ISSN-2815-5823

Doanh nghiệp cần chủ động trong phòng vệ thương mại

(KDPT) - Nguy cơ về kiện phòng vệ thương mại (PVTM) đang gia tăng dưới tác động của nhiều yếu tố. Do đó, doanh nghiệp (DN) cần có sự chủ động tránh "nước đến chân mới nhảy". Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các DN chuẩn bị sẵn sàng năng lực ứng phó, tinh nhạy hơn, có cạnh tranh tốt hơn và mang lại lợi nhuận cho người lao động và nền kinh tế.
Thép là một trong những ngành hàng bị nhiều nước áp dụng biện pháp tự vệ.
Thép là một trong những ngành hàng bị nhiều nước áp dụng biện pháp tự vệ.

Xu hướng gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại

Qua các vụ việc điều tra PVTM thời gian qua, một số DN và hiệp hội trong nước bước đầu đã có kinh nghiệm, chủ động nguồn lực để ứng phó với các rủi ro. Tuy nhiên, các DN Việt Nam vẫn đang trong tình trạng đối mặt với một số hạn chế khi bị khởi xướng điều tra từ nước ngoài.

Các chuyên gia cho biết, khi năng lực sản xuất, năng lực xuất khẩu của nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo cam kết trong các FTA, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối diện với nguy cơ lớn hơn bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Cùng với đó, hiện tượng lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng.

Các vụ kiện phòng vệ thương mại thường có chi phí cao và thời gian kéo dài, gây ra tâm lý e ngại cho doanh nghiệp. Thông thường ở các quốc gia, hiệp hội, ngành hàng phải là đơn vị đứng ra làm đầu mối khởi xướng, triển khai và chủ trì các hoạt động liên quan, nhưng hiện nay, các hiệp hội, ngành hàng trong nước ít chú trọng biện pháp này, mà phần lớn là do chính doanh nghiệp tự đề xuất.

Trước thực tế đó, các đơn vị chức năng đã nỗ lực trong hoạt động cảnh báo hành vi lẩn tránh, siết chặt quản lý, giám sát và thẩm tra, song nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ vẫn có xu hướng gia tăng. Nhiều chuyên gia cho rằng, lý do chính khiến cho các vụ, việc phòng vệ thương mại áp dụng với hàng xuất khẩu từ Việt Nam gia tăng là do xuất khẩu của nước ta tăng mạnh trong thời gian qua, nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các FTA. Cùng với đó, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này bị ảnh hưởng, dẫn tới có những ý kiến đề nghị chính phủ của họ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Ngoài ra, một nguyên nhân khác xuất phát từ tác động của đại dịch COVID-19 đến các nền kinh tế, khiến nhiều ngành phải thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân. Điều đó đã khiến thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp buộc các quốc gia đẩy mạnh hơn nữa phòng vệ hàng hóa.

Hiện, hàng hóa Việt Nam đang là đối tượng điều tra phòng vệ thương mại của 4/10 quốc gia thành viên CPTPP, trong đó Nhật Bản, Chile hay New Zealand cũng là những thành viên rất tích cực sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Ngoài ra Hoa Kỳ là quốc gia có số lượng vụ việc liên quan PVTM với doanh nghiệp Việt Nam lớn nhất.

Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 6/2022, các nước đã tiến hành 214 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam. Còn riêng trong 6 tháng đầu năm, đã có 12 vụ việc điều tra mới đối với các sản phẩm sắt thép, tủ gỗ, pin năng lượng mặt trời... (trong đó có 7 vụ việc điều tra chống lẩn tránh). Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như gỗ, cá tra, cá basa, tôm, da giày, dệt may, thép… mà các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ hơn như mật ong, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá... cũng đã bị điều tra phòng vệ thương mại . Hơn nữa, phạm vi điều tra phòng vệ thương mại cũng mở rộng.

Vì vậy, việc nắm rõ quy định phòng vệ thương mại của các nước đóng vai trò quan trọng giúp các doanh nghiệp chủ động theo dõi các nguy cơ, kịp thời có biện pháp ứng phó hiệu quả.

Doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại. Ảnh minh họa.
Doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại. Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp cần chủ động

Trong bối cảnh các nước tăng cường sử dụng các biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, công tác hỗ trợ DN xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài đã được thể chế hóa trong Luật Quản lý ngoại thương và được cụ thể hóa trong một số đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương, Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ, Đề án xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM...

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã đề ra chủ trương chủ động ứng phó và xử lý có hiệu quả các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu; nâng cao năng lực cảnh báo sớm cho nền kinh tế, các ngành sản xuất, xuất khẩu thông qua xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, DN phải là bên chủ động trong vấn đề PVTM.

Bộ Công Thương đã liên tục khuyến nghị các hiệp hội và DN cần chủ động hơn trong phòng tránh. Đồng thời lưu ý, trường hợp bị khởi xướng điều tra, DN cần tham gia vụ việc một cách tích cực, đầy đủ tránh việc bị cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng các dữ liệu sẵn có khi đánh giá, phân tích trong kết luận vụ việc; có thể xem xét sử dụng luật sư tư vấn am hiểu pháp luật phòng vệ thương mại của WTO và nước điều tra (nếu cần); phối hợp với hiệp hội, các DN xuất khẩu khác để cùng xử lý; trao đổi với Cục Phòng vệ thương mại để thống nhất nội dung trả lời trong vụ việc điều tra chống trợ cấp hoặc vấn đề "thị trường đặc biệt" trong vụ việc điều tra chống bán phá giá để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.

Về năng lực ứng phó của DN, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, bất cập hiện nay của nhiều DN đó là thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia có những hiểu biết về luật pháp, để có thể theo dõi ứng phó một cách linh hoạt. Ngoài ra, quản trị DN còn yếu kém, nhất là các DN vừa và nhỏ còn chậm chuyển đổi số, chưa áp dụng những phần mềm kế toán tiên tiến đủ độ tin cậy và có tính linh hoạt cao…

Do đó, đối với các hiệp hội, ngành nghề, cần phát huy vai trò cầu nối giữa các DN trong ngành, giữa DN với cơ quan quản lý, đại diện tiếng nói để bảo vệ lợi ích chung của ngành. Với DN, phải luôn theo sát thông tin; thường xuyên trao đổi thông tin với đối tác nhập khẩu, đặc biệt là cả những thông tin về rào cản thương mại có nguy cơ áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu; tìm hiểu kỹ thị trường xuất khẩu, thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo sớm từ Bộ Công Thương. Ngoài ra, DN xuất khẩu cần hoàn thiện hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn mực kế toán quốc tế, quản trị hệ thống sổ sách để đạt hiệu quả kháng kiện cao hơn nữa; phối hợp với Bộ Công Thương trong việc ngăn chặn các hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, xử lý nghiêm minh, triệt để nhằm bảo vệ lợi ích chung của ngành.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong các vụ việc PVTM, các DN Việt Nam rất cần là hỗ trợ về mặt thông tin. Đó là thông tin cảnh báo sớm về các nguy cơ để có sự chuẩn bị trong thời gian tốt nhất. Đơn cử như ở Hoa Kỳ chỉ có 20 ngày để cơ quan điều tra là Bộ Thương mại Hoa Kỳ quyết định có khởi xướng vụ kiện hay không và đó cũng là khoảng thời gian để tự bảo vệ, chứng minh là không có thiệt hại. Ngoài ra, khi vụ kiện xảy ra cần phải có thông tin diễn biến về vụ việc từ Cục PVTM để DN không bỏ sót thông tin quan trọng.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 15/01/2025