Doanh nghiệp muốn lên sàn chứng khoán cần minh bạch, chính xác thông tin
Thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả đã giúp thị trường vốn trở nên dần cân bằng hơn trong việc bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch.
Thị trường chứng khoán đang đứng trước những cơ hội lớn, khi kinh tế vĩ mô đang dần ổn định, dư địa cho tăng trưởng rộng mở. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước chủ trương phát triển thị trường chứng khoán công khai, minh bạch, bền vững.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Ông Nguyễn Viết Việt - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam khẳng định, là cơ quan truyền thông chuyên sâu về thị trường chứng khoán, thời gian qua Tạp chí đã nỗ lực đi sâu phân tích thực trạng và tìm các giải pháp để góp phần xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc tổ chức Tọa đàm lần này là hoạt động ngoài mặt báo rất thiết thực của Tạp chí điện tử Kinh tế chứng khoán Việt Nam. Ông Nguyễn Viết Việt kỳ vọng, cuộc Tọa đàm sẽ tìm ra được những giải pháp thiết thực, hiệu quả để từ đó kiến nghị lên các cơ quan quản lý nhằm thu hút các doanh nghiệp có chất lượng tốt lên sàn, từ đó xây dựng thị trường chứng khoán vững mạnh hơn.
Ông Nguyễn Viết Việt - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam phát biểu khai mạc tại tọa đàm |
Luật sư Phan Quốc Huỳnh - Phó Chủ tịch thường trực VASB, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SBS cho biết: "Từ năm 2021 đến nay, tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng biến động “dữ dội” với nhiều sự kiện lớn nảy sinh, gây tác động đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong bối cảnh đó, thời gian qua, số lượng doanh nghiệp mới niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Sự trầm lắng về số lượng "tân binh" trên sàn có nhiều nguyên nhân, đơn cử bản thân doanh nghiệp đang chật vật đối phó với những khó khăn về tài chính".
Bên cạnh đó, các điều kiện lên sàn hiện nay đang được kiểm soát chặt chẽ hơn, đòi hỏi chất lượng của doanh nghiệp phải thuộc dạng tốt, với báo cáo tài chính sạch sẽ, có lợi nhuận tối thiểu 1-2 năm.
Giai đoạn hiện tại, Chính phủ, Nhà nước cũng thực hiện các biện pháp hỗ trợ tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là điều rất tích cực, giúp gia tăng “sức khoẻ” doanh nghiệp, từ đó tạo điều kiện cho việc các doanh nghiệp niêm yết.
Trong buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trung Đức, Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và nhỏ chia sẻ Hiệp hội có hơn 65.000 thành viên, tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết và tiệm cận niêm yết chỉ khoảng hơn 1% doanh nghiệp. Một hạn chế khác là với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, để thoả mãn các điều kiện niêm yết cũng còn nhiều khó khăn.
Đưa ra giải pháp, theo ông Đức, các doanh nghiệp muốn lên sàn trước mắt cần tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, củng cố nội lực và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ hàng hoá. Từ đó, gia tăng được sức mạnh, nguồn lực, thoả mãn tốt các tiêu chuẩn để có thể niêm yết.
Các chuyên gia cùng ngồi bàn luận, đưa ra những giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn trong thời gian tới |
Theo ông Bùi Đình Như, Công ty cổ phần Quản trị và tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam, một thực tế là không ít doanh nghiệp còn chưa nhận thức được các tiêu chí, lộ trình của hoạt động niêm yết. Do đó, để thúc đẩy việc lên sàn của các doanh nghiệp, việc phổ biến các kiến thức này cho doanh nghiệp là cần thiết. Cùng với đó là việc giúp doanh nghiệp nhận nhận thức được lợi ích, thách thức của việc lên sàn, nhằm kích thích nhu cầu niêm yết của doanh nghiệp.
Tiếp đó, cũng cần nâng cao về tính minh bạch và cho các doanh nghiệp hiểu ý nghĩa của sự lành mạnh, lâu dài và bền vững khi phát triển, và nâng cao kiến thức cũng như nắm rõ các bước để đưa doanh nghiệp được lên sàn chứng khoán. Việt Nam đang hướng đến việc nâng cao chất lượng hàng hoá trên sàn và hoàn thiện hành lang pháp lý theo chuẩn quốc tế. Do đó, để có thể lên sàn thành công, bản thân doanh nghiệp phải minh bạch, phải chuẩn ở các khâu. Ông Như nhấn mạnh.