Nhiều DN dẫm vào “vết xe đổ”

Doanh nghiệp Việt cần có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Doanh nghiệp Việt cần có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Điểm lại thông tin, hồi tháng 3 vừa qua cộng đồng DN xuất khẩu xôn xao khi Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đề nghị các cơ quan hữu quan hỗ trợ khẩn cấp để tìm cách giải quyết vụ việc 100 container hạt điều xuất khẩu sang Ý và Thổ Nhĩ Kì của 17 DN chế biến, xuất khẩu điều thuộc Hiệp hội điều Việt Nam có nguy cơ bị lừa đảo và mất hàng. Sự việc xuất phát từ việc thay đổi số Swift. Sau khi ngân hàng của người mua nhận được bộ chứng từ thì họ thông báo người mua không phải khách hàng của họ và đã trả lại bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào và cũng không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam, dù ngân hàng Việt Nam đã gửi rất nhiều điện liên hệ nhưng vẫn không trả lời.

Còn với hồ sơ gửi đến ngân hàng tại Ý thì được thông báo rằng họ đã nhận được bộ chứng từ nhưng là các bản copy không phải bản gốc. Điều này, các DN xuất khẩu điều sang hai thị trường này rất lo lắng vì không biết bộ chứng từ gốc ở đâu. Trong 100 container theo cam kết ban đầu với người mua tại Ý, có 36 container đã được DN xuất đi và thất lạc chứng từ gốc, số còn lại các DN kịp thời ngưng giao dịch sau khi phát hiện có yếu tố lừa đảo. Dựa vào hợp đồng, giá trị 36 container điều này trị giá khoảng 7,025 triệu USD (tương đương 162 tỉ đồng).

Sau đó, các cơ quan của Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương đã vào cuộc hỗ trợ DN, góp phần làm giảm thiệt hại trong vụ việc nêu trên.

Trước vụ việc 36 container hạt điều, đã có nhiều sự việc DN Việt chịu thiệt hại do bị lừa đảo, gian lận thương mại khi làm ăn với các DN nước ngoài.

Cũng trong tháng 3, Thương vụ Việt Nam tại Maroc đã cảnh báo khẩn về việc DN tuyệt đối tránh giao dịch với đối tượng nhập khẩu lừa đảo có tên trực tiếp giao dịch là Khalid, tên Công ty KN Universe Plastic.

Đây là tên mới của Công ty Fisherlab Sarl, có tiền sử lừa đảo đã được cảnh báo từ nhiều năm trước. Một DN xuất khẩu của Việt Nam cho biết đối tượng trên thông báo có người nhà bị Covid-19 sẽ thanh toán sau để câu giờ, đồng thời cấu kết với các đối tượng liên quan thông quan lô hàng nhưng không thanh toán.

Hay mới đây nhất, một DN xuất khẩu thủy sản tại Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi công văn "cầu cứu" đến các cơ quan ngoại giao Việt Nam về việc đối tác ở Sri Lanka lừa đảo chiếm đoạt 2 lô hàng với giá trị tài sản lên đến gần 113.000 USD.

Đối tác tại Sri Lanka là Công ty Northern Star Trading Colombo PVT. Theo hợp đồng ban đầu, điều kiện giao hàng là CIF Colombo (giao hàng tại cảng Colombo), điều kiện thanh toán là D/P 100%; nhờ thu qua ngân hàng, trả ngay khi xuất trình bộ chứng từ.

Theo DN này, sau khi giao hàng và hoàn thành bộ chứng từ của lô hàng đầu tiên, bên mua lấy lý do phí thanh toán D/P qua ngân hàng cao, nên yêu cầu đổi sang phương thức thanh toán chuyển tiền bằng điện (T/T).

Đối tác lấy lý do lô hàng phải được hải quan Colombo kiểm hóa và xin giấy phép nhập khẩu, yêu cầu DN Việt Nam gửi trước 1/3 vận đơn gốc để thực hiện các thủ tục trên và cam kết sau khi xin được giấy phép sẽ thanh toán đầy đủ tiền hàng để phía Việt Nam gửi toàn bộ các chứng từ gốc còn lại.

Tuy nhiên, sau khi DN Việt Nam gửi 1/3 vận đơn gốc của cả 2 lô hàng thì đối tác đã nhận hàng và biến mất.

Các doanh nghiệp nên dựa vào các doanh nghiệp đi trước, các hiệp hội, ngành hàng, chuyên gia giỏi hỗ trợ trong hoạt động xuất khẩu.
Các doanh nghiệp nên dựa vào các doanh nghiệp đi trước, các hiệp hội, ngành hàng, chuyên gia giỏi hỗ trợ trong hoạt động xuất khẩu.

Làm gì để DN tránh bị lừa đảo khi xuất khẩu?

Thời gian qua, DN Việt Nam đã có sự hội nhập sâu rộng với thương mại thế giới. Do đó, những rủi ro cũng sẽ tăng lên. Điều quan trọng là DN cần làm gì để tránh các “bẫy” hay gian lận thương mại.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết: Trước việc nhiều DN xuất khẩu bị lừa đảo tại nước ngoài, Bộ Công Thương và VCCI đã nhiều lần khuyến cáo, thông tin về các thủ đoạn, mánh khóe, khả năng rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu nhưng vẫn có những vụ việc xảy ra. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) Bạch Khánh Nhựt, cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các DN bị lừa là do quá tin tưởng vào công ty môi giới, không kiểm tra thông tin đối tác. Do vậy, bài học rút ra là, vai trò của môi giới là rất quan trọng nhưng DN cần có sự kiểm tra đối tác một cách độc lập. Trong đó, vai trò của các Thương vụ tại nước sở tại là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần cảnh giác với các dấu hiệu bất thường từ đối tác, mặc dù kẻ lừa đảo thường dùng các thủ đoạn rất tinh vi. Đồng thời, các DN nên dùng các phương thức thanh toán an toàn hơn và nên trao đổi thông tin với đồng nghiệp để phát hiện dấu hiệu lừa đảo….

Cùng quan điểm, Tham tán Công sứ Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Italy Nguyễn Đức Thanh cho rằng, DN cần thận trọng khi chọn đối tác, cảnh giác không để bị lừa đảo. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các hoạt động hội thảo, đào tạo nghiệp vụ cho DN bởi “học phí không nhiều nhưng có tác dụng rất tốt để giảm rủi ro”.

Đại diện VCCI cho rằng, muốn kinh doanh quốc tế an toàn, trước tiên DN phải tự hoàn chỉnh mình, có nhân lực tốt, bộ máy tốt, hệ thống quản trị rủi ro tốt. Bên cạnh đó, các DN phải có mạng lưới thông tin, thường xuyên liên hệ với các cơ quan thương vụ Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ, dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp trong sử dụng các dịch vụ pháp lý.

Đứng từ góc độ DN, công tác quản trị rủi ro cũng là yêu cầu cấp thiết, trong bối cảnh các DN đang hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới. Bởi lẽ, hoạt động thương mại quốc tế sẽ không tránh khỏi những rủi ro, trong đó có những hành động lừa đảo chuyên nghiệp, tinh vi. Vì vậy, một trong những biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro là kiểm soát các khâu trong chuỗi logistics, mua bảo hiểm đầy đủ và chủ động thuê tàu. Ngoài ra, các DN cũng nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu và nắm vững nội dung các điều khoản trong hợp đồng, nghĩa vụ của các bên, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường...