

Các nhà đầu tư nước ngoài nên chọn một cách tiếp cận phù hợp hơn như mua cổ phần của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã hoạt động lâu năm, có cơ sở người dùng, đã kết nối với ngân hàng.

Theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, nhìn vào kết quả hoạt động của ví điện tử trong nước, thấy rằng các ví này vẫn đang chấp nhận lỗ lớn để thu hút người dùng và sẽ cần thêm thời gian để cấu trúc lại mô hình hoạt động, ứng dụng công nghệ tốt hơn, đẩy mạnh hợp tác ngân hàng, fintech và ví khác để nâng cao hiệu quả, trải nghiệm khách hàng./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024