ISSN-2815-5823
TRÂN TRÂN
Thứ sáu, 11h09 17/02/2023

Doanh nghiệp đã sẵn sàng cho sự chuyển đổi lên môi trường số

(KDPT) - Ngày 16/2 tại Hà Nội, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2022: Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo công bố, Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho rằng: “Năm 2022, những tác động sau dịch COVID-19 và diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Tính tất yếu của xu hướng chuyển đổi số đã được nhiều doanh nghiệp nhìn nhận và tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, giúp doanh nghiệp thích ứng, và thậm chí tăng tốc trong giai đoạn khó khăn chưa từng có tiền lệ vừa qua.

Nhiều nghiên cứu và bài học thực tiễn đã chứng minh những doanh nghiệp biết áp dụng công nghệ tiên tiến sớm hơn có cơ hội tạo ra những bước tiến lớn hơn, bắt kịp với xu hướng phát triển và tạo thêm nhiều giá trị mới, tạo khoảng cách ngày càng xa với các doanh nghiệp chưa chuyển đổi. "Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2022 nhằm nâng cao nhận thức chung về một số xu hướng công nghệ trên thế giới, hiểu được thực trạng, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, cũng như học hỏi từ những câu chuyện về chuyển đổi số sẽ giúp mỗi doanh nghiệp xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp của riêng mình, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”. Bà Hương nhấn mạnh.

Báo cáo cung cấp bức tranh tổng thể và cập nhật về tình hình và xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và tại Việt Nam, phân tích mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp và đưa ra những góc nhìn chuyên gia với một số bài học thành công của một số doanh nghiệp điển hình tiến hành chuyển đổi số thành công.

Báo cáo được dựa trên kết quả khảo sát kết thúc năm 2022 đối với 1.000 doanh nghiệp trên cả nước đến từ nhiều lĩnh vực như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; khai khoáng; bán buôn và bán lẻ; Giáo dục đào tạo; Bất động sản… Trong đó, phần lớn là doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp và trên 80% doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; chỉ 12,6% là doanh nghiệp lớn.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, 48,8% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã từng sử dụng một giải pháp chuyển đổi số nhưng hiện tại không còn sử dụng do giải pháp chưa phù hợp, hoặc hiện tại doanh nghiệp không còn nhu cầu sử dụng.

Nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt Nam chưa xác định được mục tiêu chuyển đổi số đúng đắn, cũng như thiếu nhân sự phục vụ chuyển đổi số cả về lượng và chất.Bên cạnh đó, 35,3% đã số hóa dữ liệu, quy trình (chủ yếu là đưa dữ liệu, văn bản, giấy tờ từ “bản cứng” thàn “bản mềm” để lưu trữ trên hệ thống); Chỉ 2,2% doanh nghiệp đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, tự động hóa để đưa ra các quyết định trong sản xuất kinh doanh, cho dù một số vẫn gặp khó khăn trong quá trình sử dụng công nghệ.

Một số nghiệp vụ được doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số nhiều là: Quản lý xe, vận chuyển hàng hóa; kế toán; bán hàng trên thương mại điện tử…

Về đầu tư cho chuyển đổi số, báo cáo cho biết chưa đến 40% doanh nghiệp có ngân sách để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số từ mức trung bình đến đầy đủ; 43,3% doanh nghiệp có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Lo ngại hơn, có hơn 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số.

Trên thực tế việc thiếu ngân sách dành cho chuyển đổi số cũng là thách thức phổ biến tại các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tại báo cáo cho thấy, nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là ngành mà các doanh nghiệp có mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tương đối tốt. Bởi, doanh nghiệp ngành này thường có nhiều bên tham gia vào chuỗi cung ứng. Việc áp dụng các công nghệ mới (tự động hóa, IoT...) đi kèm với mô hình kinh doanh mới (sàn thương mại điện tử, mô hình kinh doanh dựa trên đầu ra sản xuất...) sẽ thúc đẩy hiệu quả chuỗi cung ứng và tăng cường truyền thông đến với người tiêu dùng cuối cùng. Chính vì vậy, mức độ sẵn sàng về trải nghiệm khách hàng & bán hàng đa kênh; chuỗi cung ứng là khá tốt.

Kết quả khảo sát năm 2022 cho thấy những bước trưởng thành đáng kể của doanh nghiệp so với năm 2021, thể hiện ở số lượng các doanh nghiệp được khảo sát đang tiến hành chuyển đổi số có dấu hiệu gia tăng và nhiều doanh nghiệp cũng đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động này.

Theo đó, các doanh nghiệp đã có bước tiến về áp dụng các công nghệ số trong nghiệp vụ tiếp thị, phân phối, bán hàng đa kênh giúp gia tăng trải nghiệm và chăm sóc khách hàng tốt hơn. Công nghệ số cũng được áp dụng phổ biến hơn trong một số nghiệp vụ như quản lý hàng tồn kho, dây chuyền sản xuất, quản lý mua hàng. Nhiều doanh nghiệp đã số hoá dữ liệu và chuẩn hoá quy trình để tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.

Cùng với đó, mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa) cho thấy doanh nghiệp trong hầu hết các ngành đã sẵn sàng cho sự chuyển đổi lên môi trường số. Tuy nhiên, từng lĩnh vực có mức độ sẵn sàng chuyển đổi số khác nhau đòi hỏi xây dựng lộ trình khéo léo để phù hợp với đặc trưng của từng doanh nghiệp và từng ngành nghề.

Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho rằng, các doanh nghiệp dù có đủ nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số nhưng lại khó có thể tự mình thực hiện quá trình thay đổi mang tính toàn diện này. Vì vậy, việc hỗ trợ, tư vấn về lộ trình chuyển đổi số, hỗ trợ ứng dụng giải pháp chuyển đổi số phù hợp là thực sự cần thiết trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Daniel Fitzpatrick – Giám đốc Dự án USAID LinkSME chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp đã được nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số và hiện đang nỗ lực thực hiện các sáng kiến và chiến lược chuyển đổi số của riêng mình, một số doanh nghiệp nhờ đó mà thực hiện quá trình chuyển đổi số nhanh và hiệu quả hơn các doanh nghiệp khác. Trong bối cảnh đó, nội dung khảo sát – trọng tâm của báo cáo thường niên này thể hiện được tầm quan trọng đối với doanh nghiệp. Dự án USAID LinkSME sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động của Bộ KH&ĐT để đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam. Các hoạt động hỗ trợ này sẽ bao gồm xây dựng thêm một số tài liệu sổ tay hướng dẫn chuyển đổi số, tổ chức tập huấn và cung cấp hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số cho những doanh nghiệp được lựa chọn – tất cả các hoạt động này dự kiến được thực hiện trong nửa đầu năm 2023".



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/12/2024