Tạo đột phá trong hoạt động thương mại hóa các nghiên cứu khoa học công nghệLấy lĩnh vực khoa học công nghệ làm mũi nhọn hướng đến phát triển ngành nông nghiệpĐổi mới sáng tạo toàn diện, tạo đột phá trong tư duy chuyển đổi khoa học, công nghệ

Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiều sản phẩm chất lượng mang lại nguồn thu lớn cho đất nước. Những năm gần đây, Nhà nước đã quan tâm đến phát triển khoa học và công nghệ thông qua các chính sách nhằm thu hút nhân tài, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế vẫn còn tồn tại một số bất cập của chính sách như cơ chế quản lý và thanh quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, cơ chế xử lý tài sản sau khi kết thúc nhiệm vụ… cần phải được tháo gỡ kịp thời để khuyến khích và tạo động lực cho các nhà khoa học cống hiến cho sự nghiệp phát triển của đất nước. PGS.TS. Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) đã có một số trao đổi để làm rõ hơn về vấn đề này.

PV: Thưa ông, Chiến lược quốc gia về cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản được xem là nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng nhằm phát huy thế mạnh đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới vào năm 2030, Với vai trò là Viện trưởng Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, Viện có vai trò như thế nào và đang gặp những khó khăn gì trong quá trình triển khai nhiệm vụ, thưa ông?

PGS.TS Phạm Anh Tuấn: Bám sát mục tiêu “Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030” đã được Thủ tướng phê duyệt: Về cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường nông nghiệp tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung được cơ giới hóa. Đồng thời, phát triển chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong tốp 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT).
PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT).

Đối với Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đã xây dựng và trình Bộ NN&PTNT phê duyệt chiến lược nghiên cứu và phát triển Viện đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Trọng tâm của chiến lược tập trung vào các giải pháp thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được giao gồm: Nghiên cứu khoa học; Chuyển giao công nghệ; Đào tạo và Hợp tác quốc tế; Tư vấn và Dịch vụ kỹ thuật thuộc lĩnh vực cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch. Có thể nói đây là giai đoạn có đầy đủ hành lang pháp lý đối với lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch từ chiến lược quốc gia đến Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia KC07/21-30: “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp” đã được Bộ KH&CN phê duyệt.

Tuy vậy, đối với các tổ chức khoa học (viện nghiên cứu/trường đại học) thuộc lĩnh vực cơ khí nông nghiệp và chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản nói chung, cũng như Viện chúng tôi nói riêng vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.

Thứ nhất, đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành ngày càng thiếu hụt do cán bộ có kinh nghiệm đến tuổi nghỉ chế độ trong khi công tác tuyển dụng và đào tạo gặp nhiều khó khăn đặc biệt trong giai đoạn thực hiện cơ chế tự chủ;

Thứ hai, về trang thiết bị phục vụ nghiên cứu còn nhiều thiếu thốn và lạc hậu;

Thứ ba, cơ chế quản lý tài chính và sản phẩm khoa học còn nhiều bất cập chưa đồng bộ, chưa thực sự khuyến khích nhà khoa học…

PV: Là một Viện đầu ngành có chức năng đào tạo tiến sĩ với 2 mã ngành (Kỹ thuật cơ khí và Công nghệ sau thu hoạch), ngoài ra hàng năm, Viện đã tổ chức đào tạo tập huấn hỗ trợ các Doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chế biến và xuất khẩu, đồng thời Viện tham gia tư vấn kỹ thuật, tư vấn chính sách và phản biện đóng góp cho các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách về phát triển nông nghiệp. Theo ông, ngoài vấn đề thiếu nhân lực, thiếu cơ sở trang thiết bị nghiên cứu như ông chia sẻ, liệu các chính sách đã thực sự khuyến khích các nhà khoa học?

PGS.TS Phạm Anh Tuấn: Hiện tại điều mà khiến các nhà khoa học chúng tôi trăn trở nhất đó là sự vướng mắc về cơ chế chính sách quản lý và thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Khi mà ranh giới giữa thành công và thất bại, giữa tích cực và tiêu cực là rất mỏng manh và rất khó phân định. Đề xuất một đề tài khoa học xuất phát từ ý tưởng mới có ý nghĩa khoa học được phê duyệt và thực hiện đến sản phẩm cuối cùng đưa vào thực tiễn sản xuất có hiệu quả được coi là thành công. Tuy vậy, ý tưởng càng mới, ý nghĩa khoa học càng cao thì đi đôi với rủi ro càng lớn, trong khi cơ chế quản lý tài chính đòi hỏi dự toán chi phí nguyên vật liệu nghiên cứu phải là con số tuyệt đối (chủng loại hóa chất, vật tư tương ứng số lượng, đơn giá…) và thực hiện theo luật đấu thầu… dẫn đến các nhà khoa học cứ phải máy móc dập khuôn theo kế hoạch đã phê duyệt, tuy rằng thực tế triển khai có nhiều thay đổi về hóa chất, vật tư, dụng cụ … Trong khi, quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học sau khi nghiệm thu phải thực hiện xử lý tài sản theo Nghị định số 70/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Đây là một vấn đề còn nhiều vướng mắc chưa có phương án giải quyết thống nhất và đồng bộ. Qua đó cho thấy về cơ chế chính sách quản lý khoa học của chúng ta còn nhiều bất cập, bên cạnh những chính sách mở để thu hút nhân tài, đặc biệt nhà khoa học trẻ, vẫn còn nhiều chính sách đóng do bị chi phối bởi các luật (luật tài chính, tài sản công, đấu thầu …). Đây thực sự là nút thắt cản trở sự phát triển của khoa học và công nghệ, nếu không có giải pháp tháo gỡ phù hợp, kịp thời và đồng bộ.

PV: Vừa là nhà quản lý khoa học của một Viện nghiên cứu đầu ngành lại có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu và triển khai các đề tài/ dự án khoa học đưa vào ứng dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp, cũng là tác giả đã đoạt được nhiều Giải thưởng sáng tạo KH&CN trong nước và quốc tế. Ông có “kế sách” gì để tháo gỡ “nút thắt” tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích các nhà khoa học phát huy hết năng lực, trí tuệ của mình?

PGS.TS Phạm Anh Tuấn: Thứ nhất, về cơ chế chính sách quản lý hoạt động khoa học và công nghệ cần có tính đặc thù và có chế tài riêng, điều này chúng ta cần học tập cơ chế quản lý khoa học của các nước tiên tiến;

Thứ hai, cần tăng cường năng lực của hoạt động đánh giá và thẩm định công nghệ làm cơ sở để hướng đến cơ chế đặc thù đặt hàng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hình thức giao khoán đến sản phẩm cuối cùng;

Thứ ba, cần xây dựng tiêu chí phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh theo từng lĩnh vực chuyên môn và có cơ chế ưu đãi đặc thù để thu hút nhân tài, đặc biệt là các nhà khoa học đầu ngành, song song với việc đầu tư trang thiết bị nghiên cứu hiện đại và đổi mới cơ chế đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hình thức khoán đến sản phẩm cuối cùng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!