ISSN-2815-5823

Đầu tư chứng chỉ quỹ: Cân bằng giữa cơ hội và rủi ro

(KDPT) - Hiện nay, ngày càng có nhiều nhà đầu tư chọn thêm chứng chỉ quỹ như một cách giúp cân bằng giữa cơ hội và rủi ro.

Cân bằng giữa cơ hội và rủi ro

Mặc dù phần lớn nhà đầu tư tại Việt Nam đang lựa chọn hình thức tự đầu tư chứng khoán, nhưng gần đây ngày càng có nhiều nhà đầu tư chọn thêm chứng chỉ quỹ như một cách giúp cân bằng giữa cơ hội và rủi ro.

Từ đầu năm 2023, chị Mai Hương (Hà Nội) đã bắt đầu làm quen với chứng chỉ quỹ, trong ngân sách dành cho hoạt động đầu tư của mình, Chị Hương dành khoảng 500 triệu đồng để “rót” vào chứng chỉ quỹ. Trong năm 2023 vừa qua, đa phần các quỹ đều ghi nhận hiệu suất đầu tư khá tốt so với thị trường. 

Theo đó, sau khi trừ các phí quản lý, lợi nhuận mà nhà đầu tư này thu về thông qua chứng chỉ quỹ đạt khoảng 26%, cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân của thị trường thời điểm đó (VN-Index tăng hơn 12% trong năm 2023), đồng thời cao hơn khoảng 5 lần so với lãi suất tiết kiệm 12 tháng.

So với đầu tư trực tiếp trên thị trường chứng khoán, đầu tư qua quỹ có ít rủi ro hơn. (Ảnh minh họa)
So với đầu tư trực tiếp trên thị trường chứng khoán, đầu tư qua quỹ có ít rủi ro hơn. (Ảnh minh họa)

Với kinh nghiệm gần 10 năm tham gia thị trường chứng khoán, chị Mai Hương chia sẻ, chị thích đầu tư cổ phiếu trên sàn hơn vì có thể cảm nhận biến động lên xuống của thị trường trong từng phiên và từng giai đoạn, cộng thêm việc tự đầu tư cho mức lợi nhuận cao hơn so với chứng chỉ quỹ. 

Tuy nhiên, nếu quyết định mua/bán sai thời điểm, nhà đầu tư có thể chuyển từ trạng lãi thành lỗ. Theo chị Hương, việc chia một phần khoản đầu tư để mua chứng chỉ quỹ cũng là chia cơ hội đầu tư, thay vì gửi tiết kiệm với lãi suất 4-5%/năm, thì hiệu suất của các quỹ dự kiến đạt tối thiểu 10%. Chưa kể, theo kỳ vọng của nhiều quỹ, hiệu suất đầu tư có thể đạt khoảng 20% trong năm 2024.

Nhà đầu tư này cho biết thêm, khi lựa chọn chứng chỉ quỹ, chị ưu tiên các quỹ có uy tín trên thị trường. Xác định hiệu quả đầu tư của các quỹ sẽ phụ thuộc vào diễn biến của thị trường chứng khoán, vì thế việc đầu tư chứng chỉ quỹ vẫn có những rủi ro nhất định. Thế nhưng chị Hương kỳ vọng mức rủi ro sẽ ở mức trung bình và thấp hơn so với biến động chung của thị trường.

Ngoài ra, một cơ sở nữa để chị Mai Hương đặt niềm tin vào chứng chỉ quỹ là theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, một cổ phiếu không chiếm quá 20% giá trị quỹ, vì thế rủi ro được phân tán. Bên cạnh các quy định về cấp phép thành lập còn có thêm các yêu cầu hạn chế về đầu tư nhằm giảm thiểu rủi ro. Tiền của quỹ cũng phải để ở ngân hàng giám sát uy tín và hoàn toàn độc lập với công ty quản lý quỹ. Ngân hàng vừa giám sát vừa lưu ký, có nghĩa là giữ tiền và giám sát hoạt động đầu tư của quỹ có đúng với quy định và điều lệ công ty hay không.

Tuy vậy, với nhiều nhà đầu tư, việc đầu tư qua chứng chỉ quỹ vẫn là câu chuyện xa vời. Nhìn vào số lượng tài khoản chứng khoán và tài khoản chứng chỉ quỹ, có thể thấy phần lớn nhà đầu tư cá nhân đều đang chọn tự đầu tư, thay vì đầu tư thông qua các quỹ. Cụ thể, tính đến cuối tháng 2/2024, số lượng tài khoản chứng chỉ quỹ mở mới chỉ đạt con số hơn 1,3 triệu tài khoản, trong khi số tài khoản chứng khoán đạt tới 7,485 triệu tài khoản.

Cũng theo chị Mai Hương, việc chuyển một phần nguồn vốn vào kênh chứng chỉ quỹ không có nghĩa là chị không đầu tư chứng khoán, việc chia đều vào các khoản đầu tư giúp chị cân bằng giữa cơ hội và rủi ro. Nhà đầu tư này cho rằng, việc lựa chọn đầu tư vào chứng chỉ quỹ hay mua trực tiếp chứng khoán trên sàn phụ thuộc vào độ trình độ hiểu biết thị trường, kinh nghiệm đầu tư, thời gian cũng như khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư.

Ngày càng có nhiều nhà đầu tư lựa chọn thêm chứng chỉ quỹ như một cách để cân bằng giữa cơ hội và rủi ro. (Ảnh minh họa)
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư lựa chọn thêm chứng chỉ quỹ như một cách để cân bằng giữa cơ hội và rủi ro. (Ảnh minh họa)

“Cân đo” cơ hội và rủi ro

Về bản chất, chứng chỉ quỹ cũng là một loại chứng khoán (xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư với một phần vốn góp của quỹ, hay là quyền sở hữu với 1 phần của các tài sản nắm giữ bởi quỹ), nhưng thay vì mua từng chứng khoán riêng lẻ, thì nhà đầu tư góp tiền vào quỹ để công ty quản lý quỹ mua một danh mục chứng khoán và nhà đầu tư được sở hữu một phần của danh mục đó.

Có thể nói, việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ là một giải pháp dành cho người không có thời gian cũng như không có nhiều kiến thức về đầu tư chứng khoán, hạn chế rủi ro hơn so với tự đầu tư, bởi các quỹ đầu tư chứng khoán được điều hành bởi những công ty quản lý quỹ với nhiều chuyên gia có kinh nghiệm phân tích, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tuy hiệu suất đầu tư không phải lúc nào cũng tốt, các quỹ đầu tư chứng khoán trên thị trường Việt Nam đều có hiệu suất tốt hơn hẳn so với lãi suất suất gửi tiết kiệm.

Các chứng chỉ quỹ thường duy trì tỷ lệ cổ phiếu ở mức cao trong một thời gian dài. Do đó, có những thời điểm khi thị trường biến động sẽ chịu ảnh hưởng ngắn hạn. Trong khi những nhà đầu tư cá nhân và cả tổ chức không chuyên trên thị trường chứng khoán Việt Nam đa phần có tâm lý ngắn hạn, phản ứng mau lẹ nên khi thị trường thăng hoa, họ dễ có kết quả đầu tư vượt trội hiệu suất của các quỹ đầu tư. Điều này khiến nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam thích tự đầu tư trực tiếp hơn.

Theo bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Quản lý tài sản, Khối trong nước, Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, so với đầu tư chứng khoán, đầu tư vào quỹ mở có thể mức sinh lời thấp hơn, nhưng ngược lại an tâm hơn về hiệu quả lâu dài cũng như những rủi ro khác như thanh khoản hay mất vốn nhờ có danh mục đầu tư đa dạng.

Còn theo ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Kim Group cho rằng, đa phần nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán hiện nay là nhà đầu tư không chuyên. Khi thị trường tăng trưởng, nhà đầu tư nào cũng có lãi, nhưng khi thị trường chuyển sang đi xuống thì phần lớn lãi đó đều trả lại thị trường, thậm chí còn chịu thua lỗ lớn.

Vị chuyên gia cho biết thêm, nhà đầu tư cá nhân (kể cả tổ chức, công ty không chuyên về đầu tư chứng khoán) thường không có sự hiểu biết về cách vận hành của nền kinh tế, thị trường, các chu kỳ tín dụng, lãi suất và thông tin thu thập để đánh giá thường thiếu, không đủ để đưa ra quyết định đầu tư. Trong khi các quỹ đầu tư thường hướng tới một mục tiêu dài hơn, các cổ phiếu trong danh mục được lựa chọn và phân tích kỹ càng cũng như có những quy trình, tiêu chí đầu tư chặt chẽ để ra quyết định và không bị ảnh hưởng bởi những biến động ngắn hạn.

Theo ông Trung, danh mục của các quỹ thường có khả năng chống chọi khá tốt trong các giai đoạn đi xuống của thị trường và hiệu suất sinh lời trung bình hơn 20%/năm. Đương nhiên cũng có nhiều nhà đầu tư cá nhân đạt được hiệu suất đầu tư tốt, trung bình tới 30-40%/năm, nhưng chỉ số ít nhà đầu tư làm được điều này và họ gần như xác định đầu tư là một nghề nghiêm túc và quyết tâm theo đuổi.

Danh mục của các quỹ thường có khả năng chống chọi khá tốt trong những giai đoạn thị trường đi xuống. (Ảnh minh họa)
Danh mục của các quỹ thường có khả năng chống chọi khá tốt trong những giai đoạn thị trường đi xuống. (Ảnh minh họa)

Một nghiên cứu của TS. Devmali Perera và TS. Lê Hồng Hạnh đến từ Đại học RMIT Việt Nam cho biết, dịch vụ quản lý tài sản tại Việt Nam có dư địa tăng trưởng lớn khi hiện đang có các nền tảng tích cực. Dự báo, quy mô của thị trường này sẽ đạt khoảng 600 tỷ USD vào năm 2027.

Trên thị trường Việt Nam hiện có khoảng 43 công ty quản lý quỹ được cấp phép với 107 quỹ đang hoạt động với tổng giá trị tài sản quản lý tính đến thời điểm cuối năm 2023 ước tính đạt 639.000 tỷ đồng. Đây là giá trị không nhỏ, nhưng quy mô thị trường này tại Việt Nam mới chỉ chiếm xấp xỉ 5% GDP, con số này khiêm tốn so với mức 38% tại Thái Lan hay 50% của Malaysia. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều nút thắt chính sách. Nếu được khơi thông, đây cũng chính là dư địa lớn để ngành quỹ “chinh chiến”. Bên cạnh đó, chính các thành viên ngành quỹ cũng phải tự chuyển mình để thích ứng trong bối cảnh mới.

Đơn cử, Dragon Capital cho biết, tệp khách hàng của công ty quản lý quỹ này ngày càng trẻ hơn, chủ động hơn và cũng có yêu cầu cao hơn nhiều. Hay các yếu tố ESG ngày càng chiếm ưu thế trong khẩu vị của dòng vốn ngoại vốn được mong đợi sẽ chảy mạnh vào khi thị trường Việt Nam có dấu hiệu nâng hạng rõ ràng hơn./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024