ISSN-2815-5823
AN NHIÊN
Thứ tư, 15h19 14/06/2023

Giải pháp nào "gỡ nút thắt" thị trường bất động sản?

(KDPT) - Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc trông chờ vào các chính sách từ phía cơ quan quản lý nhà nước thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động lên kế hoạch ứng phó với tình huống bất ngờ, hoặc các cuộc khủng hoảng chưa dự báo trước.
Thu nhập tăng cũng kích thích nhu cầu mua bất động sản của người dân.

Thị trường bất động sản ngày càng khó khăn

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 được diễn ra trước đó, Tổng Giám đốc TTC Land Võ Quốc Khánh cho rằng, tổng thể bức tranh chung của thị trường vẫn còn khó khăn nhất định do dư địa từ năm 2022 và trước đó, bao gồm quan điểm vận hành ở góc độ quản lý nhà nước và thị trường tài chính, thị trường vốn.

Theo đó, ông Khánh cho rằng, thị trường bất động sản, tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung gặp rất nhiều khó khăn nếu không nói là khủng hoảng từ quý IV/2022, dẫn đến toàn bộ thị trường gần như đóng băng. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ ban hành nhiều chính sách, quy định để tháo gỡ thị trường bất động sản.

“Nhà nước đã có một số động thái quyết liệt để vực dậy ngành bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung. Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cấp chính quyền đã họp để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn. Chúng ta có một chút hy vọng rằng, có thể từ quý III/2023, tình hình dần có những tín hiệu sáng sủa. Tuy nhiên, việc này có độ trễ nên trong năm 2023, góc nhìn của ban điều hành thận trọng, kĩ lưỡng trên quan điểm trụ lại sức nội tại để chuẩn bị bứt phá ở những năm sau”, ông Khánh cho hay.

Cũng chia sẻ về những khó khăn của thị trường bất động sản trong thời gian qua, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 được tổ chức mới đây, chính Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hà Đô Nguyễn Trọng Thông cũng thừa nhận: “Năm 2017, kể từ khi có Nghị định 167, tôi đã nhìn thấy bất động sản Việt Nam sẽ càng ngày càng khan hiếm nguồn cung và càng ngày càng khó khăn. Sắp tới có Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành nhưng chính sách bất động sản thường có độ trễ rất dài, thị trường sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng từ chính sách”.

Ông Thông cũng nhìn nhận, chính sách bất động sản thường có độ trễ rất dài, do đó, đừng hy vọng năm 2024 sau khi một số luật được ban hành sẽ đổi mới thị trường bất động sản ngay lập tức, điều này là không thể.

“Bất động sản sẽ dẫn dắt ngành công nghiệp xây dựng, thị trường chứng khoán, tài chính ngân hàng. Nếu không tháo gỡ được khó khăn cho bất động sản thì các ngành khác cũng gặp khó khăn”, chủ tịch Hà Đô nhấn mạnh.

Làm sao để “tháo gỡ”?

Kể từ giữa tháng 5/2022 đến nay, do nhiều nguyên nhân khách quan như dịch bệnh, chu kỳ tăng trưởng của thị trường, tăng trưởng kinh tế giảm, khó khăn thị trường, hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp... cũng như các vướng mắc về pháp lý trong quá trình triển khai dự án chưa được tháo gỡ một cách triệt để khiến thị trường phải rơi vào trạng thái trầm lắng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc trông chờ vào các chính sách từ phía cơ quan quản lý nhà nước thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động lên kế hoạch ứng phó với tình huống bất ngờ, hoặc các cuộc khủng hoảng chưa dự báo trước.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, chính sách có tác động đáng kể đến thị trường bất động sản và thường có độ trễ khoảng hai quý. Với những chính sách vừa được Chính phủ ban hành, dự báo tín hiệu đảo chiều thị trường bất động sản sẽ xuất hiện vào quý IV/2023 hoặc giữa năm 2024. Trong thời điểm đó, lượng hàng tồn kho trên thị trường dự kiến sẽ giảm mạnh.

Thu nhập tăng cũng kích thích nhu cầu mua bất động sản của người dân.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn.

Tuy nhiên, để thị trường bất động sản tan băng, cần có dòng tiền xuất hiện và mặt bằng giá giảm đủ mức để người mua tin tưởng và chấp nhận. Hiện tại, dòng tiền chưa thể đổ vào các kênh đầu tư như chứng khoán và bất động sản ngay lập tức. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cũng đang chậm, và sự kết hợp giữa tốc độ giải ngân và thu hút vốn FDI sẽ ảnh hưởng đến quá trình đảo chiều của thị trường bất động sản.

Đồng quan điểm, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế ho rằng, muốn thị trường bất động sản “tan băng” thì phải xuất hiện một số cơ hội. Thứ nhất là dòng tiền xuất hiện, thứ hai là mặt bằng giá đã giảm xuống một mức nào đó đủ để người mua tin tưởng và chấp nhận. Còn nếu ai cũng muốn giữ giá cao chờ đợi cơ hội thì từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ khó có chuyển biến.

Về triển vọng nửa cuối năm 2023 và năm 2024, xét trong bối cảnh kinh tế thế giới có sự phục hồi, xuất khẩu ổn định và nền kinh tế thị trường nội địa thuận lợi hơn,… TS. Hiển cho rằng, kịch bản thị trường bất động sản tan băng là khá rõ nhưng sẽ tập trung ở khu vực dân cư đô thị, vùng có thể đầu tư khai thác được. Lúc này, mặt bằng giá sẽ giảm hoặc đi ngang chứ không có chuyện tăng.

“Năm 2024, dòng tiền đầu tư bất động sản sẽ rõ ràng hơn, tức là người ta sẽ xuống tiền mua bán ở những nơi đã thấy rõ tiềm năng và có thể khai thác được chứ không mua bán ồ ạt từ thành thị đến thôn quê hẻo lánh như trước đây”, TS. Hiển nhận định.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 16/05/2024